Tháng Chạp, vào mùa chạp mả. Theo thông lệ, đây là quãng thời gian được các gia đình, họ tộc ưu tiên cho việc sửa sang, tu bổ lại mồ mả ông bà trước khi bước sang năm mới. Dù cho cách thức giẫy mả ở quê hay ở phố có khác nhau thì vẫn có một điểm chung rất ý nghĩa mà ai cũng rất coi trọng: tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên của mình.
|
Dù đi muôn phương, chạp mả là dịp để mọi người quay về, tưởng nhớ nguồn cội, tổ tiên mình.
|
* Về quê chạp mả
Chuyến xe buýt Quy Nhơn - Hoài Nhơn một chiều muộn tháng Chạp. Chẳng hẹn mà gặp, câu chuyện của hai người đàn ông ngũ tuần ngồi ở băng ghế cuối xe, rồi chuyện qua điện thoại của phụ nữ ngồi gần đó đều về chủ đề chạp mả. Nhiều người xuống xe, nhiều người lên xe. Chủ đề “chạp mả” còn được nhắc lại trong chuyến xe buýt chiều hôm ấy vài lần nữa, bởi những hành khách trên xe. Tôi cũng về quê chạp mả.
Theo quan niệm xưa nay, sống sao thác vậy, ngoài đám giỗ là dịp tưởng nhớ ngày mất hàng năm, người đã khuất cũng cần được chỉnh trang lại “nhà cửa” để chuẩn bị đón Tết. Nên, chạp mả, dù chỉ là một ngày bất kỳ trong tháng Chạp hàng năm do gia đình, dòng họ tự chọn, thì cũng không vì thế mà đơn giản. Nhiều bậc cao niên, trưởng họ đều cho rằng, đó là ngày mà con cháu ở bất kỳ đâu cũng phải về để đi giẫy mả. Giẫy mả, không đơn thuần chỉ là định kỳ làm vệ sinh, tôn tạo, sửa sang mồ mả ông bà mà còn là dịp để tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà dòng họ mình.
Giẫy mả năm nay, họ hàng tôi ở Phù Cát tập hợp tại nhà từ đường từ sáng sớm. Những anh em làm ăn ở Gia Lai, Đăk Lăk thì về từ chiều hôm trước. Ăn sáng xong xuôi, nhóm đàn ông và thanh niên trai tráng vác cuốc lên đường. Một vài cháu gái trong họ vốn làm ăn xa cũng đi cùng, vì vài năm mới có dịp về quê một lần. Và tiếp theo sau là đám trẻ nhỏ háo hức trước một chuyến rong chơi đầy thích thú. Còn lại phụ nữ ở nhà lo việc nấu cúng.
Mồ mả ông bà họ hàng nhà tôi chừng hơn 30 cái, nằm rải rác ở nhiều gò đất khác nhau. Đường đi phải băng qua mấy cánh đồng và mấy con mương nhỏ. Trong nhóm người đi giẫy mả, công việc cũng được ngầm định phân chia rõ ràng. Đám đàn ông, con trai cầm cuốc giẫy hết lớp cỏ trên mộ và sửa sang lại hình dáng ngôi mộ cho tươm tất, nếu là mộ đất; sau đó vun đất lại thành nấm trên mộ cho cao. Đám trẻ con có nhiệm vụ bẻ cành lá quét lên trên mộ để xóa đi dấu chân người và dấu cuốc. Cuối cùng, cánh phụ nữ đốt nhang. Ông tôi cầm nhang cáo với ông bà, rằng hôm nay là ngày chạp mả, con cháu về giẫy mả cho ông bà, mong ông bà phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn may mắn.
Năm nào cũng vậy, đi giẫy mả, ông luôn nhắc nhở rằng, chạp mả thì con cháu nên về đông đủ để bày tỏ lòng thành kính, hiếu đễ với tổ tiên. Nhìn dòng họ nào có đông con cháu đi giẫy mả cuối năm thì người ta biết dòng họ ấy có phúc, con cháu hiếu thảo với tiền nhân. Bởi thế, đây cũng là dịp sum họp đại gia đình, dòng họ cuối năm.
Ở nông thôn, tháng Chạp người đi trắng gò, ấy là đi giẫy mả.
|
Giẫy mả được coi là mốc định kỳ chỉnh trang lại mồ mả cho người đã khuất trước khi bước sang một năm mới.
|
* Hướng về nguồn cội
Ở thành phố và những vùng có quy hoạch nghĩa địa, cách thức giẫy mả có đôi chút khác. Hầu hết mộ ở các nghĩa địa đều nằm san sát nhau và xây kiên cố nên cũng chẳng có nhiều cỏ để giẫy. Mùa chạp mả, thay vì xách cuốc, xẻng, người ta mang can nước, giẻ lau, chổi lông gà ra nghĩa địa để quét bụi, lau rửa lại bia mộ cho sạch sẽ.
Ở nghĩa địa Hóc Bà Bếp (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), tháng Chạp thường rất nhộn nhịp bởi có nhiều nhóm làm dịch vụ tu sửa mồ mả hoạt động vào dịp này. Vì khu vực nghĩa địa này rộng, nhiều mộ chôn trên núi, việc đi lại khó khăn nên nhiều gia đình đã thuê người làm dịch vụ cho tiện. Ông Hoàng Long (phường Thị Nại), có mộ người thân ở nghĩa địa Hóc Bà Bếp cho biết: “Mộ người nhà tôi nằm trên triền núi, nhà lại neo người, nên vào dịp chạp mả hàng năm, tôi đều thuê người giẫy mả cho tiện. Tôi thường thuê họ đắp đất lại chân mộ bị sụt lún, xói lở, vun lại đất trên nấm mộ và quét vôi cho mới. Vào ngày chạp mả, gia đình chỉ lên thắp nhang, đồng thời trả tiền công cho dịch vụ tu bổ lại mộ là xong”.
Ở các nghĩa địa khác, việc giẫy mả cuối năm cũng thường là tôn tạo lại những ngôi mộ bị sụt đất, đổ thêm lớp đá rửa màu trắng lên trên mộ cho mới, lau rửa bụi bặm. Có người di cư làm ăn xa, hàng năm đều thuê người trông coi, chăm sóc mộ người thân, trong đó có cả việc giẫy mả nếu tháng Chạp họ không về kịp.
Gia đình, dòng họ nào cũng có ngày chạp mả, vì vậy, sau lễ cúng thì con cháu trong nhà quây quần ăn chứ không mời người ngoài. Mâm cúng ngày chạp mả không cầu kỳ như đám giỗ, bởi chỉ nhằm cáo với tiền nhân rằng cuối năm, con cháu đã sửa sang lại mồ mả cho ông bà, và để anh em họ hàng có cớ ngồi lại với nhau sau một năm xa cách.
Những cuộc gặp mặt, sum họp đại gia đình, dòng họ thật ý nghĩa vào dịp cuối năm, ấy là vào ngày chạp mả.
|