Kỷ niệm 65 năm Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2011):
Quốc hội của dân, do dân, vì dân
10:34', 5/1/ 2011 (GMT+7)

Cách đây tròn 65 năm, ngày 6/1/1946, Quốc hội khoá I đã được bầu. Nhìn lại 65 xây dựng và trưởng thành của Quốc hội, chúng ta thực sự vui mừng vì Quốc hội đã hết lòng vì dân, vì nước, và làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ là những người đại biểu của nhân dân theo tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Cuộc Tổng tuyển cử được ấn định ngày 23/12/1945, song để việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử được chu đáo hơn, nhằm tạo điều kiện giúp các ứng cử viên nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76/SL hoãn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đến ngày 6/1/1946.

Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp ở Nam Bộ và sự chống phá điên cuồng của Việt Cách (Việt Nam cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam quốc dân đảng), Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ chỉ huy tối cao của dân tộc, một mặt, kiên quyết đấu tranh vạch trần và chống lại những hành động phá hoại của kẻ thù, mặt khác thực hiện sách lược nhân nhượng, hoà giải để tiến tới Tổng tuyển cử. Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ người công dân của nước Việt Nam độc lập, cả dân tộc đã “tỏ rõ cái tư cách xứng đáng của những người công dân nước Việt Nam và ý chí đoàn kết không chia rẽ", thực hiện và “hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, để “được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước".

Ngày 6/1/1946, với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, với niềm tin tưởng chắc chắn rằng "đi bỏ phiếu là đặt một viên gạch xây đắp nền cộng hoà dân chủ", nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước, dù nhiều người phải hy sinh cả tính mạng của mình, đã "tiến đến thùng phiếu" để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người dân một nước độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội. Là công dân số 1 của nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã không chỉ động viên, kêu gọi mọi người tham gia tổng tuyển cử, mà chính Người cũng đã nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. 118 vị chủ tịch UBND và tất cả các giới đại biểu làng xã tại Hà Nội đã kiến nghị: "Cụ Hồ Chí Minh miễn phải ứng cử" trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới và "suy tôn Cụ làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà". Đáp lại tình cảm và nguyện vọng đó, Hồ Chí Minh cảm tạ đồng bào và nói: "Tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định". Ngày 26/12/1945, khi trả lời phóng viên các báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ hơn, lý do vì sao Người không thể không thực hiện quyền công dân, không qua bầu cử mà trở thành người lãnh đạo nhà nước: “Thế sao Cụ không ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi? Hồ Chí Minh đáp giản dị: “Vì tôi không muốn làm Vua Lu-y thập tứ”.

Tại 71 tỉnh thành trong cả nước, đã có "89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%", và trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần, để bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của mình, cho mình, vì mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh bầu cử tại địa điểm số 10 Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Trong cuộc bầu cử ở Hà Nội, đã có 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. 6 trong tổng số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Người trúng cử thấp phiếu nhất là 52,5%, người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%". Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu Quốc hội đã thắng lợi, toàn dân đã thực sự được "hưởng một phần độc lập, tự do" bằng lá phiếu cử tri của mình.

Thực sự là ngày hội của toàn dân, ngày hội của nước Việt Nam độc lập, Tổng tuyển cử 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội khoá I – Quốc hội của dân, do dân, vì dân, bao gồm đầy đủ các tầng lớp, các giới, các đảng phái chính trị ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Gồm 333 đại biểu (trong đó Bắc Bộ có 152 đại biểu, Trung Bộ có 108 đại biểu, Nam Bộ có 73 đại biểu), cùng với 70 đại biểu không thông qua bầu cử, Quốc hội khoá I gồm 403 đại biểu, có đầy đủ các thành phần: công nhân, nông dân, trí thức, các nhà tư sản, người buôn bán…là hình ảnh tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết, minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân. Sự ra đời của Quốc hội khoá I, đã khẳng định vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong qua trình chuẩn bị, chỉ đạo và tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà lập hiến. 

  • TRẦN TRUNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trả lại vườn cho cây   (04/01/2011)
Khởi sắc Vĩnh An  (04/01/2011)
Quy định mức trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh   (04/01/2011)
Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên   (03/01/2011)
“Học bổng BIDV” cho sinh viên Bình Định   (03/01/2011)
Cần có sự hợp lực   (03/01/2011)
Phân bổ 50 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cho nhân dân   (03/01/2011)
Nhân sự mới   (03/01/2011)
Đại hội Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định lần thứ II  (03/01/2011)
Thủ tướng phê chuẩn và bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định  (03/01/2011)
Tăng cường TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề  (02/01/2011)
Bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (02/01/2011)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM  (02/01/2011)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (02/01/2011)
Chỉ một doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết  (02/01/2011)