CỦNG CỐ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ Ở KHU KINH TẾ:
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
7:21', 23/1/ 2011 (GMT+7)

Đánh giá về những điểm nổi bật trong hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) trong Khu Kinh tế tỉnh nửa nhiệm kỳ qua (2008-2010), ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh-kiêm Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh, khẳng định: “Việc củng cố hệ thống tổ chức CĐCS trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ), nhất là ở những doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh”.

* Thực trạng khó khăn

Trong thời gian qua, các DN nhà nước dần đi vào cổ phần hóa, các loại hình DN, nhất là DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và phát triển mạnh. Nhưng điều đáng quan tâm là tổ chức CĐCS ở DN ngoài quốc doanh phát triển chậm và hoạt động kém hiệu quả.

 

Hàng năm, Công đoàn Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt tổ chức hội thao trong công ty, thu hút nhiều lao động tham gia.

- Trong ảnh: Công nhân thi nhảy bao bố.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, nguyên nhân các DN ngoài quốc doanh không có tổ chức công đoàn hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả do nhiều yếu tố; trước tiên là yếu tố con người. Với xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, lực lượng lớn lao động bị chuyển dịch từ khu vực DN nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước; đồng thời, thu hút thêm lao động mới vào làm việc tại DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập. Mặt khác, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế, trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân lao động còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, phần lớn công nhân từ môi trường lao động nông nghiệp, trình độ văn hóa, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo cơ bản và có hệ thống nên khó thích nghi với cơ chế thị trường và môi trường làm việc mới; ý thức rèn luyện tác phong công nghiệp, chấp hành kỷ luật lao động chưa cao.

Cùng đó, NLĐ và người sử dụng lao động còn thiếu hiểu biết về vai trò và tầm quan trọng của tổ chức công đoàn; lợi ích của một bộ phận công nhân lao động được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của họ, điều kiện làm việc nhiều nơi chưa được cải thiện, nguy cơ mất an toàn lao động cao... Vì vậy, ở các DN ngoài quốc doanh tổ chức công đoàn nếu được thành lập, phần lớn cũng hoạt động hình thức, chưa thể hiện rõ nét vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Mặt khác, do đặc thù công việc, cán bộ làm công tác công đoàn chủ yếu kiêm nhiệm nhiều công việc. Công tác tuyên truyền chưa sâu.

* Công đoàn vào cuộc

Trước thực trạng đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh cùng với Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh đã xác định việc phát triển tổ chức CĐCS khu vực ngoài quốc doanh là nhiệm vụ quan trọng.

Qua đó, Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên: lập kế hoạch khảo sát hoạt động của các DN, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ DN, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, thu nhập bình quân của lao động, trụ sở của DN; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức cơ bản về pháp luật lao động cho các chủ DN và NLĐ; tài liệu về Bộ luật Lao động, Điều lệ Công đoàn Việt Nam phát đến tay NLĐ, giúp họ hiểu rõ hơn về pháp luật lao động, quyền và trách nhiệm khi tham gia tổ chức công đoàn; cử cán bộ về cơ sở, đến từng DN để tuyên truyền, vận động công nhân lao động gia nhập tổ chức công đoàn và vận động chủ DN thành lập tổ chức công đoàn. Huấn luyện, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác công đoàn…

Đến nay, toàn Khu Kinh tế tỉnh có tổng số 108 DN đang hoạt động; trong đó, ngoài 12 DN không trực thuộc Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh, thì có 68 DN thành lập tổ chức CĐCS với 5.100 đoàn viên, còn 28 DN chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Từ khi có tổ chức công đoàn, các CĐCS đã thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn và các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của NLĐ. Công đoàn phối hợp với chủ DN thực hiện các chế độ chính sách như: hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề, khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng, buộc thôi việc đối với NLĐ… Đảm bảo công khai dân chủ các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, nơi nào có vướng mắc CĐCS chủ động bàn bạc với chủ DN cùng giải quyết. CĐCS cũng đã thường xuyên giám sát việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, trang bị vật dụng bảo hộ lao động. Đến nay, đã có gần 5.000 lao động đóng BHXH, chiếm 25,47% tổng số lao động.

Ngoài ra, CĐCS phối hợp với chủ DN tổ chức tốt các Hội nghị NLĐ, ký thỏa ước lao động tập thể, tham gia các phong trào văn hóa, thể thao sôi nổi đem lại giá trị tinh thần thiết thực cho NLĐ; phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động đem lại hiệu quả thiết thực cho DN.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tặng quà hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách đón Tết   (21/01/2011)
Lấy ý kiến về 2 dự thảo luật sẽ trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII   (20/01/2011)
Trao 300 phần quà Tết cho công nhân hoàn cảnh khó khăn   (20/01/2011)
Nhiều hoạt động can thiệp dự phòng HIV/AIDS và giáo dục SKSS hiệu quả   (20/01/2011)
Bổ sung 7 mã trường THPT, dạy nghề năm 2011 trên địa bàn tỉnh   (20/01/2011)
Thực hiện chương trình “Những đóa mai vàng dâng chùa Kim Sơn”  (20/01/2011)
Tự tin hòa nhập  (20/01/2011)
Tặng 15.000 suất quà cho người nghèo Bình Định  (19/01/2011)
Triển khai công tác kiểm sát năm 2011  (19/01/2011)
Đưa Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đến với NTD  (19/01/2011)
Thưởng Tết giáo viên 500 ngàn đồng  (19/01/2011)
Chất lượng khám chữa bệnh phải đi đôi  (19/01/2011)
Hỗ trợ thực hiện pháp luật  (19/01/2011)
Trọn vẹn niềm tin !  (19/01/2011)
Nhiều hoạt động chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI  (19/01/2011)