Kỷ niệm 65 năm Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2011) :
Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
9:48', 6/1/ 2011 (GMT+7)

Nhìn lại quá trình ra đời và phát triển của Quốc hội qua 65 năm xây dựng và phát triển, với 12 khóa, có thể thấy rằng, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, từ Quốc hội khóa I được bầu (6.1.1946) đến Quốc hội khóa XII được bầu (20.5.2007) - đều thực sự là Quốc hội ra đời từ lòng dân, hết lòng vì dân, vì nước, và làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ là những người đại biểu của nhân dân. 65 xây dựng và trưởng thành của Quốc hội, cũng đồng thời là 65 năm Quốc hội nước nhà được xây dựng theo tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Ảnh: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

 

Từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1946 -1975), đất nước ta đã trải qua nhiều biến cố và Quốc hội cũng đã nhiều lần được bầu lại. Nhiệm vụ chính trị của Quốc hội ở mỗi thời kỳ tuy có khác nhau, song Quốc hội luôn là cơ quan đại diện cho nhân dân, của nhân dân, vì nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù ở vào giai đoạn lịch sử nào của đất nước, Quốc hội cũng đều thể hiện rõ chức năng “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, “cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”, cơ quan có quyền quyết định những vấn đề trọng yếu của quốc gia. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, việc Quốc hội quyết định thực hiện các vấn đề quan trọng liên quan đến hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thực sự cho thấy: Quốc hội còn là một diễn đàn chính trị, thể hiện ý chí thống nhất nước nhà không gì lay chuyển nổi của đồng bào và chiến sĩ cả nước. 

Thông qua những quyết định quan trọng liên quan đến sự phát triển của sự nghiệp cách mạng cả nước, Quốc hội được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò định hướng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đảm bảo và chú trọng đến vấn đề thực hiện quyền con người, quyền công dân theo đà phát triển của đất nước. Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, luật cơ bản của nhà nước, với những điều văn, với các điều kiện bảo đảm thực hành như mọi nền dân chủ đạt trình độ cao trên thế giới, đã thiết thực góp phần “đặt nền móng xây dựng một đời sống mới tự do và hạnh phúc cho cả dân tộc ta, thiết thực chuẩn bị cho sự phát triển về sau này của cả nước”.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, đi lên CNXH đã đặt ra cho Quốc hội – cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân những trọng trách mới. Nhiệm vụ mới đòi hỏi Quốc hội phải có một cơ cấu phản ánh được tính chất toàn dân tộc.

Tổng tuyển cử ngày 26.4.1976, bầu Quốc hội khóa VI (1976-1981) - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nước ta. Lịch sử dân tộc ta đã chuyển sang một bước ngoặt vĩ đại. Trong kỷ nguyên mới của đất nước, Quốc hội khóa VI tiếp tục hoàn thành thống nhất đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa và xã hội, gắn với việc thực hiện những nhiệm vụ của công cuộc xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII (6.1991), Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vị trí, vai trò của Quốc hội đã ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Trong thực tiễn, điều này không chỉ thể hiện rõ ở công tác chuẩn bị bầu cử và ứng cử, hiệp thương, giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa tiêu chuẩn đại biểu và cơ cấu đại biểu; ở công tác tổ chức, tiến hành bầu cử Quốc hội ở các khóa VII (1981-1987),VIII (1987-1992), IX (1992-1997), X (1997-2002), XI (2002-2007), XII (2007-2011), để nhân dân lựa chọn được những người “thể hiện đầy đủ năng lực, trình độ đại diện của mình, bao gồm cả chương trình hành động, kế hoạch thực hiện và kỹ năng cụ thể thực hiện chương trình kế hoạch đó”, mà còn thể hiện ở việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trên nhiều mặt, như: Tiếp tục nâng cao năng lực lập pháp, hoạt động lập pháp; Vai trò của Quốc hội với hoạt động tư pháp; Tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Tiếp tục tăng cường quyền giám sát tối cao của Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; Kế thừa và phát huy dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam, tăng cường chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp của Quốc hội; Tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, v.v.. 

Truyền thống đoàn kết, vì dân, vì nước của Quốc hội, do Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng chăm lo xây dựng và phát triển, đã từng đưa cuộc cách mạng giải phóng, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đến thắng lợi hoàn toàn, nhất định vẫn sẽ là một trong những nhân tố quan trọng, để Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước Việt Nam vững bước trên con đường Đổi mới và Hội nhập.

Cùng với Hiến pháp 1980 và sau đó là Hiến pháp 1992, Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001, và các luật bầu cử đại biểu Quốc hội, việc ban hành nhiều văn bản pháp luật thiết thực, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn, đổi mới các hoạt động giám sát, chủ động xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt là không khí dân chủ ngày càng được phát huy tại các kỳ họp của Quốc hội. Việc truyền hình trực tiếp các buổi thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, của các thành viên Chính phủ, v.v.. luôn luôn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. hiệu quả từ chất vấn và trả lời chất vấn đã làm cho hoạt động của Quốc hội ngày càng có hiệu quả hơn, ngày càng xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân cả nước. Để Quốc hội thực sự là “của dân, do dân, vì dân” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội cũng là một vấn đề vừa rất thời sự và thiết thực, vừa rất nhạy cảm và hệ trọng. Càng ngày, mỗi cử tri đều nhận thấy chủ trương phát huy dân chủ của Đảng trong hoạt động của Quốc hội trong các khóa gần đây, đặc biệt là khóa XII là rất đúng đắn.

Việc công khai hóa phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp Quốc hội đã ngày càng để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào và cử tri cả nước. Điều đó chứng tỏ rằng: “Quốc hội nước ta ngày càng tiến bộ, diễn đàn Quốc hội ngày càng văn minh, dân chủ”. Thực tiễn đó khẳng định sự lành mạnh của hệ thống chính trị và sự đúng đắn của chủ trương phát huy dân chủ trong hoạt động của Nhà nước, của Quốc hội, để một Quốc hội của dân, do dân, vì dân theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng đổi mới, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, “thống nhất cao hơn trong nhận thức và hành động”. 

Nhìn lại quá trình ra đời và phát triển của Quốc hội qua 65 năm xây dựng và phát triển, với 12 khóa, có thể thấy rằng, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, từ Quốc hội khóa I được bầu (6.1.1946) đến Quốc hội khóa XII được bầu (20.5.2007) - đều thực sự là Quốc hội ra đời từ lòng dân, hết lòng vì dân, vì nước, và làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ là những người đại biểu của nhân dân. 65 xây dựng và trưởng thành của Quốc hội, cũng đồng thời là 65 năm Quốc hội nước nhà được xây dựng theo tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam – Quốc hội của dân, do dân, vì dân, đã không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên 1.300 CĐCS có Tạp chí Công đoàn  (05/01/2011)
Toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, thiệt hại 92,8 ha rừng  (05/01/2011)
Một tàu cá hỏng máy đã được đưa vào bờ an toàn  (05/01/2011)
Công khai cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm  (05/01/2011)
Người cao tuổi ngày càng được quan tâm hơn  (05/01/2011)
Nâng cao trách nhiệm đại biểu của dân  (05/01/2011)
Quốc hội của dân, do dân, vì dân  (05/01/2011)
Trả lại vườn cho cây   (04/01/2011)
Khởi sắc Vĩnh An  (04/01/2011)
Quy định mức trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh   (04/01/2011)
Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên   (03/01/2011)
“Học bổng BIDV” cho sinh viên Bình Định   (03/01/2011)
Cần có sự hợp lực   (03/01/2011)
Phân bổ 50 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cho nhân dân   (03/01/2011)
Nhân sự mới   (03/01/2011)