Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 129 Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ), đạt 13% số xã, phường, thị trấn. Một số huyện, thành phố có 100% số xã, phường, thị trấn thành lập được trung tâm. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động của TTHTCĐ hiện vẫn còn khó.
Cái khó đầu tiên và lớn nhất là kinh phí hoạt động. Đơn cử như TTHTCĐ phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, được thành lập từ năm 2006 với kinh phí cấp ban đầu là 10 triệu đồng để trang bị tủ sách, ti vi, loa âm thanh. Ban quản lý gồm trưởng ban, phó ban đều là cán bộ kiêm nhiệm. Ông Đào Đức Dũng, Phó chủ tịch UBND phường, kiêm Trưởng ban Quản lý TTHTCĐ, cho biết hoạt động của TT chủ yếu nặng tính phối kết hợp, chưa chủ động, vì không có kinh phí hoạt động. Cũng bởi chỉ là kiêm nhiệm nên Ban quản lý cũng không thể “toàn tâm toàn ý” với TT. Tủ sách của TT, theo nhận xét của người viết, khá nghèo nàn, chỉ có một số sách, tài liệu, văn bản xuất bản từ hơn chục năm trước.
7 năm kiêm nhiệm làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường và Trưởng ban quản lý TTHTCĐ, ông Dũng cũng không hề được hưởng phụ cấp. Mấy năm nay, UBND phường có ý định tìm cán bộ chuyên trách, nhưng ngặt nỗi người chịu làm thì không có năng lực, người có năng lực lại không chịu làm. Ông Dũng cho biết: “Nghe nói có chủ trương cho giáo viên ở địa bàn hưởng lương biên chế để làm cán bộ chuyên trách, nhưng đến giờ chưa thấy. Xin kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của TT, theo nguyên tắc tài chính, thì cũng rất khó…”- TT cũng không có khoản chi hoạt động thường xuyên hàng năm. Mỗi lần tổ chức học tập thì chi cho báo cáo viên khoảng 50-100 ngàn đồng.
Có lẽ, đây là tình hình chung của các TTHTCĐ khác trong tỉnh. Thiếu kinh phí hoạt động, không có cán bộ chuyên trách; cán bộ kiêm nhiệm bận rộn, lại chẳng có phụ cấp… thì việc các TT hoạt động cầm chừng, làm cho có và ít hiệu quả cũng là chuyện dễ hiểu. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết thêm, sau khi có chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc bố trí cán bộ, giáo viên làm cán bộ chuyên trách tại các TTHTCĐ, thành phố đã đề nghị Phòng GD-ĐT chuyển biên chế dôi dư để UBND thành phố phân bổ về các TT, song không có biên chế dôi dư, và cũng không có giáo viên nào chịu về làm.
Thiết nghĩ, để cho các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả hơn, trước hết phải tháo gỡ được khó khăn về kinh phí, nhân lực. Ngày 21.12, trong khi đi kiểm tra các cơ sở mầm non, mẫu giáo và TTHTCĐ tại Quy Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình đã chỉ đạo: ngành GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của TTHTCĐ, phải tăng cường tham mưu hoạt động cho các TT; đồng thời, các cán bộ kiêm nhiệm hoặc chức danh kiêm nhiệm phải được hưởng trợ cấp kiêm nhiệm… Thiết nghĩ, các TTHTCĐ chỉ hoạt động tích cực một khi có đủ các điều kiện cần thiết.
|