Thành lập hơn 10 năm, Công ty TNHH Sản xuất - Xuất khẩu gốm mỹ nghệ TSC (xã Bình Nghi, Tây Sơn) đã đào tạo nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo bà Trần Thị Mến, Trưởng phòng tổ chức Công ty TNHH Sản xuất - Xuất khẩu gốm mỹ nghệ TSC (thuộc Công ty TNHH Sản xuất - Xuất khẩu gốm mỹ nghệ Long Trường, tỉnh Bình Dương), do công ty chỉ chuyên làm các mặt hàng gốm mỹ nghệ xuất khẩu nên đòi hỏi người làm phải có tay nghề cao. Nhờ mời các thợ lành nghề ở Philippin sang đào tạo nên công ty đã có được một đội ngũ thợ lành nghề, có thể làm được nhiều mặt hàng gốm để xuất khẩu.
|
Thợ làm gốm mỹ nghệ xuất khẩu đòi hỏi phải khéo tay, tỉ mỉ và yêu nghề. ảnh: Nguyễn Phúc |
Hiện, công ty đang có 150 lao động lành nghề, chủ yếu là người ở các địa phương của huyện Tây Sơn; trong đó có 100 lao động nữ. Thu nhập bình quân của lao động nam là 4 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 3 triệu đồng/tháng. Trước khi tuyển vào công ty, lao động được đào tạo 3 tháng, mỗi tháng được hỗ trợ 600 ngàn đồng và được “bao” cơm trưa. Sau khi ra nghề, lao động được bố trí sản xuất 6 mặt hàng gốm mỹ nghệ nội thất xuất khẩu sang các nước: Đức, Úc, Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan…
Nghề làm gốm mỹ nghệ có khá nhiều công đoạn. Ví dụ, để làm các mặt hàng như: chậu, bình hoa… thì phải vo đất, cho vào máy dập, tạo dáng, tỉa lại cho thật kỹ rồi phơi khô trước khi cho vào nung. Hoặc công đoạn nặn từ đất cao lanh để thành tượng người, đèn... khá tỉ mỉ. Rồi phải vẽ lên mặt gốm, đó là chưa kể công đoạn phủ men trước khi cho vào nung…
Chị Trần Thị Mỹ Dung, 27 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, có thâm niên 6 năm làm nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu, cho hay: “Nghề này tuy không cực nhọc, vất vả nhưng đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ, khéo tay và điều đặc biệt là phải yêu nghề mới gắn bó được với nghề. Đã có nhiều lao động xin vào công ty, sau khi học nghề và làm nghề một thời gian phải bỏ ngang vì không thích hợp”.
Các công nhân có tay nghề làm việc tại công ty đều được nhận khoán sản phẩm, khi hàng nhiều phải làm tăng ca thì thu nhập cũng tăng theo. Chị Trần Thị Chi, ở xã Tây Phú, có 5 năm làm nghề, cho biết: “Tuy làm gốm xuất khẩu nhưng hàng lúc nào cũng nhiều, công nhân có việc làm thường xuyên. Tháng nào làm đều công thì thu nhập từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng, nếu có tăng ca thì thu nhập cao hơn”.
Theo các công nhân, làm việc ở đây có thuận lợi là gần nhà nên mỗi khi có việc nhà hoặc đến mùa vụ có thể xin nghỉ việc vài ngày. Một số lao động nữ lớn tuổi ở địa phương vẫn được công ty bố trí vào làm việc tính lương theo công nhật. Bà Nguyễn Thị Hà, 50 tuổi, ở xã Tây Phú, cho biết: “Trước đây tôi làm công nhân cho công ty tơ tằm, sau khi công ty phá sản, tôi thất nghiệp một thời gian dài, xin vào làm gốm xuất khẩu thì lớn tuổi không còn nhanh nhạy nên công ty bố trí làm công việc vận chuyển các sản phẩm, với tiền công 50.000 đồng/ngày. Nhờ vậy mà tôi có được một khoản thu nhập để lo cho gia đình”.
“Các chế độ chính sách như: tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp độc hại, trang bị bảo hộ lao động, tiền ăn ca… đều được công ty thực hiện đầy đủ, giải quyết nhanh chóng nên người lao động gắn bó lâu dài. Năm 2011, người lao động sẽ có việc làm thường xuyên vì công ty đã ký hợp đồng xuất đơn hàng khá lớn sang các nước. Để kịp giao hàng cho khách, công ty đang tuyển thêm 100 lao động”- bà Trần Thị Mến cho biết.
|