Lương giáo viên (GV) của các trường mầm non dân lập (MNDL) chủ yếu được chi trả từ nguồn thu học phí, thiếu bao nhiêu thì ngân sách địa phương cấp bù, vì thế nên rất thấp. GV không yên tâm vì lương thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác…
* Lương thấp, việc nhiều
Điểm trường MGDL ở xóm 4 xã Canh Vinh, huyện Vân Canh do cô giáo Nguyễn Hồ Thị Thúy Vân phụ trách có 21 cháu thuộc 3 độ tuổi: 3, 4 và 5. Bởi là lớp ghép nên công việc của cô khá bận rộn: vừa chỉ cho các HS 5 tuổi ngồi xé dán giấy, lại quay sang chỉ bảo, dỗ dành cho các cháu nhỏ tuổi hơn. Có phụ huynh hơn 8 giờ sáng mới chở cháu đến, cô Vân lại ra dỗ dành, đưa cháu vào lớp. “Lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp ở các xã bên mà công việc thì chẳng kém cạnh” - cô than thở. Cô Vân tốt nghiệp hệ Trung cấp sư phạm, dạy học tại xã nhà từ năm 1997. Sau 14 năm, lương vẫn ở hệ số 1,0 + 50% đứng lớp, trừ mọi khoản, thực nhận là 1.035.000 đồng/tháng.
|
Lớp MNDL tại xóm 4 xã Canh Vinh có 21 cháu ở cả 3 độ tuổi, nên công việc của cô giáo Vân khá vất vả. Ảnh: T.H |
Bà Phạm Thị Bộ, Phó phòng GD-ĐT huyện Vân Canh, cho biết, từ năm 2005, các xã khác của huyện đã được công nhận là xã đặc biệt khó khăn, GV MNDL cũng được vào biên chế, hưởng lương theo bằng cấp và thâm niên. Chỉ còn Canh Vinh và thị trấn Vân Canh vẫn còn duy trì hệ MGDL với 21 điểm trường (Canh Vinh: 13, thị trấn Vân Canh: 8) tương đương với 21 cô giáo đứng lớp. Các GV đều có trình độ từ trung cấp đến đại học, được hợp đồng dài hạn và hưởng chung mức lương như nhau: 1,0 + 50% phụ cấp đứng lớp, không kể bằng cấp hay thâm niên công tác. “Thực hiện Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, chúng tôi đã triển khai thực hiện dạy 2 buổi/ngày tại các xã khác, chỉ có xã Canh Vinh và thị trấn Vân Canh chưa thực hiện được vì lương GV thấp quá. Có điểm trường, cô giáo phải đi xe máy đến 20 km đến dạy, nếu đi cả 2 buổi/ ngày thì lương chỉ đủ chi cho xăng xe thôi…” - bà Bộ nói thêm.
Ngay tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, lương của GV MGDL còn thấp hơn nhiều. Bà Trần Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường MGDL Phước Mỹ cho biết: Trường có 6 GV, thì chỉ có 2 GV được hưởng mức lương theo hệ số 1,26; còn lại đều hưởng lương 1,0. Sau khi trừ các khoản BHYT, BHXH GV thực nhận 675 ngàn đồng/tháng. Ông Cao Minh Thi, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, nói: “Xã nghèo không có tiền trả cao hơn cho các cô. Cũng bởi lương thấp nên các GV cũng chẳng thể toàn tâm toàn ý với công việc, có cô bỏ HS tự học trong phòng để đi dặm lúa. Bởi vậy, nhiều người dân không tin tưởng vào chất lượng dạy học ở đây mà đem con xuống gởi các trường mẫu giáo ở phường khác. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp không đạt yêu cầu…”.
* Không yên tâm công tác
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện trên địa bàn tỉnh có 186 trường MN, trong đó có 51 trường thuộc loại hình công lập, bán công: 65, dân lập: 58 và tư thục: 12, được phân bố đều ở các huyện, thành phố. Hiện nay, chế độ chính sách cho giáo viên mẫu giáo, nhà trẻ ngoài công lập ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn vẫn có nhiều bất cập. Ở một số xã, huyện chế độ chi lương cho GV chỉ khoảng 650 ngàn đồng/ tháng, như ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn. Thậm chí, có nơi trả còn thấp hơn, như ở xã An Tân (An Lão), lương giáo viên là 619 ngàn đồng/tháng. Tình trạng nợ lương giáo viên vẫn còn. Lương thấp, thu nhập không ổn định, trong khi chế độ phụ cấp đứng lớp hầu như không có, nên đời sống của một bộ phận giáo viên mầm non ngoài công lập ở nông thôn còn khó khăn, khiến họ không yên tâm công tác.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng Tiểu học - Mầm non, Sở GD-ĐT nhận xét: Lương của GV MNDL hiện không ổn định, thống nhất và không đảm bảo mức sống cho GV. Tùy theo ngân sách của từng địa phương cân đối hỗ trợ bao nhiêu được bấy nhiêu; có nơi trả đủ, có nơi không. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách rót xuống chủ yếu đều dùng để chi trả lương cho GV, do đó kinh phí chi cho mua sắm trang bị đồ dùng học tập còn rất ít; thậm chí hầu như chẳng có gì.
Bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn, cho biết thêm: Hiện các trường MGDL thuộc các phường vùng ven TP Quy Nhơn còn rất khó khăn. Lương trả cho GV chưa đủ thì lấy đâu ra tiền mua sắm dụng cụ học tập cho các em. Có những điểm trường tổ chức bán trú cho HS, phụ huynh đóng tiền 10.000 đồng/ngày nhưng cũng không trả nổi. “Để giáo dục mầm non thực sự khởi sắc thì nên chuyển các trường MGDL ở các xã vùng ven sang công lập, các trường MGDL trong nội thành thì nên dần dần chuyển sang tư thục, tùy từng thời điểm, hiện trạng của từng trường”- bà Trúc ý kiến.
Được biết, Bình Định đã đăng ký thực hiện “Đề án việc phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010-2015” của Bộ GD-ĐT vào năm 2015. “Một trong những yêu cầu khó đạt nhất đối với tỉnh ta là tỉ lệ trẻ ra lớp 2 buổi/ngày phải đạt 90% vì liên quan đến cơ sở vật chất, chế độ lương bổng cho giáo viên. Nhất là đối với giáo viên MNDL lương còn quá thấp, nếu dạy 2 buổi/ngày thì làm sao họ yên tâm công tác…” - bà Thủy băn khoăn.
|