Hễ nói đến công việc sửa, vá xe, người ta nghĩ đó là công việc của đàn ông. Thực tế, vì mưu sinh, có không ít phụ nữ chấp nhận làm công việc khá nặng nhọc này…
1.
Một lần đang đêm đi qua thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), xe của tôi đột nhiên xẹp lốp. Người dân bên đường chỉ đến một tiệm sửa xe nhỏ nằm cạnh con đường rẽ vào Ga Diêu Trì. Tôi thật sự ngạc nhiên khi người ra nhận sửa xe là một phụ nữ. Chị tên Khanh, ở xóm 2, thôn Vân Hội 1 (thị trấn Diêu Trì), cùng chồng làm nghề sửa xe ở đây đã hơn chục năm. Do nằm vị trí thuận lợi nên khách khá nhiều, chị tranh thủ làm thêm cả buổi tối. Vừa kể chuyện, đôi tay chị vẫn thoăn thoắt tháo ruột xe: “Ruột hỏng rồi, không vá được đâu, thay nhé?”. Tôi gật đầu. Chỉ chưa đầy năm phút chị đã thay xong ruột xe mới.
|
Nhờ nghề sửa xe, chị Tâm đã vượt qua khó khăn, một mình nuôi 3 con ăn học. |
Ở TP Quy Nhơn, rất nhiều người biết chị Nguyễn Thị Tâm, người phụ nữ sửa xe đạp cạnh Trường Mầm non 2-9 (trên đường Võ Văn Dũng). Tính ra, chị đã làm nghề này được gần 20 năm. “Tiệm” sửa xe đạp tối giản đến hết mức, với một cái giường xếp đã cũ rách cùng thùng đồ nghề và một chiếc bình hơi.
Bỏ công tìm hiểu mới biết, không ít phụ nữ kiếm sống bằng cái nghề tưởng chừng là “độc quyền” của cánh mày râu này. Chỉ riêng ở TP Quy Nhơn đã có không dưới 5 người đã và đang sửa xe kiếm sống. Dân khu Một (gần Cảng Quy Nhơn) vẫn hay kể về bà Điểu, dù đã ngoài sáu mươi những vẫn sửa xe, vá xe lanh lẹ lắm…
2.
Trong suy nghĩ của nhiều người, vá, sửa xe đạp, xe máy mặc nhiên được xem là nghề của nam giới bởi ngoài kỹ năng sửa chữa thành thục, người thợ còn phải có sức khỏe. Là phụ nữ tay yếu chân mềm, các chị phải cố gắng rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của công việc. Chị Tâm tâm sự: “Thời gian đầu tập sửa xe vất vả lắm. Sức mình không quen, nên khi cạy lốp vá xe hay mở những con ốc lớn tay cầm cờ-lê đau rát. Làm được một thời gian rồi cũng quen dần, tay chai đi thì không còn thấy đau nữa. Làm nhiều thì thành thạo, giờ tôi thay ruột, vá xe nhanh không kém ông xã là bao”.
Lâu nay, người dân khu vực 7, phường Ngô Mây đã quen với hình ảnh chị Tâm cặm cụi vá sửa xe đạp, xe máy. Những người từ nơi xa đến khi thấy chị mồ hôi nhễ nhại, môi mím chặt, hì hục cạy, nẹp, bơm, rút đều tỏ vẻ ngạc nhiên, thoáng chút nghi ngờ và ngỏ ý muốn giúp. Tuy nhiên, chị chỉ gật đầu cảm ơn và tiếp tục công việc đang dang dở. Hai bàn tay chị chằng chịt những vết sẹo và chai sần, đen đúa do dính dầu mỡ. Làm nghề vất vả, nên trông chị già hơn tuổi mới ngoài bốn mươi của mình.
|
Tiệm sửa xe ở gần Ga Diêu Trì, khách khá nhiều nên chị Khanh tranh thủ sửa xe cả ban đêm. |
Phụ nữ làm nghề sửa xe thường chịu khó, tỉ mẩn, rất có trách nhiệm với công việc nên được lòng khách hàng. Chị Tâm cho biết: “Thường cánh đàn ông hay làm qua loa, đại khái cho xong việc để vá, sửa được nhiều. Còn phụ nữ thường làm cẩn thận, chỉn chu, không bày vẽ lung tung để kiếm thêm tiền nên tôi được nhiều khách hàng quen tín nhiệm. Thấy phụ nữ vá xe vất vả, nhiều khách thương tình cũng cho thêm vài ngàn đồng”.
3.
Những người phụ nữ làm nghề sửa xe mà tôi gặp đều tâm sự rằng, vì thất nghiệp, hoàn cảnh ngặt nghèo nên họ mới chấp nhận làm nghề nặng nhọc này. Thời con gái, chị Khanh làm công nhân giấy ở Quy Nhơn, đến khi theo chồng về Tuy Phước, không có việc làm ổn định nên chị đành học sửa xe rồi làm cùng chồng. Những lúc chồng đi vắng, một mình chị làm cả những công việc nặng nhọc của tiệm.
Còn với chị Tâm, hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều. Năm 1992, chồng mất khi chị đang mang thai đứa con thứ 3. Chị về nhà cha mẹ đẻ để sinh con, rồi theo cha học nghề sửa xe đạp và lấy đó làm kế sinh nhai. Công việc này vốn ít, khách ổn định, chị lại chăm chỉ nên thu nhập cũng đủ để nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Đứa con lớn của chị đã tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, hiện đang xin việc làm, con gái giữa đang là sinh viên năm 3 ngành tiếng Nhật, con gái út học lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân.
Người phụ nữ già trước tuổi ấy không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong con được học hành tử tế. Sau những ngày tháng làm việc quá sức, giờ tay chân chị đều đã có dấu hiệu đau nhức. Tết đến, chị không còn nhận đánh lư đồng như trước nữa. “Nhiều lúc tôi cứ tưởng mình sẽ không vượt qua nổi, nhưng rồi cứ tự động viên mình, lấy việc các con ăn học nên người làm động lực để cố gắng. Những khó khăn trước mắt vẫn còn, tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe để làm việc, nuôi các con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định hết”- chị Tâm chia sẻ.
* * *
Có một chi tiết về người mẹ gắn đời mình với công việc sửa xe bên đường cứ mãi ám ảnh tôi. Chị bảo, đã gần 20 năm rồi, ngày mưa cũng như nắng, chị cứ quanh quẩn bên cái tiệm sửa xe đơn sơ của mình. Chị ít đi đâu, mà cũng chẳng dám đi nữa vì sợ lạc đường.
Trên truyền hình, có rất nhiều chương trình được tổ chức để tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, thành đạt. Nhưng giữa dòng đời hối hả, vẫn còn những người phụ nữ dung dị chưa một lần được ngợi ca mà vẫn lặng thầm hy sinh vì tương lai con cái. Họ như những đóa hoa mộc mạc, thô ráp nhưng lại thầm lặng tô điểm cho cuộc đời thêm tươi đẹp…
|