3 năm trở lại đây, nhiều người dân xã Canh Hiệp, Canh Vinh, thị trấn Vân Canh (huyệnVân Canh) đã có những chuyến sang Lào làm rừng.
Đi xuất khẩu lao động thời vụ sang Lào mang lại khoản thu nhập nhiều gấp 2-3 lần so với làm thuê ở tại địa phương. Sau mỗi đợt đi, mỗi lao động thu nhập 5-7 triệu đồng nên ngày càng thu hút nhiều người đi.
|
Những công nhân từng qua Lào làm việc gửi hộ chiếu cho bà Nguyễn Thị Có giữ giúp để đợt sau đi làm tiếp. |
Bà Nguyễn Thị Có ở thôn 2, thị trấn Vân Canh, người tổ chức đưa các lao động sang Lào, cho biết: Bà được Công ty Hoàng Anh Gia Lai thuê tìm và hợp đồng lao động để đưa sang Lào làm ở nông trường cao su tại tỉnh Atapư; đồng thời hướng dẫn công nhân làm việc. Công nhân sẽ làm việc tại các vườn ươm với công việc chính là làm đất, vô bì, cấy hom cây cao su vào bì. Mỗi đợt xuất khẩu lao động thời vụ thường bắt đầu từ tháng 9 hàng năm và kéo dài chừng 2 tháng.
Số lượng lao động bà Có hợp đồng phụ thuộc vào số cây giống mà Công ty giao khoán cho bà. Như năm 2008, Công ty khoán 300 ngàn cây, năm 2009 khoán 950 ngàn cây và năm 2010 vừa rồi là 1,2 triệu cây. Vì thế, số lao động được bà Có đưa sang Lào làm việc cũng tăng dần và năm 2010 đã có 95 người sang Lào làm việc. Bà Có cho biết, các công nhân đi xuất khẩu lao động thời vụ đều có hộ chiếu và hàng tháng bà đều đến cơ quan chức năng sở tại để đóng dấu xác nhận. Công lao động của công nhân được khoán theo sản phẩm, với mức 250 ngàn đồng/1.000 bì (vô đất, cấy hom), đối với nữ; 270 ngàn đồng/1.000 bì, đối với nam.
Trong số những người sang Lào làm công nhân vườn ươm, công nhân nữ chiếm 1/3 và có nhiều trường hợp là người trong cùng gia đình. Chị Nguyễn Thị Chung, ở thôn 2, thị trấn Vân Canh tham gia 3 đợt lao động sang Lào, cho biết: “Chúng tôi mang theo đồ dùng nhà bếp và một ít thực phẩm khô để nấu ăn tại chỗ. Còn thực phẩm tươi sống thì có xe chở đến bán hàng ngày. Chúng tôi được bố trí ăn ở trong lán trại ngay tại vườn ươm do chủ lao động dựng. Điều kiện sinh hoạt và an ninh trật tự nơi làm việc tương đối đảm bảo. Làm ở Lào, 1 ngày thu nhập bằng ở quê làm 3 ngày. Năm nay nếu có tuyển lao động nữa, tôi cũng đi”. Chị Chung kể, năm 2009 chị đi Lào làm việc và mang về được 10 triệu đồng, năm 2010 chị chỉ đi 20 ngày nhưng cũng kiếm được 5 triệu đồng. Hay, chị Trần Thị Phi cũng ở thôn 2, năm 2010 vừa rồi thu nhập 12 triệu đồng. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Khả và Nguyễn Thị Bích Hiệp ở xã Canh Vinh cũng đã đi 3 đợt sang Lào và nhờ chăm chỉ nên có thu nhập rất khá; năm 2009, vợ chồng anh mang về được 30 triệu đồng, năm 2010 được 27 triệu đồng.
Thấy thu nhập khá nên nhiều người muốn đăng ký đi Lào, tuy nhiên, do số lượng cây giống mà Công ty Hoàng Anh Gia Lai giao khoán có hạn nên bà Có không thể tuyển nhiều người được.
Qua tìm hiểu, được biết chính quyền địa phương, hội phụ nữ cũng biết thông tin về hoạt động xuất khẩu lao động thời vụ này. Nếu được quản lý chặt chẽ hơn nữa trong khâu hợp đồng lao động, tổ chức cho công nhân đi, sẽ là cơ hội cho những lao động nghèo ở vùng nông thôn có việc làm, thu nhập cao.
|