Vĩnh An là xã miền núi của huyện Tây Sơn, nơi có hơn 90% số hộ dân là người dân tộc Bana. Những năm gần đây, được hưởng lợi từ các chương trình, dự án ưu tiên cho các xã miền núi của Chính phủ cùng với sự đầu tư của chính quyền địa phương, diện mạo xã Vĩnh An đã thay đổi.
|
Khu định cư làng Giang của xã Vĩnh An đã hình thành từ năm 2008. |
* Khởi sắc điện - đường - trường - trạm
Xã Vĩnh An có 5 làng (Kon Giọt 1, Kon Giọt 2, Kon Mon, Kon Giang và Xà Tang), gồm 323 hộ với 1.259 nhân khẩu; trong đó, hơn 90% là người dân tộc Bana. Sau 10 năm thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi (2001-2010), đã có 24 công trình điện - đường - trường - trạm được lồng ghép từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn xã với tổng mức đầu tư trên 20 tỉ đồng. Ngoài bê tông, nâng cấp các tuyến đường làng, xã còn được đầu tư xây dựng 5 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới và nước sạch sinh hoạt cho người dân. Đường điện trung hạ áp đã về đến 5 làng, 100% số hộ dân có điện thắp sáng. Nhiều nhà đã sắm được xe máy, ti vi.
Đầu tháng 10.2010, 75 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của xã đã chuyển từ Trường THCS Bình Tường về học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tây Sơn xây dựng tại xã. Ông Đinh Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh An, nói: “Ngày trước, trường ở xa, nên nhiều cháu phải nghỉ học. Trời mưa, đi lại càng khó hơn, có lúc 7-8 giờ tối chưa về đến nhà. Nay có trường gần, bà con mừng lắm”.
Thực hiện Quyết định 33a của Chính phủ về định canh, định cư xen ghép, từ năm 2008 đến nay, xã đã chuyển 36 hộ dân về khu định cư làng Giang. Mỗi hộ được hỗ trợ 16 triệu đồng để xây nhà, ai có tiền thì đầu tư thêm, cơi nới rộng hơn. Theo kế hoạch, năm 2011, xã sẽ có thêm 15 hộ xuống định cư ở khu mới này. Điện, nước đã đưa về đến đầu mối, nhà nào xây xong thì đấu nối vào. Anh Đinh Krú, 32 tuổi, đang trông coi thợ làm nhà, vui mừng cho biết: “Mình trước sống với cha mẹ ở làng Kon Giang, nay có vợ con nên phải làm nhà riêng thôi…”. Nhà Krú rộng chừng 24m2, chưa làm được bếp.
|
Nước sạch tại làng Giang đã được đấu nối về đến từng nhà. |
* Hướng đến đích thoát nghèo bền vững
Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh An, năm 2010, diện tích sản xuất lúa của xã đạt 87 ha, bắp lai 55 ha, mía gần 40 ha, mì 38 ha, chuối, đu đủ: 20 ha. Về chăn nuôi, đồng bào đã biết tận dụng lợi thế đất đai đồi núi, có bãi chăn thả, nhiều hộ đã vay vốn để nuôi trâu, bò và dê. Chủ tịch UBND xã Đinh Ướp cho biết: “Mỗi gia đình được vay vốn 2,6 triệu đồng để mua trâu, bò theo Chương trình 135. Đến nay, cả xã có 296 con trâu, 629 con bò, 83 con dê. Tuy nhiên, do tập quán chăn thả trên núi, thiếu chăm sóc nên đàn gia súc không phát triển tốt”.
Ông Lê Thành Tâm, cán bộ tăng cường xóa đói giảm nghèo của UBND xã Vĩnh An, cho biết: Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, định canh định cư hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất; đồng bào được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây lúa nước, chuyển đổi cây trồng vụ hè, kỹ thuật chăn nuôi... nên đời sống từng bước ổn định. Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn cũ) từ 92,92% (năm 2006) giảm còn 51,25% năm 2010. Cả xã chỉ còn 15 hộ ở nhà tạm bợ, dột nát và đã được đưa vào danh sách hỗ trợ trong năm 2011 này.
Tết này, vợ chồng anh Đinh Gon, 37 tuổi, ở làng Kon Giọt 1 được ở nhà mới. Nhờ biết chi tiêu tiết kiệm, tính toán, nên dù phải nuôi 4 đứa con, vợ chồng anh vẫn xây được ngôi nhà tương đối khang trang, trị giá 60 triệu đồng. “Vợ chồng tôi có 3 sào ruộng, trồng đu đủ, chuối ở rẫy, nuôi được 4 con bò nhưng mới bán hết để làm nhà mới rồi…”- anh Gon phấn khởi. Cùng sống với đồng bào Bana đã gần 20 năm, ông Tâm rất thông hiểu tình hình phát triển chung của xã cũng như ở mỗi gia đình: “Lớp trẻ từ 40 tuổi trở xuống, có người biết làm ăn, tính toán giỏi nên nhà cửa khang trang, sắm xe máy, ti vi, như nhà anh Đinh Gon, nhà Đinh Hồng ở làng Giang. Tuy vậy, cũng còn nhiều hộ ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, không tự vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp nên tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong trồng trọt, sản xuất còn hạn chế…”.
Về những khó khăn của xã Vĩnh An, Chủ tịch UBND xã Đinh Ướp, bày tỏ: “Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên năng suất các loại cây trồng không cao; nhiều bà con bỏ sản xuất vụ 3 nên sắp tới, nhất là vào vụ Đông Xuân sẽ có nhiều nhà khó khăn về cái ăn. Xã vừa phân bổ 7 tấn gạo cứu trợ lũ lụt do cấp trên hỗ trợ cho bà con, mỗi khẩu 15 kg, ăn trong 3 tháng. Về lâu dài, chúng tôi phải phấn đấu thoát nghèo bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo của xã đã giảm nhưng chưa bền vững, kết quả mới nhất về điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới năm 2010, cả xã có đến 283 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 87,65%, hầu hết rơi vào hộ đồng bào Bana. Chúng tôi đã đề nghị với Ban Dân tộc về chủ trương cho khai hoang tăng thêm diện tích đất sản xuất, tăng cường hỗ trợ các công trình thủy lợi để có nước tưới phục vụ sản xuất”.
|