Nghề đúc chậu kiểng
20:37', 7/1/ 2011 (GMT+7)

Trong 3 năm trở lại đây, phong trào chơi cây cảnh phát triển mạnh kéo theo nghề đúc chậu kiểng cũng phát triển. Nghề này đã giúp nhiều lao động nữ ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định.

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão, nên nghề đúc chậu kiểng cũng khá nhộn nhịp. Hiện các hộ, cơ sở đúc chậu kiểng trên địa bàn tỉnh phải làm việc cật lực mới đủ hàng đáp ứng nhu cầu khách mua. Dọc theo thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng (An Nhơn) có đến 11 cơ sở chuyên đúc chậu kiểng các loại bằng đá mài; còn ở các thôn: Quảng Tín, Mỹ Điền, Trung Thành (xã Phước Lộc, Tuy Phước) có hàng chục hộ, cơ sở chuyên đúc các loại chậu bằng xi măng… Hầu hết người làm nghề đúc chậu kiểng đều là phụ nữ. Nghề đã giải quyết được việc làm cho cả trăm lao động nữ ở nông thôn lúc nông nhàn, với mức thu nhập từ 70.000 đồng đến 200 ngàn đồng/ngày/lao động.

 

Chị Phạm Thị Thanh Nga đang trang trí chậu giả cây. Ảnh: N.Phúc

 

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, chủ Cơ sở đúc chậu kiểng đá mài Ngô Văn Thông ở thôn Hòa Cư, nghề đúc chậu kiểng không nặng nhọc, làm việc trong mát, rảnh lúc nào làm lúc đó nên rất phù hợp với lao động nữ, thu nhập cũng ổn định hơn so với đi làm thuê, làm mướn các công việc khác. Hiện, cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động; trong đó có 5 lao động nữ, với mức thu nhập từ 70.000 đến 80.000 đồng/ngày.

Chị Nguyễn Thị Thúy Nga, 48 tuổi, ở thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc (Tuy Phước) đã 17 năm chuyên đúc các chậu kiểng bằng xi măng. Trước đây, hai vợ chồng chị làm việc ở xã, thu nhập không đủ nuôi con ăn học. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, chị học nghề đúc chậu kiểng. Thấy nghề phát triển mạnh, khách hàng tìm đặt mua chậu ngày càng nhiều, chị quyết định xin nghỉ việc ở xã để về nhà đúc chậu. Hiện, mỗi ngày chị đúc 20-30 chậu các loại, thu nhập từ 80-100 ngàn đồng/ngày. Chị còn thuê thêm 3 lao động nữ ở địa phương phụ việc, với tiền công 70.000 đồng/ngày. Chị Nga cho biết: “Nghề làm chậu có việc thường xuyên nên tôi cũng như nhiều chị em khác trong thôn không lo thất nghiệp, thu nhập ổn định”.

Chị Phạm Thị Thanh Nga, 36 tuổi, ở thôn Mỹ Điền, xã Phước Lộc (Tuy Phước), từng đi làm phụ hồ, công việc khá vất vả, thu nhập không cao lại bỏ bê nhà cửa, con cái. Thấy nghề đúc chậu kiểng phù hợp, chị quyết định không đi phụ hồ nữa, ở nhà đúc chậu kiểng. Tuy mới vào nghề được hơn 1 năm, nhưng chị là một trong những thợ đúc các loại chậu giả cây khá sắc sảo, được khách hàng nhiều nơi tìm đến đặt mua. Chị Thanh Nga cho hay: “Tuy nghề không nặng nhọc nhưng đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mỉ… do đó, nhiều lao động nam sau một thời gian làm nghề đã bỏ đi tìm việc khác…”. Hiện mỗi ngày, chị Thanh Nga đúc từ 9-10 chậu loại nhỏ, chậu lớn thì 4-5 chậu, thu nhập từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/ngày.

  • Phạm Nguyễn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cao năng lực cạnh tranh   (07/01/2011)
Phân công nhiệm vụ thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011  (07/01/2011)
Hơn 25 tỉ đồng mua sắm vật tư tiêu hao và hóa chất y tế  (07/01/2011)
526/537 người tỉ lệ phiếu tín nhiệm từ 50% trở lên   (07/01/2011)
Trao 250 suất học bổng Vừ A Dính cho học sinh vùng lũ  (07/01/2011)
Toàn tỉnh có 66.537 hộ nghèo, 38.363 hộ cận nghèo  (06/01/2011)
Lò mổ lậu làm giả thịt heo rừng  (06/01/2011)
Gặp mặt kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam  (06/01/2011)
Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp nhân dân  (06/01/2011)
Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân   (06/01/2011)
Trên 1.300 CĐCS có Tạp chí Công đoàn  (05/01/2011)
Toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, thiệt hại 92,8 ha rừng  (05/01/2011)
Một tàu cá hỏng máy đã được đưa vào bờ an toàn  (05/01/2011)
Công khai cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm  (05/01/2011)
Người cao tuổi ngày càng được quan tâm hơn  (05/01/2011)