Phát huy lợi thế đang có, những năm gần đây, người dân xã Canh Hòa (Vân Canh) đã tích cực lao động sản xuất để thay đổi cuộc sống của mình. Điều này không chỉ được thể hiện trong báo cáo hay qua lời cán bộ xã nói. Hãy cùng về Canh Hòa để nghe người dân nói về những chuyển biến mới mẻ trong cuộc sống của mình.
|
Ngày càng nhiều gia đình ở Canh Hòa có cuộc sống ổn định, có tích lũy như gia đình anh Linh.
|
* Thi đua sản xuất
Canh Hòa nằm giáp giới tỉnh Phú Yên và là xã nằm xa trung tâm huyện lỵ Vân Canh thứ nhì, sau Canh Liên. Trước đây, Canh Hòa là một trong những xã khó khăn của huyện. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống người dân trong xã có nhiều chuyển biến. Không chỉ cán bộ xã mà người dân ở đây đều khẳng định rằng, diện tích đất sản xuất rộng và tinh thần thi đua lao động sản xuất cao trong đồng bào người dân tộc thiểu số chính là những lợi thế của Canh Hòa so với các xã khác trong huyện.
Dắt tôi vào nhà ở làng Canh Lãnh, một trong ba làng của xã Canh Hòa, anh Nguyễn Chí Linh (người Chăm), dẫn liền xuống nhà dưới, chỉ vào 30 bao lúa đầy, vui mừng kể: “Hồi đầu năm 2010, tôi phát 0,5 ha rẫy trồng chuối và lúa. Lúa đã thu mang về đây, được 1,5 tấn, còn chuối thì đang lớn, được 1.000 bụi, ngoài Giêng sẽ bắt đầu thu hoạch. Chuối chưa thu được nhưng vừa rồi tôi đã bán được 1,6 triệu đồng bắp chuối rồi đấy”.
Ngoài rẫy chuối và lúa, gia đình anh Linh với 2 lao động chính còn làm ruộng lúa nước, mỗi năm thu cũng được chừng 1 tấn lúa. Không những thế, anh đang có 7 ha keo 5 năm tuổi. Anh Linh dự định: “Năm 2012, sau khi thu hoạch keo, tôi sẽ chuyển một số diện tích đất bằng, có nước tưới sang trồng cây ngắn hạn như mía, mì”. Sở dĩ tính vậy là vì anh Linh hiện có 2,4 ha mía, tính sau Tết mới thu nhưng giờ thương lái đã đến trả 80 triệu đồng. Anh nhẩm tính, nếu bán với giá ấy, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi 50 triệu đồng; mùa sau, anh chỉ cần bỏ công và bón phân, chăm sóc tốt thì thu cũng như vụ đầu.
Còn Sô Y Khó, chàng thanh niên đang ở tuổi tam thập nhi lập, người cùng làng Canh Lãnh, mùa này cũng đang bận rộn với việc thu hoạch 0,5 ha chuối xen canh đu đủ. Mỗi tháng bán được 1 triệu đồng tiền chuối, Y Khó nói đó là anh lấy ngắn nuôi dài, lấy chuối nuôi 4 ha keo. Vừa rồi, Khó bán 1 ha keo, được 38 triệu đồng.
Trong làng còn có hộ anh Đoàn Văn Úc, cũng được biết đến như một hộ tích cực, siêng năng làm ăn. Anh Úc hiện có 3 ha mía đang chuẩn bị bán, 5 ha keo và vài heo nái, bán 2 lứa heo con/năm. Người làng cho biết, anh vừa bán mì được hơn 30 triệu đồng.
Không chỉ Canh Lãnh, hai làng còn lại của xã Canh Hòa là Canh Phước và Canh Thành cũng đang từng ngày phát triển mà yếu tố quyết định là sự hăng hái lao động sản xuất của bà con. Ông Thanh Văn Bích, Trưởng làng Canh Thành, cho biết: “Bà con trong làng nay đã nhận thức được nhiều rồi. Họ không dựa vào Nhà nước mà biết thi đua sản xuất, làm ăn, tích lũy, thấy nhà hàng xóm mình có gì thì mình cũng muốn có nấy, vì vậy càng hăng hái lao động”. Ông Bích bấm đốt ngón tay tính: “Làng mình có 243 hộ, hầu hết đều có nhà ngói. Đàn bò của làng có trên 800 con, diện tích chuối là 20 ha. Trong làng có hộ Đoàn Văn Doãn mới bán được 45 triệu đồng tiền keo, hộ Nguyễn Văn Chiếu bán keo cũng được vài chục triệu đồng, nhiều hộ bán mì được 20 - 30 triệu đồng”.
* Nỗ lực tự thân
Đời sống người dân xã Canh Hòa bắt đầu khá lên từ 5 năm trở lại đây, khi phong trào trồng rừng phát triển mạnh trong huyện. Từ chuối, mía, mì, lúa, người dân nơi đây có tiền chợ hàng ngày, có gạo ăn, có tiền tích lũy hàng năm. Từ những rừng keo, bạch đàn, người dân có tiền tích lũy sau vài năm và đó là những món tiền khá lớn so với đời sống của đồng bào người dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Cư, cán bộ Văn phòng UBND xã Canh Hòa cho biết, với tiềm năng đất đai rộng lớn sẵn có và tinh thần thi đua sản xuất, hộ nào ở đây cũng làm hết diện tích đất mình có. Tham gia các lớp tập huấn KHKT nông nghiệp, học hỏi từ các mô hình thuộc Chương trình 135, Nghị quyết 30a do huyện đưa về và từ người dân các nơi khác, đồng bào người Bana, Chăm trong xã đã biết áp dụng nhiều cách trồng trọt sao cho hiệu quả trên một diện tích đất như: lấy ngắn nuôi dài, xen canh chuối - sả- đu đủ, sau khi chuối cỗi thì trồng keo để dưỡng đất, rồi lại xen canh chuối - lúa rẫy... Năm 2010, tổng diện tích đất gieo trồng lúa, mì, mía, bắp của Canh Hòa là 613,5 ha, tăng gần 27% so với năm 2009 và vượt gần 23% so với kế hoạch đề ra. Mía và mì vốn là hai loại cây trồng truyền thống của xã và hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì thế, năm 2011, xã chủ trương tiếp tục vận động người dân thu hoạch một số diện tích cây keo và bạch đàn trên đất nông nghiệp để chuyển sang trồng cây mì và mía.
Cùng với những nỗ lực tự thân, xã Canh Hòa cũng nhận được sự đầu tư từ Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ để giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2010, từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình này, xã đã mua 41 con bò giống lai sinh sản cấp cho 93 hộ nghèo ở 3/3 làng, hỗ trợ người dân xây dựng 36 nhà vệ sinh và sửa chữa, di dời 85 chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở.
Với những tiền đề trên, xã Canh Hòa đề ra kế hoạch sẽ giảm số hộ nghèo của xã từ 5% trở lên vào năm 2011 (hiện tại là 83,4%).
|