Trả lại vườn cho cây
20:32', 4/1/ 2011 (GMT+7)

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do các quán cà phê gây ra đã khiến nhiều hộ dân sống trên đường Phạm Hùng và Đô Đốc Bảo (thuộc KV 5, phường Trần Phú, Quy Nhơn) nhiều lần có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố giải quyết. Không chỉ thế, các hộ này còn lấn chiếm vỉa hè, diện tích dưới tán cây xanh để buôn bán và kiên cố hóa phần “trưng dụng” ở khu cây xanh bằng cách đổ bê tông xi măng trên nền đất. Có hộ còn mang cả tivi, loa ra khu vực này mở nhạc to, hoạt động khuya, cũng như mắc võng gây mất mỹ quan đô thị. Tình trạng bài bạc và đánh nhau gây mất an ninh trật tự cũng thường diễn ra khiến người dân khu vực này hết sức bức xúc.

Thời gian gần đây, khu vực trồng cây xanh lại “đón” thêm nhiều quán cà phê mới mở, quay mặt ra đường Nguyễn Tất Thành. Đa số các quán này hoạt động theo kiểu bình dân, chủ quán chỉ cần một ít bàn ghế và một xe đẩy pha chế lưu động là thoải mái bán buôn cả ngày. Cũng từ đây, dưới các tán cây mọc thêm lên những “lô cốt” nhỏ, do các chủ quán dựng để làm nơi cất bàn ghế vào buổi tối. Và thế là, khu vực dự trữ cây xanh của thành phố dọc đường Nguyễn Tất Thành đã trở thành “vườn cà phê” lộn xộn, nhếch nhác.

Đây là một trong những vấn đề thuộc công tác quy hoạch, chỉnh trang, quản lý đô thị, vốn là mảng rất “nóng” trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vấn đề này đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự tại các kỳ họp HĐND TP Quy Nhơn. Theo giải trình của ông Phạm Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, tại kỳ họp lần thứ 17 HĐND thành phố khóa IX mới đây, thì: “UBND TP Quy Nhơn đã giao cho Công ty TNHH Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn xây dựng phương án quản lý khu vực này. Công ty phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của các hộ dân; đồng thời, không cho buôn bán, kinh doanh. Nhưng, khi lực lượng rút đi thì đâu vẫn hoàn đó”. Cũng theo ông Liêm, UBND TP Quy Nhơn đã họp nhiều lần với các ngành chức năng của thành phố để xem xét phương án quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán tại khu vực này; tuy nhiên, việc ban hành văn bản hay phương án quản lý như vậy chưa có tiền lệ nên chưa làm được. Đó là lý do mà tình hình kinh doanh của các hộ dân nơi đây vẫn cứ tiếp diễn.

Thiết nghĩ, phương án cho các hộ kinh doanh cà phê thuê khu vực vườn cây để buôn bán, cho dù có được quy hoạch và quản lý chặt chẽ đi nữa, cũng sẽ không khả thi, bởi làm ảnh hưởng đến chức năng tập kết và dự trữ cây bóng mát cho thành phố của khu vực này; và hơn thế, làm mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, khi yêu cầu các hộ kinh doanh giải khát lấn chiếm đất trả lại vườn cho cây thì cơ quan quản lý vườn cây cũng nên có phương án chỉnh trang mặt bằng vườn, tránh tình trạng biến nơi đây thành chỗ đổ rác hoặc bỏ hoang. Chỉ có như vậy thì vườn cây xanh mới thật sự phát huy chức năng và tác dụng của nó đối với thành phố.   

  • V.H - Phi Hùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khởi sắc Vĩnh An  (04/01/2011)
Quy định mức trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh   (04/01/2011)
Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên   (03/01/2011)
“Học bổng BIDV” cho sinh viên Bình Định   (03/01/2011)
Cần có sự hợp lực   (03/01/2011)
Phân bổ 50 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cho nhân dân   (03/01/2011)
Nhân sự mới   (03/01/2011)
Đại hội Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định lần thứ II  (03/01/2011)
Thủ tướng phê chuẩn và bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định  (03/01/2011)
Tăng cường TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề  (02/01/2011)
Bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (02/01/2011)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM  (02/01/2011)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (02/01/2011)
Chỉ một doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết  (02/01/2011)
Nhiều hoạt động khởi động Năm Thanh niên 2011  (02/01/2011)