An Lão: Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh ở cơ sở
19:3', 12/1/ 2011 (GMT+7)

Với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và nhân lực, hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã của huyện đã được tập trung đẩy mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, y tế cơ sở ở An Lão cũng đang phải đối mặt với thực trạng nhân lực thiếu và yếu, trong khi nguồn đào tạo rất khó khăn.

 

Từ nhiều nguồn vốn, huyện An Lão đã đẩy mạnh đầu tư cho các trạm y tế xã.

- Trong ảnh: Trạm y tế xã An Tân đã được đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị.

 

* Đầu tư mạnh

Năm 2010, huyện An Lão triển khai đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại trạm y tế xã. Việc tổ chức khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã đã giảm được những tốn kém về thời gian và tiền bạc, tránh được áp lực “quá tải” cho bệnh viện huyện.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, năm 2010, từ vốn 30a và nhiều nguồn hỗ trợ khác, huyện An Lão đã đầu tư xây mới Trạm y tế thị trấn An Lão và nâng cấp, mở rộng phòng chức năng cho 7 trạm y tế xã An Vinh, An Hưng, An Quang, An Toàn, An Nghĩa, An Tân. Các công trình này đã được đưa vào sử dụng. Về trang thiết bị, ngoài đầu tư của dự án Vie 03/P20, hàng năm, Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện đều trích kinh phí hỗ trợ. Cũng trong năm 2010, An Lão có 2 bác sĩ tốt nghiệp về Trạm y tế xã An Trung và An Hưng.

Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Xuân, Trưởng trạm y tế xã An Tân, dẫn chứng: Trong nhiều năm qua, Trạm đã được đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị. Hiện tại, Trạm đã có máy điện tim, phòng làm việc đầy đủ cho các bộ phận, trong đó có 7 giường bệnh nội trú, 2 bác sĩ (1 bác sĩ sắp ra trường), 2 y sĩ và 1 nữ hộ sinh, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho 880 hộ với 3.552 người dân ở địa phương; trong đó có 112 người là đồng bào dân tộc Hrê.

Đến thời điểm này, hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế của huyện đã chuyển biến đáng kể. Trừ Trạm y tế thị trấn An Lão, lượng bệnh nhân khám chữa bệnh tại các trạm còn lại đều vượt 120-150%. Bác sĩ Xuân cho biết: “Năm 2010, Trạm đã khám và điều trị cho 1.756 lượt bệnh nhân, trong đó có 573 người nghèo và 219 trẻ dưới 6 tuổi. Trong năm, đã có 98% học sinh trên địa bàn xã được khám sức khỏe, 100% người tàn tật và người già được khám bệnh theo định kỳ. Ngoài ra, Trạm cũng đã lấy 316 lam máu xét nghiệm, phát hiện sớm bệnh sốt rét cho người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy”.

Hiệu quả trong công tác điều trị bệnh tại cơ sở đã giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chị Đinh Thị Ly, đưa con đến điều trị bệnh sốt ở Trạm y tế xã An Tân, vui vẻ cho biết: “Trước đây, mỗi khi gia đình tôi có người mắc bệnh đều được chuyển lên Bệnh viện huyện, nhưng bây giờ trạm đã có máy móc hiện đại và có cả bác sĩ nên gia đình tôi và bà con ở đây rất yên tâm”.

 

Không chỉ thiếu bác sĩ, nguồn đào tạo bác sĩ hệ cử tuyển tại An Lão cũng rất khó.

 

* Trăn trở nguồn nhân lực

Trong vài năm gần đây, vấn đề nhân lực cho ngành Y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự các cấp. Với địa bàn miền núi như An Lão, đây là vấn đề cần quan tâm đặc biệt. Bác sĩ Dương Văn Tiếp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Lão, trăn trở: Hạn chế lớn nhất trong khám chữa bệnh tại trạm y tế xã là đội ngũ nhân viên y tế thiếu và yếu.

Về chuyên môn, nhiều xã thiếu nữ hộ sinh, dược sĩ, y sĩ y học cổ truyền… Điều đáng nói là hiện An Lão vẫn còn một số xã “trắng” nữ hộ sinh. Đây là vấn đề cần đặc biệt chú trọng ở địa bàn miền núi để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra khi sinh nở, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số… Bác sĩ Xuân bức xúc: “Dù năm 2010, xã An Tân được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, nhưng trạm vẫn chưa có cán bộ quản lý chuyên môn về dược”.

Huyện An Lão cũng đang thiếu trầm trọng bác sĩ xã. Theo kế hoạch năm 2011, Trung tâm Y tế huyện An Lão sẽ phải tăng cường bác sĩ cho 5 trạm: An Toàn, An Nghĩa, An Vinh, An Dũng và An Quang. Đây là vấn đề đau đầu của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, vì đến thời điểm này, Trung tâm cũng chỉ có 6 bác sĩ. Không chỉ đơn thuần thiếu bác sĩ mà nguồn đào tạo bác sĩ hệ cử tuyển tại huyện An Lão cũng rất khó. Vì thế, Trung tâm chỉ có thể ưu tiên tăng cường bác sĩ (3 tháng/lần) cho 2 trạm vùng cao, vùng xa là An Toàn và An Nghĩa; các trạm còn lại, Trung tâm sẽ tăng cường giám sát hỗ trợ chuyên môn cho y sĩ.

Bác sĩ Dương Văn Tiếp lo lắng: “Vẫn biết rằng, con người quyết định chất lượng và hiệu quả công việc. Đề xuất thì cũng đã làm rất nhiều lần, nhưng nói thật, đây là vấn đề lớn vượt quá tầm của huyện”.

Mặt khác, nhiều ý kiến ghi nhận tại các trạm y tế xã của huyện An Lão cũng cho rằng, địa bàn xã rộng, cách trở trong việc đi lại trong khi kiến thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn nhiều hạn chế. Một số trạm cần được đầu tư thêm cơ sở vật chất (phòng tiếp đón bệnh nhân, phòng truyền thông tư vấn, nơi xử lý rác thải y tế); trang thiết bị (dụng cụ truyền thông, máy khí dung, bộ ngũ quang…).

  • Thu Hiền - Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiểm tra đối tượng được hưởng lợi   (12/01/2011)
Tổng kết dự án “Trợ giúp người KT và nạn nhân chất độc dacam/dioxin”  (12/01/2011)
Ủy quyền xử lý vi phạm hành chính   (12/01/2011)
Huy động toàn lực lượng làm vệ sinh trước và sau Tết  (12/01/2011)
Hoạt động khi chưa được phép  (11/01/2011)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (11/01/2011)
Chúng tôi kỳ vọng ở Đại hội…  (11/01/2011)
Khai mạc Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia lớp 12 THPT năm 2011  (11/01/2011)
Hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo đón Tết  (11/01/2011)
Tăng cường các biện pháp phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Mão  (11/01/2011)
Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Chămpasak thăm và làm việc tại Bình Định  (10/01/2011)
Bế mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao HS-SV  (10/01/2011)
Thanh, kiểm tra VSATTP phục vụ Tết Nguyên đán  (10/01/2011)
Triển khai công tác tư pháp năm 2011  (10/01/2011)
Các mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ ngày càng hiệu quả  (10/01/2011)