Những nẻo đường du học
18:42', 10/1/ 2011 (GMT+7)

Vài năm gần đây, chuyện học sinh, sinh viên (HSSV) Bình Định du học nước ngoài tuy không mạnh mẽ như các thành phố lớn nhưng cũng không còn là chuyện “đếm trên đầu ngón tay” nữa. Sự nỗ lực của một số gia đình có điều kiện cộng với việc chủ động tìm kiếm cơ hội của HSSV, con đường du học đã rộng mở hơn…

 

Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn xem nội dung tư vấn du học do văn phòng tư vấn du học của Chính phủ Pháp và Đức phối hợp tổ chức trong tháng 10.2010.

 

* Nhiều cơ hội

Từ tháng 10.2010 đến nay, Trường ĐH Quy Nhơn đã tổ chức 4 buổi tư vấn du học cho sinh viên với sự tham gia của các văn phòng tư vấn du học của Chính phủ các nước Pháp, Đức và chương trình Fulbright của Chính phủ Mỹ. Các nhà tư vấn giới thiệu về các chương trình học bổng của các trường đại học tại đất nước họ; đồng thời, hướng dẫn sinh viên cách tìm học bổng, cũng như tư vấn về du học chuẩn bị khởi động cho mùa tuyển sinh 2011-2012.

Ông Nguyễn Tiến Phùng, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Trước đây, các văn phòng tư vấn du học ít chú ý đến Trường ĐH Quy Nhơn cũng như Bình Định vì đây không phải là mảnh đất “màu mỡ”. Nhưng những năm qua, số lượng du học sinh của Việt Nam học ở nước ngoài tăng lên đáng kể. Và theo thống kê trong một hội thảo du học do Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội mà tôi có dịp tham gia, thì số lượng du học sinh Việt Nam học tại Nhật nhiều thứ ba. Việc các nước tổ chức các hội thảo du học tại Việt Nam, ngoài mục đích mở rộng giao lưu giữa hai nước, thì có lẽ họ nhận thấy đây cũng là một “thị trường tiềm năng”, khi mà đời sống của nhiều gia đình ở Việt Nam, trong đó có Bình Định, ngày càng khá giả, có điều kiện cho con ăn học hơn; muốn cho con em ra nước ngoài học tập để nâng cao trình độ. Trong tuần này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức một buổi tư vấn thông báo cho sinh viên tham gia dự tuyển học bổng của Panasonic (Nhật Bản) năm 2012".

Theo ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức số lượng học sinh của trường du học từ cấp ba hoặc đã và đang học đại học trong những năm qua, nhưng con số này không ít. Có học sinh được Nhà nước cử đi học, có em tự kiếm học bổng, hoặc được gia đình tạo điều kiện cho đi học ngay trong lúc còn học phổ thông. Em Hoàng Thị Tố Quyên, HS lớp 11 chuyên Toán, nhận được học bổng toàn phần ASEAN của Chính phủ Singapore trong vòng 4 năm. Để giành được học bổng này, Quyên đã phải thi viết bằng tiếng Anh các môn Toán và tiếng Anh, kiểm tra IQ và 4 kỳ phỏng vấn trực tiếp. Tháng 11.2010, Quyên đã lên đường sang Singapore. Cô gái này có lần tâm sự: “Em luôn mơ ước có ngày được du học nước ngoài nên đã cố gắng học và dành nhiều thời gian để học ngoại ngữ”.

Trong trang web của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn- mục Thông tin du học của diễn đàn học sinh, có khá nhiều thông tin về du học ở các nước Anh, Mỹ, Nhật Bản, Úc hay Singapore được “post” lên hàng ngày để học sinh tham khảo, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của những người đi trước.

 

Nguyễn Lâm Trúc, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đang du học tại Anh theo Đề án 322 của Bộ GD-ĐT.

 

* Chuẩn bị tâm thế: càng sớm càng tốt

Cơ hội du học nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là dễ dàng. Ông Phùng nhận xét: “Các bạn sinh viên, tuy rất quan tâm đến du học song thường gặp phải hai khó khăn lớn là chi phí du học và trình độ tiếng Anh không đáp ứng đủ yêu cầu. Bởi vậy, tuy sinh viên đến dự các buổi tư vấn đông, nhưng chỉ những sinh viên học xuất sắc hoặc gia đình có điều kiện về kinh tế thì mới thật sự quan tâm và tìm hiểu về du học”.

Cố gắng được du học nước ngoài đã khó, nhưng để làm quen và bắt kịp với những thay đổi trong môi trường sống hoàn toàn mới ở một đất nước xa lạ là không dễ. Bởi vậy, cần phải xác định mục tiêu du học, chuẩn bị tâm thế càng sớm càng tốt. Thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh năm 2008 Nguyễn Lâm Trúc, hiện đang học tại Trường ĐH Southtampton (Anh) theo Đề án 322 của Bộ GD-ĐT, tâm sự: “Dù đã chuẩn bị tâm lý du học từ lúc ở nhà hơn cả năm, nhưng khi mới sang đây, tôi vẫn thấy bỡ ngỡ nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, đôi lúc cảm giác cô đơn và chán nản. Theo Trúc, để khỏi bị sốc văn hóa thì cần phải giỏi tiếng Anh, tìm hiểu trước mọi thông tin về du học, về văn hóa nước bạn càng nhiều càng tốt, bằng cách học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước…”.

Anh Nguyễn Hoành Cường, đã từng du học và hiện có con đang học tại Anh, chia sẻ kinh nghiệm: “Bình quân mỗi năm cho con du học, chi phí khoảng 300-500 triệu đồng. Ngoài khả năng về tài chính, khi quyết định cho con đi, nên căn cứ vào tính tình, khả năng hòa nhập của con chứ không nên áp đặt. Theo tôi được biết, hiện có một số nước như Singapore đã tạo điều kiện cho du học sinh mượn tiền học với điều kiện sau khi tốt nghiệp phải ở lại đó làm vài năm để trả nợ…”.

Giả sử một bạn học sinh lớp 10 chuyên Anh mới vào trường, có ước mơ cháy bỏng được du học ở Mỹ. Bạn ấy đã tìm hiểu tường tận thông tin và bây giờ ngồi lập kế hoạch.

1. Sổ liên lạc: Phải được học sinh giỏi lớp 10, 11 (và 12); Phải được hạnh kiểm tốt.

2. Thành tích: Phải được giải cấp quốc gia, Olympics, ...

3. Tiếng Anh: Phải học tiếng Anh thật cần cù; Phải đạt kết quả SAT tốt (SAT là kỳ thi bắt buộc cho tất cả học sinh muốn vào Đại học Mỹ); Phải đạt kết quả TOEFL tốt.

4. Hoạt động ngoại khóa: Phải tham gia hoạt động xã hội nhiệt tình.

5. Nói chuyện thường xuyên với thầy cô để sau này họ viết thư tham khảo.

(Kinh nghiệm của Trương Phạm Hoài Chung, tốt nghiệp Đại học Williams, Mỹ, 2009; cựu sinh viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; nguồn: Diễn đàn học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn).

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lính biển Quy Nhơn   (10/01/2011)
Làm tốt công tác xét duyệt chính trị, chính sách  (10/01/2011)
Khởi công xây dựng nhà điều trị Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn   (09/01/2011)
Hỗ trợ xây dựng 327 nhà cho hộ nghèo và 13 nhà Đại đoàn kết   (09/01/2011)
Đầu tư trên 3 tỉ đồng cho vùng đặc biệt khó khăn   (09/01/2011)
Phấn đấu trở thành Trung tâm Dạy nghề phụ nữ và phát triển  (08/01/2011)
Minh bạch, công khai và dân chủ  (08/01/2011)
Nghề đúc chậu kiểng  (07/01/2011)
Nâng cao năng lực cạnh tranh   (07/01/2011)
Phân công nhiệm vụ thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011  (07/01/2011)
Hơn 25 tỉ đồng mua sắm vật tư tiêu hao và hóa chất y tế  (07/01/2011)
526/537 người tỉ lệ phiếu tín nhiệm từ 50% trở lên   (07/01/2011)
Trao 250 suất học bổng Vừ A Dính cho học sinh vùng lũ  (07/01/2011)
Toàn tỉnh có 66.537 hộ nghèo, 38.363 hộ cận nghèo  (06/01/2011)
Lò mổ lậu làm giả thịt heo rừng  (06/01/2011)