CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM (6.1.1946 - 6.1.2011)
Nâng cao trách nhiệm đại biểu của dân
18:50', 5/1/ 2011 (GMT+7)

Trong gần trọn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (từ kỳ họp thứ 1, 7.2007 đến sau kỳ họp thứ 8, 11.2010), Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tham gia tốt công tác xây dựng pháp luật cũng như góp ý kiến vào việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

 

 

Đại biểu Quốc hội Vũ Hoàng Hà chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII.

 

* Khẳng định vai trò ĐBQH

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định có 8 đại biểu (5 nam, 3 nữ), trong đó có 3 đại biểu đang công tác ở các cơ quan Trung ương. Đa số các ĐBQH đều giữ trọng trách cao ở Trung ương và địa phương.

Bà Nguyễn Thanh Thụy - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh - nhận xét: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vị ĐBQH trong Đoàn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật, tham gia các hoạt động giám sát tối cao tại các phiên họp của Quốc hội cũng như các đoàn giám sát tại tỉnh, các chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tổ chức”.

Như trong quá trình thực hiện công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã mở rộng việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp vào các dự án luật, bộ luật; đồng thời chọn lọc, tổng hợp nhiều ý kiến tham gia xây dựng pháp luật xác đáng của cán bộ, nhân dân trong tỉnh để báo cáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đặc biệt, trong quá trình thảo luận góp ý xây dựng các dự thảo luật, các ĐBQH tỉnh đã quan tâm, tích cực tham gia vào nhiều dự án luật quan trọng như: Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng... Nhìn chung, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ XII đã có nhiều tiến bộ rõ rệt.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thanh Thụy, các ĐBQH tỉnh cũng đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cùng Quốc hội bàn thảo, xem xét, quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Điều đó được thể hiện, tại các kỳ họp Quốc hội, trước những vấn đề lớn như: Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam; quản lý và sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty; công tác quy hoạch; công tác dự báo; các vấn đề an sinh xã hội... các vị ĐBQH trong đoàn như Vũ Hoàng Hà, Nguyễn Đăng Vang, Hồ Quốc Dũng... đã có những phát biểu thẳng thắn, tâm huyết và rất thuyết phục, được đánh giá cao. Nhiều ý kiến đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu.

 

ĐBQH tỉnh Bình Định Nguyễn Đăng Vang chất vấn thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII.

 

* Nâng cao trách nhiệm người đại biểu của dân

Qua 4 năm hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã có nhiều cố gắng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó với cử tri, báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH, của Quốc hội. Các đại biểu cũng kịp thời phản ánh trực tiếp với các bộ, ngành và trong diễn đàn Quốc hội về những vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri quan tâm; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã tổ chức:

- 15 hội nghị tiếp xúc với đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên Mặt trận.

- 252 điểm tiếp xúc cử tri.

- 14 đợt giám sát.

- 46 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật.

- 21 buổi tiếp dân định kỳ với 178 lượt công dân tham dự.

Phát huy truyền thống 65 năm Quốc hội Việt Nam, để nước ta thật sự trở thành một Nhà nước pháp quyền, thì không gì hơn là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Để đạt được điều đó, theo bà Nguyễn Thanh Thụy, ĐBQH phải nâng cao năng lực của bản thân, nâng cao trách nhiệm người đại biểu của dân. Nghĩa là, từng ĐBQH phải thật sự là cầu nối giữa cử tri với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; phản ánh trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội; kiến nghị với các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan tư pháp giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân. “Theo tôi, điều này sẽ giúp tạo sự đồng thuận của nhân dân để phát huy dân chủ, huy động sự tham gia nhiều nhất của nhân dân vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới; làm cho Quốc hội, ĐBQH gần cử tri hơn, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri đối với đại biểu do họ bầu ra” - bà Thụy nói.

  • Nguyên Sương

ÔNG TRẦN TÍN- ĐBQH KHÓA I, II, III:

Mỗi thời kỳ, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội lại khác nhau

Trong số 12 ĐBQH khóa đầu tiên của tỉnh Bình Định, đến nay, chỉ mỗi mình ông Trần Tín còn sống. Đã ở vào cái tuổi thượng thọ 94, mắt đã mờ, tai đã nặng, vậy nhưng ông vẫn còn nhớ rõ những tháng ngày cả nước, dù trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội khóa đầu tiên.

 

Ông hồi tưởng: “Khi ấy tôi 28 tuổi, đang làm thư ký cho Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận và được cử đi dự Hội nghị Công nhân cứu quốc Trung bộ. Tại đây, tôi tình cờ gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh, bạn tù ở nhà lao Buôn Mê Thuột và được đồng chí Thanh giới thiệu ứng cử ĐBQH tỉnh Bình Định. Sau đó, tôi được lãnh đạo tỉnh Bình Định triệu tập về để ứng cử ĐBQH khóa I.

Bình Định khi ấy có 12 ĐBQH, bởi 90% dân số khi ấy không biết chữ nên Tỉnh ủy đã đặt ra bài vè đọc cho dễ nhớ, rằng: “Trần Quang Khanh lại có Trần Lê/ Trần Huy, Trần Tín nên ghê đức tài/ Phạm Sanh với Lê Văn Mai/ Nguyễn Hoàng, Phan Chấn anh tài đức dư/ Huỳnh Triết với Nguyễn Xuân Như/ Ông linh mục Tín đủ mười một ông”. Ngoài ra, còn có đại biểu người dân tộc tên Moong Thoon nữa. Ra Hà Nội, Đoàn ĐBQH Bình Định được Bác Hồ đón tiếp ở Bắc bộ phủ. Tôi vẫn còn nhớ rõ, Bác bắt tay thân mật với Linh mục Nguyễn Đức Tín và ngồi chung với linh mục trên một chiếc ghế dài, biểu thị lòng quý mến của Bác đối với người chiến sĩ cách mạng công giáo là ĐBQH”.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội diễn ra trong tình thế hết sức khẩn trương, cấp bách và bí mật nên các ĐBQH chỉ tiếp thu và ghi nhớ những gì mà Quốc hội và Bác Hồ đặt ra cho cả nước và từng địa phương. Ông Trần Tín kể, Đoàn ĐBQH Bình Định được Bác căn dặn một số việc, chủ yếu là vấn đề đoàn kết dân tộc, chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân và chuẩn bị đối phó với sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp.

Sau đó, ông Trần Tín tiếp tục làm ĐBQH các khóa II và III  từ năm 1946 đến năm 1970. Ông đúc kết: “Tôi nghĩ, mỗi thời kỳ thì nhiệm vụ, trách nhiệm của ĐBQH khác nhau. Thời kỳ ĐBQH của chúng tôi là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Còn ngày nay, các ĐBQH có nhiệm vụ phải giữ vững nền độc lập tự do, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế…”.

  • Thu Hà

 

BÀ TRẦN THỊ LỆ THU - ĐBQH KHÓA IX:

Đại biểu Quốc hội phải nói được tiếng nói của dân

Quốc hội khóa IX (1992-1997), tỉnh Bình Định có 8 đại biểu, trong đó bà Trần Thị Lệ Thu, lúc ấy là Tổng Thư ký Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, là đại biểu nữ duy nhất.

 

Là người thẳng tính, bà Lệ Thu thừa nhận có những lúc mình “hơi gay gắt” trong các kỳ họp Quốc hội. Bà nói: “ĐBQH là đại diện cho nhân dân, mà theo quan điểm của tôi, phần đông trong nhân dân là người dân lao động nên ĐBQH phải nói được tiếng nói của người lao động, phản ánh những suy nghĩ, tình cảm, nguyện vọng của họ để có những quyết sách đúng đắn và giám sát Chính phủ trong quá trình thực thi những quyết sách đó”.

Đứng trên quan điểm ấy, cùng sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được thể hiện rõ nét, bà Trần Thị Lệ Thu đã có những lần chất vấn đến các thành viên Chính phủ các vấn đề bức xúc. Bà còn nhớ đến giờ là lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Thương mại về sự thiếu minh bạch trong ban hành những văn bản “lách luật” liên quan đến quy định cấm nhập khẩu ô tô. Và việc này lại có liên quan đến lô hàng nhập khẩu trái phép 38 xe ô tô qua Cảng Quy Nhơn. Bà nhớ lại: “Lúc ấy, không khí căng thẳng lắm, tôi và Bộ trưởng cứ hỏi - đáp qua lại như thế, đến hết giờ mà vẫn chưa muốn dứt. Trong hội trường, nhiều đại biểu tỏ ý rất ủng hộ tôi”. Hay lần chất vấn Chính phủ về dự án xa lộ Bắc - Nam thiếu tính khả thi và tốn kém cũng là lần đáng nhớ, bởi bà không ngại đề cập thẳng đến những vấn đề tế nhị phía sau dự án. Lần ấy, vấn đề trên cũng được nhiều đại biểu đồng quan điểm.

Nhớ về một thời làm ĐBQH sôi nổi, bà Lệ Thu trầm ngâm: “Đó là giai đoạn đất nước có những đổi mới mạnh mẽ và các đại biểu tâm huyết đều rất day dứt, băn khoăn với những vấn đề nảy sinh do sự phát triển nóng. Người ta nói đó là những tất yếu của đất nước thời kỳ mở cửa, nhưng không biết có phải do tôi suy nghĩ theo lối cũ quen rồi hay không mà cứ hay băn khoăn về những điều đó. Với tôi, đất nước có phát triển nhanh và mạnh đến đâu mà xã hội thiếu sự công bằng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không được chăm sóc thì sự phát triển đó coi như vô nghĩa! Sự chân chính của ĐBQH là dám nói thẳng và vì anh là người đại diện cho dân, nên phải nói tiếng nói của dân”.

“Nếu bây giờ vẫn là ĐBQH, bà sẽ nói gì ở nghị trường?”. Nữ ĐBQH khóa IX Trần Thị Lệ Thu nói rằng, hiện vấn đề bà quan tâm nhất là sự ô nhiễm môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Tốc độ phát triển nhanh không đi cùng với bảo vệ môi trường, rồi những vấn đề về văn hóa, giáo dục chưa được quan tâm đúng mức khiến bà bức xúc. “ Mà cái gì bức xúc không nói được thì tôi đưa vào thơ” - bà cười ý nhị.

  • Việt Hoàng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quốc hội của dân, do dân, vì dân  (05/01/2011)
Trả lại vườn cho cây   (04/01/2011)
Khởi sắc Vĩnh An  (04/01/2011)
Quy định mức trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh   (04/01/2011)
Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên   (03/01/2011)
“Học bổng BIDV” cho sinh viên Bình Định   (03/01/2011)
Cần có sự hợp lực   (03/01/2011)
Phân bổ 50 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cho nhân dân   (03/01/2011)
Nhân sự mới   (03/01/2011)
Đại hội Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Định lần thứ II  (03/01/2011)
Thủ tướng phê chuẩn và bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định  (03/01/2011)
Tăng cường TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề  (02/01/2011)
Bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (02/01/2011)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM  (02/01/2011)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (02/01/2011)