Khu Đông tươi sắc nắng vui
16:13', 31/1/ 2011 (GMT+7)

Dong xe chầm chậm qua những đồng lúa xanh mướt, những vườn hoa khoe sắc, ngắm những rò rau lên xanh mơn mởn, những ngôi nhà khang trang, thật sự rất khó tin rằng nơi đây là vùng rốn lũ. Cái xứ năm nào cũng gánh chịu vài trận lũ, và riêng năm 2010 vừa qua là hơn hai tháng dầm trong lũ lê thê. Những ngày cuối năm, đi dọc Khu Đông có cảm giác như đồng đất này đang căng mẩy như mụt măng…

 

Tất cả những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn ở Khu Đông nay đã xây lại được nhà kiên cố bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự linh hoạt của chính quyền xã khi kí giấy bảo lãnh để bà con có thể mua nguyên vật liệu xây nhà.
 

Khu Đông là cách người ta gọi miệt phía Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát. Cái xứ hễ có mưa là có lũ. Thậm chí không mưa, hết mưa cũng có lũ. Bởi đây là vùng hạ lưu của sông Côn - con sông lớn nhất tỉnh Bình Định. Trong đó các xã khu đông như Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát) đến mùa lũ thường chìm trong nước, có nơi chỉ còn thấy nóc nhà. Nước tuôn xuống rất nhanh nhưng vì gần đầm Thị Nại, Đề Gi nên rút rất chậm. Lũ chồng lên lũ, những cánh đồng trắng nước nghiêng ngả những cánh cò không chỗ đậu. Thế nhưng, qua cơn lũ cuộc sống ở xứ này vẫn cứ rộn ràng. Tết về, nơi đây lại là vựa hoa lớn nhất tỉnh.

Sức sống Khu Đông

Trận lụt năm 2010 không lớn bằng các năm trước nhưng mưa kéo dài và nhiều đợt liên tục gây nhiều tổn thất nặng nề. Cả tỉnh thiệt hại trên 836 tỷ đồng, 151 ngôi nhà bị sập. Trong đó, tại huyện Tuy Phước có 7 xã, hơn 30 thôn bị nước ngập sâu, 12 hộ dân thuộc xã Phước Nghĩa phải sơ tán đến nơi an toàn. Huyện Phù Cát có 120 hộ với 600 nhân khẩu thuộc xã Cát Khánh phải di dời đến nơi an toàn, 2.500m đê sông với 1.500m3 đất đá bị sạt lở, cuốn trôi, 52 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá. Tính riêng số nhà bị sập hoàn toàn ở xã Phước Hòa là 46, Cát Chánh là 15 ngoài ra còn rất nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Giáp Tết, tôi về vùng rốn lũ với ngổn ngang suy nghĩ trong đầu, những người dân nơi đây vừa oằn mình đương đầu với lũ giờ khắc phục đến đâu, họ sẽ đón tết ra sao...

Ông Trần Đại Lang, Chánh văn phòng UBND xã Phước Hòa cho biết: “Ba thôn bị thiệt hại nặng nề nhất là Kim Đông, Tân Giản, Huỳnh Giản. Cả xã có 46 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 2 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Tính đến nay đã có 40 ngôi nhà xây xong. Trong đó, 15 ngôi nhà được hưởng mức hỗ trợ 30 triệu đồng từ Hội Chữ thập đỏ. Ngay sau khi nước rút, Trung ương đã kịp thời cấp 76 tấn gạo cho xã, có khoảng 9 đến 10 đợt hàng cứu trợ nên không ai “đứt bữa”.

 

Người dân ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa chăm sóc hoa đón tết.
 

Không đứt bữa, và rất nhiều gia đình bị sập nhà chuẩn bị về nhà mới từng ấy cũng đã thấy mùa vui đang đến. Không riêng gì Phước Hòa mà cả vùng Khu Đông này đang hồi sinh như thế. Tôi được đọc báo cáo, tôi được nghe cán bộ nhiều xã trình bày… Nhưng tôi vẫn muốn được lùa bàn tay mình vào niềm vui của bà con để thật sự cảm nhận sức sống kỳ diệu của Khu Đông.

Khu Đông sẻ áo nhường cơm

“Năm nào cũng vậy mà, hễ có mưa là có lũ. Người ta mệnh danh cho vùng đất này là xã hứng lũ, sinh ra và lớn lên trong lũ, sống chung với lũ nên kinh nghiệm chống lũ như ăn sâu vào máu thịt. Không cần thông báo, chỉ cần nhìn trời người dân đã biết lũ như thế nào, cách ứng phó và khắc phục sau những cơn lũ đi qua. Bao nhiêu đời làm chủ tịch ở xã này đều là người dân lớn lên từ lũ nên họ luôn có phương án tốt nhất trong việc chống lũ” - Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh cười nhẹ nhàng như không có chuyện gì khi kể về những trận lũ kinh hoàng. Quen với lũ còn có nghĩa là quen với việc san sẻ khó khăn với nhau trong lúc hoạn nạn. Không chỉ đồng bào ở nơi thuận lợi giúp đỡ những nạn nhân của thiên tai mà cả những người đang gánh chịu hậu quả cũng biết cách chia sẻ, động viên, đùm bọc nhau.

Ở xã Cát Chánh, sau lũ, chính quyền địa phương đã vận động nông dân có diện tích bị sa bồi nhẹ tự nạo hốt để sản xuất. Với những diện tích bị bồi lấp nặng, không thể khắc phục thủ công, lực lượng bộ đội và thanh niên đã giúp dân khắc phục trước khi đến thời vụ. Ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết: “Sau lũ, bà con lo nhất là thiếu giống lúa. Huyện đã kịp thời phân bổ 20 tấn giống, và chúng tôi đã cấp cho các hộ bị thiệt hại, bảo đảm đủ sản xuất theo đúng cơ cấu. Ngay cả những hộ có ruộng bị bồi lấp hết, xã cũng bố trí cho mượn ruộng dự phòng để làm. Chúng tôi chủ trương đảm bảo sản xuất tốt thì đời sống của bà con sẽ ổn định”.

Ngay sau lũ lụt đã có nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước nối nhau về động viên, san sẻ khó khăn với đồng bào Khu Đông. Rất nhiều những doanh nghiệp, tổ chức xã hội lớn, ngay cả những nhóm, cộng đồng, CLB nhỏ cũng nặng tình và muốn góp bàn tay nhỏ bé của mình giúp đỡ đồng bào vùng lũ. Ngày 13.12, CLB Honda 67 Bình Định đã thăm và tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 250 ngàn đồng cho người dân và học sinh ở 2 xã Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước). Tổng giá trị quà tặng là 35 triệu đồng nhưng điều đáng nói là CLB này không chỉ mang đến nhu yếu phẩm mà cùng với đó còn là sách vở, bút mực cho các em học sinh, ngoài ra các anh chị còn tặng 20 suất học bổng (200 ngàn đồng/suất). Quà tuy nhỏ nhưng mang nặng nghĩa tình và ý thức vì đàn em thân yêu của các anh chị.

 

 Nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước nối nhau về động viên, san sẻ khó khăn để đồng bào Khu Đông đón Tết ấm áp.
 

Nhà mới và những nụ cười tươi trước mùa xuân

Cát Chánh là xã chịu nhiều thiệt hại bậc nhất trong đợt lũ dài ngày vừa qua, nhưng việc khắc phục cũng thuộc nhóm tốt nhất.  Anh Tho - một người dân ở thôn Phú Hậu, có nhà bị sập, cho biết: “Ngoài phần tiền được hỗ trợ, gia đình tôi có góp thêm vào để xây lại nhà mới khang trang hơn. Không chỉ được giúp đỡ xây lại nhà, tôi cũng như nhiều bà con khác còn được ủng hộ gạo, tiền mặt và vật dụng gia đình. Dù là thiên tai lũ lụt rất nặng nhưng Tết này, gia đình tôi sẽ đón một cái Tết ấm áp”. Anh Trần Huy Hoàng, ở xã Cát Chánh kể lại rằng, hai vợ chồng đều làm nông, tích cóp mãi mới dựng được ngôi nhà. Nhưng đợt lũ vừa rồi kéo dài, nhà anh ngâm trong nước lâu ngày nên khi nước rút ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Con anh trong lúc đi sơ tán đã bị cây đâp chấn thương ở đầu. Khó khăn trăm bề nhưng gia đình anh đã vực dậy nhờ chính niềm tin vào cuộc sống và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành. Bên ngôi nhà mới khang trang anh chia sẻ: “Có nhà kiên cố gia đình mình bớt được nỗi lo nơm nớp vào mùa lũ nên có thể yên tâm làm nhiều việc khác. Tết này, gia đình tôi được ở trong căn nhà mới đàng hoàng, ấm cúng”.

Ông Hồ Quốc Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định:

“Khi có lũ tính mạng của đồng bào là điều cần bảo vệ cao nhất. Lũ rút, tỉnh chỉ đạo các ngành đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh, sớm ổn định tình hình để học sinh đến lớp. Không để người dân bị thiệt hại do lũ lụt phải thiếu ăn, chịu lạnh, chịu rét. Tỉnh đảm bảo tuyệt đối không để những hộ gia đình bị thiệt hại do lũ lụt không có nhà ở trước Tết Nguyên đán. Ai cũng sẽ có tết ấm cúng!”

Về vũng rốn lũ mới thấy hết được tình làng nghĩa xóm của bà con nơi đây. Họ cùng nhau chung tay góp sức tu sửa những con đường, kè lại mương, đắp lại đập. Chỉ trong vòng 2 tháng sau ngày lũ đi qua, đâu đâu cũng có sự đổi thay. Những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn nay đã xây được nhà kiên cố bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự linh hoạt của chính quyền xã khi kí giấy bảo lãnh để bà con có thể mua nguyên vật liệu xây nhà. Trong câu chuyện bà con kể lại với có hình ảnh anh bộ đội, màu áo xanh của thanh niên tình nguyện, những anh công an nhiệt tình giúp dân xây nhà, những cán bộ y tế nhiệt tình hướng dẫn bà con cách làm sách nước giếng…

Len lỏi trên đường làng, những vườn hoa ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa thấy những chậu cúc Đại đóa, cúc Pha lê rực sắc vàng, những cành mai chúm chím nụ mới thấy rõ sự hồi sinh của người dân vũng rốn lũ. Cuối năm, nhiều gia đình tranh thủ đi làm thêm ở các nơi khác để kiếm thêm thu nhập, vừa lo tết vừa tích góp để trả các khoản nợ đã vay mượn xây dựng nhà.

Dù khó khăn còn đó bộn bề, nhưng những sự hỗ trợ xa gần đã làm ấm lòng, tiếp thêm sức mạnh để người dân vùng lũ lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Chia tay vùng rốn lũ, qua những cánh đồng xanh mướt còn thoảng hương lúa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang hăng say lao động làm tôi chợt nhớ đến câu hát: “Đồng lúa ngát xanh tình đất mới, phù sa nuôi lúa đồng ta phủ ấm lên mầu đất mới, che chở cho lúa hiền hòa…”

Nhà mới… Nhà mới… Nhà mới cùng với điệp khúc này là những nụ cười tươi rói, những ánh mắt tin yêu. Được nghe những lời cảm ơn chân thành, những sẻ chia chân chất khi năm hết tết đến với tôi là một hạnh phúc. Niềm vui như cuộn lấy tôi khi đi dọc những bờ ruộng xanh mượt mà thì con gái.

  • Hoàng Minh Huệ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt chúc Tết các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh  (31/01/2011)
Thăm và chúc tết Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn  (30/01/2011)
Đưa vào sử dụng công trình điện thắp sáng làng Kon Trú  (30/01/2011)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm, chúc Tết các đơn vị  (30/01/2011)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm các địa chỉ truyền thống của Đảng  (30/01/2011)
Hương Tết quê...  (30/01/2011)
Tết Việt qua lăng kính người nước ngoài  (30/01/2011)
Dọc đường Xuân  (30/01/2011)
Xứng đáng với truyền thống “hạt giống đỏ” của cách mạng Bình Định  (30/01/2011)
Trở lại O2  (30/01/2011)
Thưởng Tết cho người lao động  (30/01/2011)
Xuân về vùng rốn lũ  (30/01/2011)
Chung tay hỗ trợ người nghèo đón Tết  (30/01/2011)
Đồng hành cùng những mùa xuân đất nước  (30/01/2011)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các cơ quan báo chí  (29/01/2011)