Trở lại O2
17:26', 1/2/ 2011 (GMT+7)

Làng O2 (xã Vĩnh Kim) nằm về phía cực Bắc huyện Vĩnh Thạnh, là làng xa nhất của huyện. Mấy mươi năm sau ngày đất nước hòa bình nhưng O2 vẫn gần như biệt lập với bên ngoài. Muốn đến làng O2 không có cách nào hơn là phải đi bộ vượt qua hàng chục cây số đường rừng đèo dốc.

 

Bok Hun, năm nay đã 103 tuổi nhưng trông bok vẫn còn khỏe lắm.
 

Vì không có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài, O2 chẳng khác nào một ốc đảo, người dân quanh năm chỉ biết phá rừng làm rẫy mặc dù tiềm năng đất đai của địa phương hết sức dồi dào và màu mỡ.

Sau 40 cây số đi bằng ô tô, xe máy từ trung tâm huyện, đoàn công tác của huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn đã có mặt tại cầu treo Đak Miên. Chúng tôi đề-pa lên O2 với tất cả sự hào hứng lẫn mệt nhọc, vất vả. Sau 20 mét của con dốc đầu tiên, một thành viên trong đoàn đã phải quay trở về vì đuối sức. Tôi nhớ có một lần dừng chân trên đỉnh con dốc O2, nghệ nhân Đinh Chương ở làng Konblo, xã Vĩnh Sơn đã hát cho chúng tôi nghe một bài hát ru của người Bana. Tôi không nhớ được lời bài hát, nhưng hiểu được một phần ý nghĩa của bài hát này là người mẹ mong sao cho con khỏe mạnh, lớn khôn, vượt được con dốc lên O2 để là người trưởng thành.

Sau 2 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi đã chinh phục được con dốc. Mưa phùn lất phất rơi trên những tán rừng nhuốm thêm màu biếc cho đại ngàn. Đường vào O2 thêm trơn trượt. Những con vắt ngo ngoe dưới đất, trên lá càng làm nhanh thêm những bước chân. 11h30, tốp đầu tiên của đoàn công tác đã đặt chân đến làng.

Làng O2 hôm nay đã khác nhiều so với cách đây 7 năm khi chúng tôi lên quay phim về cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp. 38 hộ dân với 187 nhân khẩu ở O2 đã hình thành 5 cụm dân cư, lấy nhà rông của làng làm điểm trung tâm. Mỗi cụm có từ 7 đến 8 hộ.

 

Làng O2 hôm nay đã đổi thay nhiều. (Ảnh: XD)
 

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Bok Hun, năm nay đã 103 tuổi nhưng trông bok vẫn còn khỏe lắm. Vừa loay hoay khịa tre sửa lại nhà sàn đón Tết, bok vừa kể cho chúng tôi chuyện ăn ở, chuyện sinh hoạt ở O2. Cả cuộc đời gắn bó trên ngôi làng nằm giữa đại ngàn hun hút gió, bao nghìn lần mặt trời lặn mọc, bok chứng kiến được hết cuộc sống của người dân ở O2: “Bây giờ thì sướng nhiều rồi, các cháu thấy không, làng hôm nay có nhà rông đẹp vừa được nhà nước làm cho, có điện để thắp sáng nè, con cháu trong làng được đi học ở các trường gần, trường xa…”.

Ở cái tuổi ngoại thập tuần nhưng bok Hun vẫn còn làm được nhiều việc. Không chỉ việc nhà như chăn nuôi heo gà, trồng rau, tát cá… Bok Hun còn dành thời gian đến thăm nhiều hộ trong làng, động viên mọi người tham gia sản xuất, không chặt phá rừng, không tiếp tay cho kẻ xấu, động viên các cháu nhỏ ráng học để biết nhiều cái chữ.

Người dân O2 hôm nay vẫn sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp là chính, cả làng có khoảng 6 hec ta ruộng lúa nước mỗi năm gieo cấy 2 vụ. Nhờ biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất lúa ở O2 cũng được từ 35 đến 40tạ/hecta. Nhà Bá Khít có hai vợ chồng và 2 đứa con nhỏ, mỗi năm thu được 1,2 tấn lúa, không chỉ đủ lương thực cho gia đình mà bá còn có gạo để chăn nuôi heo gà, trâu bò. Đàn gia súc nhà Bá Khít có 9 con trâu, 8 con bò lớn, không tính những con bê nghé mới sinh ra. Bá Khít nhẩm tính các nguồn thu trong năm của gia đình cũng được khoảng 30 triệu đồng.

Chiều ở O2, chút nắng mùa đông chợt hửng lên trên ngọn chò đầu làng. Gió khẽ khàng lao xao qua những khóm luồng mới trồng dạo đầu năm ngoái. Những búp măng lứa đầu tiên vừa nhú lên khỏi mặt đất. Ở O2 bây giờ có rất nhiều hộ xuống xuôi cõng cây công nghiệp dài ngày về trồng trong vườn rừng. Ngoài cây luồng và tre điền trúc lấy măng, bà con đã trồng hơn 40ha cây bời lời. Lứa cây đầu tiên đã cho thu hoạch.

Những rẫy đất mênh mông ở O2 được trồng các loại cây nông sản. Mùa này chỉ còn những rẫy mì lưu niên. Vụ ngô đã thu hoạch xong đem về treo đầy gác bếp. Chi bộ và ban lãnh đạo làng O2 đã vận động bà con canh tác trên diện tích rẫy cũ, không phát rẫy mới để bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng mà bà con đã ký với Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện.

 

Chăn nuôi trâu, bò giúp nhiều hộ trong làng phát triển đời sống. (Ảnh: XD)
 

Chuyện nhiều hộ dân ở O2 làm thủy điện nhỏ được xem là kỳ tích. Bởi để lên được O2, việc cõng vài ba kilogam đã vất vả. Đằng này mỗi mobin thủy điện cũng không dưới 50 kilogam. Hiện ở O2 có 5 hộ làm được thủy điện nhỏ chạy bằng sức nước, cộng với nguồn điện năng lượng mặt trời, 100% số hộ ở O2 đã có điện thắp sáng, xem ti vi hằng ngày.

Lên O2 lần này, bên cạnh những đổi thay đáng mừng, vẫn còn đó nhiều nỗi khó khăn vất vả. Đó là việc học của con em ở ngôi làng nghèo khó này hết sức vất vả. Ngôi trường lợp toll vách nứa được làm từ năm 2003 đến nay đã tả tơi. Mùa hè nắng dội, mùa đông mưa lùa gió tạt. Thầy và trò cùng xê dịch trong mấy chục mét vuông ấy, tránh mưa và gió lùa để bồi đắp kiến thức. Trẻ em nghèo mong manh mảnh áo co ro lạnh khó mà nuốt nổi cái chữ. Nhà công vụ giáo viên cũng không khá gì hơn.

Nguồn nước sinh hoạt ở O2 chủ yếu lấy từ nguồn nước suối. Ở giữa làng, bà con đào chung 2 vũng nước, một để lấy nước uống và một để tắm rửa, giặt giũ. Nhà nào có điều kiện kinh tế khá hơn thì mua ống nhựa dẫn nước về chứa trong bể làm bằng ván ghép, bên trong có lót vải bạt.

Đêm ở làng vùng cao O2 trời như gần hơn. Đại ngàn bao la hơn trong đêm trăng thượng tuần. Bên nhà Bá Khít vọng ra tiếng trẻ ê a học bài của cậu con út lẫn với tiếng trò chuyện râm ran của mấy bá, mấy bok đang mời rượu khách. Bá Gan-thôn phó O2 ao ước: “Bao giờ nhà nước làm cầu, làm đường lên O2, bao giờ bà con nghe được tiếng còi xe thì chắc là O2 hết khổ”.

  • Xuân Dũng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tặng quà Tết cho người nghèo  (01/02/2011)
Khu Đông tươi sắc nắng vui   (31/01/2011)
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt chúc Tết các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh  (31/01/2011)
Thăm và chúc tết Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn  (30/01/2011)
Đưa vào sử dụng công trình điện thắp sáng làng Kon Trú  (30/01/2011)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm, chúc Tết các đơn vị  (30/01/2011)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm các địa chỉ truyền thống của Đảng  (30/01/2011)
Hương Tết quê...  (30/01/2011)
Tết Việt qua lăng kính người nước ngoài  (30/01/2011)
Dọc đường Xuân  (30/01/2011)
Xứng đáng với truyền thống “hạt giống đỏ” của cách mạng Bình Định  (30/01/2011)
Trở lại O2  (30/01/2011)
Thưởng Tết cho người lao động  (30/01/2011)
Xuân về vùng rốn lũ  (30/01/2011)
Chung tay hỗ trợ người nghèo đón Tết  (30/01/2011)