Hương Tết quê...
14:9', 30/1/ 2011 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, trong email gửi về nhắc Tết, bạn bảo 3 năm rồi vẫn không quên được vị ngon đậm đà của miếng bánh tét, bánh chưng mướt xanh màu lá, hay mùi hương quyến rũ của bánh in, bánh thuẫn…

 

Bánh tét, bánh chưng mướt xanh màu lá trong ngày Tết.

 

1. Đi chợ cuối năm, giữa một “rừng” bánh ngoại, vẫn thấy bâng khuâng, thèm thuồng khi nghe mùi hương bánh in, bánh thuẫn, bánh cốm… được làm từ những nguyên liệu “hương đồng gió nội” thơm ngon tự nhiên, không pha tạp các loại hóa chất.

Hơn 10 năm nay, đã quen lệ, cứ đến 20 tháng chạp, bà Hà Thị Tuyết lại lỉnh kỉnh nồi niêu, thúng mủng đèo ra chợ Quân Trấn (phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) đổ bánh thuẫn bán. Vốn bận rộn với quán cơm trong chợ, nhưng Tết nào bà cũng làm vài ký bánh in, bánh thuẫn, rồi lấy thêm bánh ít, bánh táp lô, bánh dẻo để bán. Đánh trứng, bột đã có con trai. Còn đổ bánh chỉ một mình bà Tuyết đảm đương. Bà bảo, sợ con trai, con gái lơ là, bánh hư hết. Bà ngồi bếp, tỉ mẩn chăm chút từng cục than hườm trên lửa, từng chút dầu thoa khuôn, từng cái bánh một... Đổ xong, bà xếp bánh lên mâm và đặt lên một bếp lửa khác có ủ tro để sấy. Nhìn cách bà nâng niu từng chiếc bánh, càng thấy quý thứ bánh quê này.

2. 26 Tết, các lò bánh chưng, bánh tét vội vã, rộn ràng hơn bao giờ hết. Năm nay, các lò bánh ở tổ 39, khu vực 6, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) nổi lửa suốt ngày lẫn đêm. Những chiếc bánh chưng, bánh tét nơi đây không chỉ nổi tiếng đối với người dân trong tỉnh mà còn theo chân lái buôn và khách thập phương đi xa.

Ngày thường, mỗi gia đình cũng chỉ làm chừng vài trăm bánh, nhưng vào dịp Tết thì số lượng bánh tiêu thụ gấp 5 lần. Đặc biệt, mỗi nhà phải huy động toàn bộ người trong gia đình và thuê thêm cả chục nhân công để gói. Bà Phan Thị Xê cho biết: Thoạt nhìn rất đơn giản nhưng để có được chiếc bánh thơm ngon không dễ chút nào, phải kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị và thứ quan trọng nhất là nếp. Nhân bánh được làm từ đậu xanh và thịt heo ướp gia vị. Bánh được gói trong lá chuối chát đã được rửa hoặc lau sạch, khi gói phải để mặt lá xanh bên trong để khi bóc lá ra, bánh có màu xanh mướt. Bánh ngày thường chỉ cần nấu lửa đều tay trong 7 tiếng, nhưng bánh Tết phải gấp 3 lần vậy.

Từ ngày 26 Tết trở đi, mỗi ngày xóm xuất ra thị trường khoảng chục ngàn chiếc bánh, giá chênh lệch 50.000 đồng-70.000 đồng/cái, thậm chí “bánh hiếm” lên đến cả trăm ngàn đồng. Cả dãy nồi bánh loại to, mỗi nồi chứa được gần 100 đòn bánh tét, bánh chưng lúc nào cũng đỏ lửa. Bà Xê cho biết: “Nhà có 7 người gói bánh, thêm 23 người phụ vòng ngoài, nhưng tết nào “công nhân” cũng phải tăng ca. Mẹ chồng tui dù đã “nghỉ hưu” rồi, Tết đến vẫn phụ làm. Tuy vất vả vì phải thức cả ngày đêm nấu bánh, nhưng bù lại thấy vui khi những chiếc bánh trở nên đặc biệt với người thưởng thức”.

Còn bà Nguyễn Thị Giác (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) làm bánh từ thuở lên 10, nay đã trên 80 tuổi, vẫn ngày ngày gói bánh mang ra chợ Kỳ Sơn bán. Bà chia sẻ: Mỗi gia đình làm bánh có một bí quyết riêng nhưng cơ bản nhất trong các khâu chuẩn bị vẫn là phải sạch sẽ.

3. Năm nào cũng vậy, bọn trẻ ở quê như tôi mong đến Tết chỉ để được mặc áo mới, ăn bánh tráng. Tết nhà nào không tráng bánh tráng là coi như không có Tết.

Bánh tráng có nhiều loại, nhưng tựu trung vẫn là bánh tráng nhúng và bánh tráng dừa. Tôi thì rất thích bánh tráng dừa. Nhất là khi ra giêng còn bánh, đi làm về nướng vài cái chín vàng nhai giòn rụm trong miệng, dư âm hương vị Tết thật tuyệt vời. Trong xóm tôi có đến gần chục lò bánh tráng thủ công. Từ đầu tháng 11 đã có khách đặt bánh, đến đầu tháng Chạp thì xóm rộn rã khách vào ra không ngớt. Hỏi vì sao nhiều mối hàng như vậy mà không mở rộng như một “công ty tráng bánh”, nhiều người bảo: ”Tết có làm nhiều hơn ngày thường; nhưng vì uy tín vẫn phải giữ đúng công thức pha chế bột cho bánh ngon. Những lúc hết hàng, lấy bánh của người khác bỏ cho các đầu mối là họ phát hiện ngay vì ăn có mùi vị lạ”. Thì ra không phải thứ bánh nào cũng có thể làm cho người ta “mê”!

***

Nguyên liệu làm bánh quê cũng chỉ là những thứ dân dã được trồng trên đồng ruộng: đậu, nếp, gạo… nhưng hương bánh mỗi nơi mỗi khác. Người mua bánh bảo ấy là “bí quyết”; còn thợ bánh thì bảo phải gia vị thêm bằng cái tâm của người làm. Làm bánh tỉ mỉ, mệt nhọc, lời lãi chẳng là bao, đã không bỏ nghề mà nhiều người trong số họ còn truyền lại cho con cháu mình. Bởi thế, một thợ bánh năm xưa ở làng bánh gia truyền nức tiếng Tam Quan, nay đã ở tuổi bát thập vẫn ngày ngày rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở TP Quy Nhơn để bán bánh. Chỉ với một điều, giữ lại chút “hương vị” Tết quê ấm áp trong mâm cỗ ngày Tết…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tết Việt qua lăng kính người nước ngoài  (30/01/2011)
Dọc đường Xuân  (30/01/2011)
Xứng đáng với truyền thống “hạt giống đỏ” của cách mạng Bình Định  (30/01/2011)
Trở lại O2  (30/01/2011)
Thưởng Tết cho người lao động  (30/01/2011)
Xuân về vùng rốn lũ  (30/01/2011)
Chung tay hỗ trợ người nghèo đón Tết  (30/01/2011)
Đồng hành cùng những mùa xuân đất nước  (30/01/2011)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các cơ quan báo chí  (29/01/2011)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm, chúc Tết các cá nhân, đơn vị  (29/01/2011)
Sắp đặt hơn 30.000 chậu hoa làm đẹp thành phố  (29/01/2011)
Báo cáo nhanh tình hình Tết vào ngày 5.2  (29/01/2011)
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết  (29/01/2011)
Tăng chuyến tàu để người dân Nhơn Châu vào Quy Nhơn sắm Tết  (29/01/2011)
Tết ở các làng vùng cao  (29/01/2011)