TRUNG TÂM DẠY NGHỀ HỘI LHPN TỈNH:
Phấn đấu trở thành Trung tâm Dạy nghề phụ nữ và phát triển
17:4', 8/1/ 2011 (GMT+7)

Năm qua, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ Bình Định (thuộc Hội LHPN tỉnh) đã đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, từng bước đa dạng phương thức, loại hình đào tạo, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những nỗ lực của Trung tâm không ngoài mục đích phấn đấu trở thành Trung tâm Dạy nghề phụ nữ và phát triển trong tương lai.

 

Trung tâm dạy nghề phụ nữ Bình Định mở lớp dạy nghề thêu cho phụ nữ nông thôn.

 

* Đa dạng nghề đào tạo

Trong năm 2010, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ Bình Định (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã mở nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp, nấu ăn, tỉa hoa quả, giúp việc gia đình, tin học, kỹ thuật đan mây tre, cắt uốn tóc... cho hàng trăm học viên là phụ nữ nông thôn. Đáng chú ý, Trung tâm phối hợp với Hội LHPN các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão và một số doanh nghiệp trên địa bàn các huyện này tổ chức nhiều lớp dạy nghề may, nấu ăn, đan mây tre, thêu, tin học ngay tại địa phương; đồng thời giới thiệu việc làm cho 100% học viên có nhu cầu tìm việc làm, trong đó nhiều nhất là học viên học nghề may.

Ở xã Hoài Đức (Hoài Nhơn), Trung tâm đã liên kết với cơ sở may tư nhân Bảo Dung để mở lớp dạy nghề may cho phụ nữ trong xã theo hình thức: Trung tâm thuê mặt bằng của cơ sở và đưa máy móc, giáo viên đến dạy nghề. Ngoài ra, một số thợ của cơ sở may này cũng tham gia hướng dẫn thêm cho học viên cách thực hiện một số mặt hàng mà doanh nghiệp này đang gia công. Sau khi học xong, các nữ học viên đã được cơ sở may nhận vào làm việc với cách thức là nhận hàng về nhà làm khi nhàn rỗi việc đồng áng.

Trong số những nghề mà Trung tâm dạy cho phụ nữ nông thôn trong năm qua, có một nghề mới và là nghề truyền thống, đó là đan mây tre. Chị Võ Thị Tuyết - Giám đốc Trung tâm - bộc bạch: “Tôi vốn thích các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Qua tham khảo thị trường, tôi biết những mặt hàng này rất được khách du lịch ưa chuộng, nhưng khi mang mẫu đi hỏi thì chưa thấy cơ sở nào ở tỉnh ta sản xuất được. Một lần, tôi đã đến phiên chợ đêm bán tre và các sản phẩm đan đát từ tre ở thôn Trung Chánh (Cát Minh, Phù Cát). Cũng từ đây tôi biết được làng nghề thủ công mỹ nghệ Trung Chánh đã được công nhận là làng nghề truyền thống và ở đây cũng có một số thợ có tay nghề cao, rất tâm huyết với nghề truyền thống quê mình và mong muốn phát triển nghề này hơn nữa”.

Liền sau đó, Trung tâm đã tổ chức một lớp dạy đan mây tre thí điểm ngay tại xã Cát Minh. Sau khi kết thúc khóa học vào tháng 12.2010, Trung tâm hiện đang hợp tác với Công ty Tân Ánh Dương ở Phú Tài nhận gia công đan nhựa giả mây và mây về cho những phụ nữ đã học nghề làm lúc nhàn rỗi. Anh Phạm Công Thừa - giáo viên dạy nghề đan mây tre của Trung tâm cho biết, hiện nhóm thợ tham gia làm hàng cho Trung tâm tại Cát Minh có trên 40 người, chủ yếu là nữ với thu nhập bình quân là 40.000 đồng/ngày. Các sản phẩm do nhóm thợ này làm ra đều đạt chất lượng tương đối.

 

Lớp dạy nghề đan mây tre cho phụ nữ xã Cát Minh.

 

* Phát triển đáp ứng yêu cầu của phụ nữ

Không chỉ dạy nghề, Trung tâm còn tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn trực tiếp đến người lao động, giúp họ nâng cao nhận thức về học nghề, từ đó thu hút ngày càng đông học viên tham gia học tập và được giới thiệu việc làm ổn định khi có nhu cầu.

Trong những nỗ lực dạy nghề cho phụ nữ, vừa qua, Trung tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án “Dạy nghề, hỗ trợ và tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật tại tỉnh Bình Định” do tổ chức AIFO - Italia tại Việt Nam viện trợ với kinh phí 48.000 EUR. Theo Dự án, Trung tâm sẽ đào tạo nghề, hỗ trợ và tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật hoặc phụ nữ trong độ tuổi lao động trực tiếp nuôi dưỡng người khuyết tật, qua đó giúp họ có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, hòa nhập tốt hơn vào đời sống cộng đồng. Cách thức triển khai Dự án là hỗ trợ việc làm cho phụ nữ khuyết tật theo hướng khép kín từ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đến hỗ trợ vốn và bao tiêu sản phẩm cho người khuyết tật.

Cũng trong những cố gắng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho phụ nữ về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ năng nghề nghiệp, thể lực thẩm mỹ, vừa qua, Trung tâm đã thành lập đề án đổi tên, nâng cấp và mở rộng quy mô hoạt động. Chị Võ Thị Tuyết cho biết, Trung tâm sẽ đổi tên thành Trung tâm Dạy nghề phụ nữ và phát triển, với chức năng đào tạo trình độ sơ cấp nghề, bồi dưỡng nghề, giải quyết việc làm; phục vụ, hỗ trợ sự phát triển toàn diện về năng lực và trình độ mọi mặt cho phụ nữ trong tỉnh và các tỉnh lân cận; tổ chức phục vụ những sự kiện về các hoạt động của phụ nữ tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, phụ nữ trung ương và các nước khu vực châu Á, quốc tế. Đề án này sẽ được triển khai trong 10 năm 2011-2010, chia thành 2 giai đoạn 2011-2015 và 2015 - 2020.

Mới đây, Trung tâm đã nghiệm thu công trình Trung tâm dạy nghề mới với quy mô 4 tầng tại 30 Nguyễn Văn Bé, TP Quy Nhơn. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của Trung tâm  giai đoạn đầu thực hiện Đề án.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Minh bạch, công khai và dân chủ  (08/01/2011)
Nghề đúc chậu kiểng  (07/01/2011)
Nâng cao năng lực cạnh tranh   (07/01/2011)
Phân công nhiệm vụ thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011  (07/01/2011)
Hơn 25 tỉ đồng mua sắm vật tư tiêu hao và hóa chất y tế  (07/01/2011)
526/537 người tỉ lệ phiếu tín nhiệm từ 50% trở lên   (07/01/2011)
Trao 250 suất học bổng Vừ A Dính cho học sinh vùng lũ  (07/01/2011)
Toàn tỉnh có 66.537 hộ nghèo, 38.363 hộ cận nghèo  (06/01/2011)
Lò mổ lậu làm giả thịt heo rừng  (06/01/2011)
Gặp mặt kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam  (06/01/2011)
Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến đạo đức, lối sống của mọi tầng lớp nhân dân  (06/01/2011)
Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân   (06/01/2011)
Trên 1.300 CĐCS có Tạp chí Công đoàn  (05/01/2011)
Toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, thiệt hại 92,8 ha rừng  (05/01/2011)
Một tàu cá hỏng máy đã được đưa vào bờ an toàn  (05/01/2011)