Thao thức cùng hoa Tết
21:10', 2/2/ 2011 (GMT+7)

Với những người trồng hoa, vất vả không chỉ là những ngày chăm sóc hoa trong vườn nhà, mà mỗi khi những phiên chợ hoa xuân nhộn nhịp, họ lại bắt đầu với nỗi nhọc nhằn khác, đó là những chuỗi ngày thức cùng hoa. Cùng chung nỗi nhọc nhằn với họ là những người mua hoa bán lại… 

1.

Tờ mờ sáng ngày 26 tháng Chạp, tôi dạo một vòng quanh chợ hoa xuân dọc đường Nguyễn Tất Thành. Chợ hoa vắng bóng người, chỉ có những người bán hoa mệt nhoài nơi ngả lưng tạm bợ. Ở phía đường Trường Chinh, có lô hàng khá hoành tráng với những gốc mai to, giá trị. Ban ngày, những người mua hoa kiểng trầm trồ ngắm nghía trước những gốc mai trị giá hàng chục triệu đồng, đêm đến những người bán mai lại giăng mùng cạnh những nhánh mai con để ngủ giữ cây.

 

                                    Chợ hoa Tết Quy Nhơn. (Ảnh: NVT)

 

Cách đây vài năm, người bán hoa cúc ở ngã 6 Ngô Mây vì say giấc đã bị kẻ gian bưng trộm gần chục chậu mai, chuyến buôn ấy xem như hết lời lãi.

Những tấm bạt căng hờ trên ghế đá hay giàn giáo mới thuê, những chiếc mùng được giăng chen lẫn vào những bụi hoa kiểng, những tấm nilon trải vội vàng dưới vỉa hè…, nơi nghỉ đêm của những người bán hoa kiểng chỉ có vậy. Trời lất phất mưa, cái rét như được nhân lên. Họ nằm như để chờ trời sáng…

Đêm sương trời lạnh còn có thể ngả lưng, còn ban ngày trời nắng, họ vẫn ngồi để chờ khách; rồi khuân vác, vận chuyển các chậu hoa, phun nước giữ cho hoa tươi… Cực khổ là vậy nhưng thu nhập cho hơn nửa tháng trời “hứng nắng nằm sương” lại phập phù theo giọt mưa ánh nắng.

Năm nay thời tiết khắc nghiệt, cận Tết trời càng lạnh, mai ngậm nụ mãi chẳng chịu hé. Nghe đâu, có đến 90% số mai trồng không nở kịp Tết. Bao công sức chăm bẳm coi như mất trắng, nhiều người lỗ cả tiền chuyên chở, tiền thuê lô.

Ngồi thu lu trong căn lều tạm, ông Hành, 57 tuổi, ở đường Phạm Hùng (TP Quy Nhơn), rầu rầu nói: “Năm nay con trai tôi lên tận Nhơn Phong (An Nhơn) mua 30 chậu mai hết 12 triệu đồng. Bày bán được hai ngày rồi mà chẳng bán được chậu nào, mà mai vẫn chưa chịu nở hoa”…

2.

Người làm nghề không gọi trồng hoa kiểng mà gọi là “nuôi” hoa, “nuôi” kiểng. Tết đến mang hoa kiểng đi bán, bán không hết đem về nuôi tiếp. Tâm lý người mua hoa hay đợi đến ngày cuối cùng mới mua cho rẻ. Nhiều lúc chợ hoa sôi động, đông đúc vì người đi ngắm hoa, chụp ảnh, thăm dò giá cả. Thời vật giá leo thang, việc chi tiêu chắt bóp là điều dễ hiểu. Song, nhiều khách mua hoa trả treo cũng quá đáng, người mua hoa bán lại nhiều lúc còn cảm thấy tủi thân, huống hồ là người trồng hoa, ngày đêm chăm hoa như chăm con mọn!

Thế nên mới có chuyện nhiều chủ trồng hoa, bán hoa Tết đã chấp nhận bẻ hoa, chôn hoa, chứ không chịu bán đổ bán tháo.

Giao thừa cách đây 2 năm, tôi từng tận mắt chứng kiến một người bán hoa hồng ở ngã Tư Tam Quan (Hoài Nhơn) kiên quyết không bán rẻ hoa mà nhổ hoa chôn, lấy chậu mang về. Ông lạc giọng: “Tui lên tận Đà Lạt mua hoa chở về bán, người ta trả giá không bằng tiền công vận chuyển. Làm vậy cho mấy người ham rẻ năm sau khỏi chờ mua hoa rẻ nữa…”.

Bạn tôi làm việc ở Đà Nẵng về góp chuyện: cách đây chưa lâu, chiều 29 Tết, bạn đã có dịp chứng kiến cảnh một gia đình từ Bình Định mang mai ra Đà Nẵng bán, đã kiên quyết đập vỡ chậu hơn 500 cội mai, chặt cành chỉ còn trơ gốc, bó lại từng bó bỏ lên xe đò để chở về quê. Nước mắt người trồng mai chan hòa cùng những cội hoa tan tác.

Những người bán hoa xung quanh kể lại, cả gia đình đó đã quyết đầu tư cả vốn liếng mấy trăm triệu cho chuyến mai Tết lần ấy, với hy vọng đổi đời từ những cội mai tươi xanh đã mất mấy năm trời nâng niu, chăm bẳm.

Vậy mà suốt 10 ngày, họ chỉ bán được 2-3 cội, ai đến cũng đòi hạ giá, thậm chí không bằng cái công họ đã nhọc nhằn bỏ ra. Tiền ăn mang theo thì ngày càng cạn dần đến nỗi không thể trụ vững nữa. Không còn cách nào khác, họ đành phải đập bỏ chậu, mang những gốc mai về nhà chăm lại, dồn hy vọng vào Tết sang năm. Kết cục của gia đình bán mai này gặp phải cũng là số phận của không ít người khi đeo đuổi nghề trồng, buôn bán hoa cho ngày Tết...

3.

Công việc của người bán hoa Tết thường kéo dài đến sau giao thừa. Vì mưu sinh, họ chấp nhận đánh đổi những phút giây sum họp đầm ấm cùng gia đình trong đêm giao thừa thiêng liêng.

Năm nay là năm thứ tư anh Hải bạn tôi bán hoa lyly ở Quy Nhơn. Năm ngoái, chạng vạng chiều 30 anh mới chạy xe máy về Quảng Nam, đến nhà vừa kịp lúc đón giao thừa. Năm nay, do thiếu người trông hoa, anh bảo chắc phải đón giao thừa dọc đường!

Thế mới biết, đằng sau những sắc hoa tươi tắn là mồ hôi và thậm chí cả nước mắt của người trồng hoa.

Thế mới thấy, cái nghề mang cái đẹp, niềm vui cho người khác lúc xuân về Tết đến lắm lúc chấp nhận bao nỗi niềm…  

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán   (02/02/2011)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm, chúc Tết các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết  (02/02/2011)
Quy Nhơn ngày giáp Tết  (01/02/2011)
Hoài Ân rộn ràng đón Tết   (01/02/2011)
Trở lại O2  (01/02/2011)
Tặng quà Tết cho người nghèo  (01/02/2011)
Khu Đông tươi sắc nắng vui   (31/01/2011)
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt chúc Tết các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh  (31/01/2011)
Thăm và chúc tết Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn  (30/01/2011)
Đưa vào sử dụng công trình điện thắp sáng làng Kon Trú  (30/01/2011)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm, chúc Tết các đơn vị  (30/01/2011)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm các địa chỉ truyền thống của Đảng  (30/01/2011)
Hương Tết quê...  (30/01/2011)
Tết Việt qua lăng kính người nước ngoài  (30/01/2011)
Dọc đường Xuân  (30/01/2011)