Làng O2 thuộc xã Vĩnh Kim, là làng xa nhất của huyện Vĩnh Thạnh. Muốn đến làng không có cách nào hơn là phải đi bộ vượt qua hàng chục cây số đường rừng, đèo dốc. Sống biệt lập, người dân ở đây quanh năm chỉ biết phá rừng làm rẫy mặc dù đất đai rất màu mỡ.
|
Bá Gan ao ước: “Bao giờ Nhà nước làm cầu lên O2 thì bà con mới hết khổ”.
|
Sau 40 cây số đi xe máy từ trung tâm huyện, chúng tôi có mặt tại cầu treo Đak Miên và bắt đầu hành trình cuốc bộ lên O2. Tôi nhớ có lần dừng chân trên đỉnh dốc O2, nghệ nhân Đinh Chương ở làng Konblo, xã Vĩnh Sơn đã hát một bài hát ru của người Bana. Ý nghĩa của bài hát là mẹ mong sao cho con khỏe mạnh, lớn khôn, vượt được con dốc lên O2 để thành người trưởng thành. Sau 2 giờ đi bộ, chúng tôi đã có mặt ở làng. Làng O2 hôm nay đã khác nhiều so với 7 năm trước, khi chúng tôi lên quay phim về bầu cử HĐND 3 cấp. 38 hộ dân với 187 nhân khẩu đã hình thành 5 cụm dân cư, lấy nhà rông của làng làm điểm trung tâm.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là bok Hun. Đã 103 tuổi nhưng trông bok vẫn còn khỏe lắm. Cả cuộc đời gắn bó với ngôi làng nằm giữa đại ngàn hun hút gió, bok biết mọi thứ ở làng. Bok nói: “Bây giờ thì sướng nhiều rồi, các cháu thấy không, làng hôm nay có nhà rông đẹp vừa được Nhà nước làm cho, có điện để thắp sáng, con cháu trong làng được đi học ở các trường gần, trường xa…”.
Người dân O2 hôm nay vẫn sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp là chính, cả làng có khoảng 6 ha ruộng lúa nước, mỗi năm gieo cấy 2 vụ. Nhờ biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất lúa thu được từ 35 đến 40 tạ/ha. Nhà bá Khít có hai vợ chồng và 2 đứa con nhỏ, mỗi năm thu được 1,2 tấn lúa, đủ lương thực cho gia đình và chăn nuôi heo gà, trâu bò. Đàn gia súc nhà bá mỗi năm cho nguồn thu khoảng 30 triệu đồng.
|
Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh thăm và tặng quà, chúc Tết bok Hun.
|
Ở O2 bây giờ, có rất nhiều hộ xuống xuôi cõng cây công nghiệp dài ngày về trồng trong vườn rừng. Ngoài cây luồng và tre điền trúc lấy măng, bà con đã trồng hơn 40 ha cây bời lời. Lứa cây đầu tiên đã cho thu hoạch. Chi bộ và ban lãnh đạo làng O2 đã vận động bà con canh tác trên diện tích rẫy cũ, không phát rẫy mới để bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng mà bà con đã ký với Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện.
Chuyện nhiều hộ dân ở O2 làm thủy điện nhỏ được xem là kỳ tích, bởi phải cõng mobin thủy điện nặng không dưới 50 kg về đây. Hiện ở O2, có 100% số hộ dùng điện thắp sáng và xem ti vi hàng ngày từ nguồn điện năng lượng mặt trời và 5 hộ làm thủy điện nhỏ.
Nỗi khó khăn còn lại của O2 vẫn là việc học của con em. Ngôi trường lợp tôn vách nứa được làm từ năm 2003 đến nay đã xuống cấp. Mùa hè nắng dội, mùa đông mưa lùa, gió tạt. Nhà công vụ giáo viên cũng không khá gì hơn.
Nguồn nước sinh hoạt ở O2 chủ yếu lấy từ nguồn nước suối. Ở giữa làng, bà con đào chung 2 vũng nước, một để lấy nước uống và một để tắm rửa, giặt giũ. Nhà nào có điều kiện kinh tế thì mua ống nhựa dẫn nước về chứa trong bể làm bằng ván ghép, bên trong có lót vải bạt.
Đêm ở làng vùng cao O2 trời như gần hơn. Bên nhà bá Khít vọng ra tiếng ê a học bài của cậu con út. Bá Gan, thôn phó O2, ao ước: “Bao giờ Nhà nước làm cầu, làm đường lên O2, bao giờ bà con nghe được tiếng còi xe thì O2 mới hết khổ”.
|