Làng phong Quy Hòa - TP Quy Nhơn vẫn chưa hết khó khăn. Song người dân nơi đây vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của thế hệ con em bởi “vụ mùa chữ nghĩa” mà họ đã khó nhọc “gieo” bao năm qua đã bắt đầu cho kết quả…
Làng phong Quy Hòa có 275 hộ gia đình, ước chừng khoảng một ngàn dân. Theo thống kê của Hội đồng bệnh nhân, trước năm 2000, làng chỉ có hơn 10 học sinh theo học tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Nhưng nay, chỉ riêng năm 2010, đã có tới 41 em. Ngoài một số trở về phục vụ ở làng phong, nhiều em đã tìm được việc làm ổn định bên ngoài, hòa nhập tốt với cộng đồng. Người dân Quy Hòa rất hãnh diện khi nhắc đến trong số con em của làng có một phó giám đốc của Ngân hàng TMCP Đông Á hay một kỹ sư trẻ đang làm việc tại một trung tâm công nghệ thông tin ở Hà Nội. Những niềm tự hào như thế, ngày càng nhiều thêm…
|
Người dân ở làng phong Quy Hòa ngày càng tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn cho con em mình. Ảnh: H.M.Huệ |
Bà Lê Thị Anh (52 tuổi), một cư dân của làng phong, kể: “Tôi có 2 con, đứa đầu đang làm việc cho một công ty thủy sản ở miền Trung, đứa út dạy ở Trường Cao đẳng Đà Nẵng. Khi mang bệnh, tui gần như không còn nghĩ gì về tương lai của mình nữa. Nhưng khi có con, tôi không muốn đời chúng phải khổ như mình. Vợ chồng tôi cố gắng cho con ăn học, hai đứa đều ngoan, chịu khó học tập. Khó khổ trăm bề nhưng “nợ mòn con lớn”; mọi thứ rồi cũng qua hết”. Niềm hạnh phúc, sự hãnh diện như tràn hẳn ra trên gương mặt rạng rỡ của chị khi nói về khả năng hội nhập với cộng đồng rộng lớn bên ngoài của con mình.
Hàng năm, sinh viên đi học tại các trường cũng được Hội Khuyến học của làng phong hỗ trợ, tùy theo mức độ: TCCN: 1,6 triệu đồng, CĐ: 2 triệu đồng, ĐH: 2,4 triệu đồng. Trong tổng số 41 em đang theo học tại các trường chuyên nghiệp trên cả nước có 15 em đang học ĐH, 18 em học CĐ và 8 em học TCCN. Để có được con số đó, làng phong Quy Hòa đã phải cố gắng rất nhiều. Souer Phan Thị Thúy Hằng, một người có nhiều gắn bó với chuyện học nơi đây, cho biết: “Trước đây, học hết bậc tiểu học, các em phải đi bộ vượt dốc vào thành phố học, vất vả lắm; giờ đã có xe đưa đón nên đỡ khổ hơn rất nhiều. Mấy đứa rất ngoan và siêng học, thậm chí có đứa còn nhận được học bổng, ra trường lại sớm tìm được việc làm...”.
Cuộc sống của người làng phong nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, song ai cũng muốn làm hết sức để con cái được học đến nơi đến chốn. Cả làng phong Quy Hòa giờ đặt niềm hy vọng vào thế hệ con em hiếu học. Chị Nguyễn Thị Mai, 45 tuổi, tâm sự: “Con gái tôi năm nay học lớp 2, gia đình còn nhiều khó khăn nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng cố gắng dành dụm cho con ăn học. Những tấm gương thành đạt nhờ học giỏi của các anh, chị đi trước đã động viên cháu rất nhiều…”. Những bậc cha mẹ khác ở làng lại chân thành chia sẻ rằng, để có thể hòa nhập với cộng đồng, tìm được tương lai tốt đẹp không gì tốt bằng học thật tốt. Và những thế hệ trẻ hiếu học ở làng phong đã và đang làm một điều mà thế hệ ông cha đã làm một cách khó nhọc: thu hẹp dần khoảng cách làng phong với cộng đồng.
Có thể, những kết quả mà con em làng phong đã đạt được còn khiêm tốn, nhưng lại là “hạt vàng” của “vụ mùa chữ nghĩa” mà cư dân làng phong Quy Hòa đã cần mẫn “gieo trồng” trong khó nhọc, từ những đôi bàn tay, bàn chân không còn lành lặn của mình để vun đắp tương lai tốt đẹp hơn.
|