Họ, những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Bình Định, nghĩ gì về Tết Việt và người Việt ăn Tết…
SUH JOO REE, TÌNH NGUYỆN VIÊN KOICA:
Người Việt còn dành thời gian cho bạn bè
“Người Hàn Quốc chúng tôi ăn Tết trùng thời điểm với người Việt Nam, Tết Âm lịch, gọi là Seol. Khác chăng 3 ngày Tết của chúng tôi là ba mươi, mùng một và mùng hai. Ngày Tết, chúng tôi dành thời gian cho gia đình, người thân nhiều hơn. Còn ở Việt Nam, như những gì tôi đã từng chứng kiến, Tết không chỉ dành riêng cho gia đình, người thân, mà còn mở rộng đến bạn bè, đồng nghiệp. Họ đến nhà nhau, chúc mừng năm mới, cùng đi chơi, ăn uống, hát hò rất vui vẻ…”- chị Suh Joo Ree, tình nguyện viên Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), hiện đang dạy tiếng Hàn tại Trường Cao đẳng nghề Bình Định nhận xét về Tết Nguyên đán Việt Nam sau hơn một năm sống tại Quy Nhơn.
|
Suh Joo Ree (hàng đầu) cùng đồng nghiệp Việt Nam đang cổ vũ đá bóng tại Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn.
|
Tết năm ngoái, Ly- tên gọi thân mật của Suh Joo Ree - ăn Tết Việt tại Bình Định. Cô cũng đến nhà một số đồng nghiệp trong trường chúc Tết. Một số bạn bè ở KOICA từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, khi ghé thăm Ly đã tổ chức một bữa tiệc có món bánh truyền thống bằng bột gạo làm thành một cây dài, cắt thành hình theo ý muốn, có thể thêm thịt bò. “Ở quê nhà chúng tôi thường tự làm lấy, nhưng khi sang đây thì phải mua thôi; nhưng chỉ có ở siêu thị Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mới có bán. Tết năm nay, chúng tôi cũng sẽ tổ chức như thế”- Ly nói.
BÀ BARBARA DAWSON, CHỦ QUÁN BARBARA’S KIWI CAFE AND BACKPACKERS:
Không quên không khí Tết ở Quy Nhơn
Đã 15 lần đón Tết ở Bình Định, nhưng với bà Barbara Dawson, người New Zealand, chủ quán Barbara’s kiwi cafe and backpackers (đường Xuân Diệu, Quy Nhơn), vẫn luôn dành những ngày Tết vui tươi, đầm ấm cho những người bạn Việt Nam đã gắn bó thân tình. Bà Thảo, một người cùng làm việc tại quán của bà Barbara cho biết, mỗi khi gia đình bà cúng tất niên đều để phần lên cho Barbara.
|
Bà Barbara Dawson: Ngày Tết, quán tôi luôn mở cửa đón khách.
|
Còn bà Barbara lại nói: “Tôi được ăn bánh chưng, nhưng tôi thích nước mắm và hải sản tươi ngon ở vùng đất này hơn. Đối với tôi, thêm một cái Tết nghĩa là thời gian sống ở Quy Nhơn nhiều hơn, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chán. Nhớ lần đầu tiên đặt chân đến đây vào đúng thời điểm chỉ cách Tết Nguyên đán của các bạn một tuần lễ, tôi đã ngạc nhiên vì đi đâu cũng thấy người ta ăn với uống. Có thể, một vài năm nữa tôi sẽ về New Zealand hẳn, nhưng tôi không bao giờ quên không khí Tết Việt…”.
ASHLEY HENNEKAM VÀ ANKE BOONE, D.A CẤP NƯỚC VÀ VỆ SINH TỈNH BÌNH ĐỊNH:
Phụ nữ nên được “đổi vai” trong Tết
Sang Việt Nam hơn một năm với vai trò là trợ lý nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho Dự án Cấp nước và vệ sinh tỉnh Bình Định, Ashley Hennekam đã một lần đón Tết Việt. “Ở châu Âu ăn Tết dương lịch, còn ở Việt Nam lại theo âm lịch, nhưng đều là dịp mọi người thân quây quần bên nhau cùng đón thời khắc thiêng liêng của một năm mới. Tôi thấy, ở Việt Nam, người ta tỏ lòng tôn kính tổ tiên, nhiều người đi chùa để cầu nguyện cho người đã khuất, cũng như mong cho những dự định trong năm mới sẽ thành sự thật.
|
Ashley Hennekam (bên phải ảnh) và Anke Boone (bên trái ảnh): Tết này, chúng tôi sẽ đi chùa.
|
Sau Tết, một số nam giới kể chuyện mấy ngày Tết họ chỉ uống, ăn, rồi ngủ; trong khi phụ nữ lại than phiền rằng, họ phải làm công việc nhà nhiều hơn, lo cúng giỗ nên vất vả hơn ngày thường. Nếu có một năm phụ nữ và nam giới “đổi vai” cho nhau, tôi nghĩ sẽ rất thú vị và công bằng hơn…”- Ashley nói.
Còn Anke Boone thì mới sang Việt Nam được 2 tuần, đi đâu cô cũng thấy mọi người tất bật với không khí Tết, từ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa… “Tôi rất háo hức muốn trải nghiệm không khí Tết của đất nước các bạn…”- Anke cho biết. Cả hai cô gái trẻ người Bỉ này đều tiết lộ, họ sẽ đi chùa xem mọi người cầu nguyện.
|