Lại một năm cũ đi qua. Canh Dần, con hổ uy nghi trao quyền lại cho chú mèo Tân Mão nhanh nhẹn, uyển chuyển. Thời tiết đêm cuối năm ở Bình Định dù còn se lạnh nhưng không ngăn được mỗi lòng người đang ấm dần lên trong thời khắc giao thừa đón chào năm mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đánh trống khai hội Dạ hội đón giao thừa. (Ảnh: Văn Lưu)
Quy Nhơn rạng rỡ đèn hoa
Sáng sớm 30 Tết, trời vẫn còn thâm u, rét lạnh, nhưng cái lạnh không thắng nổi tình cảm yêu thương nồng ấm của các bà nội trợ mong muốn sắm sanh tết nhất tinh tươm cho gia đình mình. Mọi điểm chợ lớn, bé trong thành phố đều đông người hơn và hàng hóa thì phong phú, đa dạng. Ai cũng muốn gom Tết, gom không khí xuân vào nhà mình qua những món hàng tết. Và, đi chợ Tết không hẳn chỉ để mua, mà còn để cảm nhận rõ nhất cái rộn ràng của ngày cuối năm.
TP Quy Nhơn rực rỡ hơn đèn hoa đón Tết.
Thư thái dong xe đi dạo qua các cửa ngõ vào thành phố, hướng từ đèo Cù Mông, Quốc lộ 1D, hướng Diêu Trì hay cầu Thị Nại, ngõ nào cũng nhộn nhịp người xe nối nhau ra vào. Bất giác hình dung thành phố hiền hòa, xinh đẹp như một thỏi nam châm có sức hút mạnh mẽ. Quê hương dang vòng tay chào đón đàn con trở về sum họp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Bến xe, nhà ga ngày cuối năm vẫn tấp nập, chạy đua với thời gian, làm việc hết công suất để đưa, đón những chuyến tàu xe cuối cùng bình yên về quê ăn Tết. Những con đường đỏ rực cờ Tổ quốc được cắm ngay ngắn trước mỗi ngôi nhà, kiêu hãnh tung bay trong gió xuân…
Những ai đi xa trở về Quy Nhơn vào những này đều dâng tràn xúc cảm khi thấy phố biển quê hương ngày càng đẹp!. Đón Xuân Tân Mão 2011, Quy Nhơn đang bừng lên những sắc màu rạng rỡ tươi vui. Trên nhiều con đường trong thành phố được khoác “lớp áo” lộng lẫy, khi được bổ sung trang trí thêm 30 nghìn chậu hoa cúc, vạn thọ, hướng dương… khoe sắc.
Chợ hoa xuân Quy Nhơn luôn là điểm “hội tụ” người dân mỗi dịp xuân về.
Đã thành truyền thống, chợ hoa đường Nguyễn Tất Thành luôn là điểm hội tụ sắc màu của mùa Xuân. Năm nay thời tiết “gây khó dễ” khiến công lao chăm sóc của người trồng hoa Tết không đạt như mong muốn nên lượng hoa về chợ hoa Tết cũng giảm so với các năm. Số cây mai được bày bán chỉ chiếm một phần nhỏ so với năm ngoái, nhưng những người yêu mai cũng bớt “thòm thèm” khi được xem hội thi mai do Chi hội Sinh vật cảnh TP Quy Nhơn tổ chức. Giá hoa Tết chỉ cao vài ngày đầu rồi hạ giá thấp theo từng ngày cận Tết, đến chiều ngày 30 thì chợ hoa đã thưa thớt hẳn về số lượng, trong khi người đến mua vẫn còn đông… nên khuôn mặt những người bán cũng rạng rỡ như hoa…
Rời trung tâm thành phố, chúng tôi xuôi về tận hưởng không khí mùa xuân ở các phường vùng ven. Mang trong mình cả bóng dáng hồn quê và phố thị, Ghềnh Ráng, Nhơn Bình, Nhơn Phú… trông bình yên giữa mùa xuân. Nhìn những nóc nhà dân khói bay la đà trong chiều 30 Tết mà cảm nhận vị ấm nồng của quê hương, xứ sở trong mùa xuân mới.
TP Quy Nhơn rực sáng lung linh trong đêm 30. Dàn đèn led trang trí hoa sen, hoa mai trên đường Nguyễn Tất Thành, những “suối đèn”, quả cầu đèn chuyển màu mới được lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư khiến phố biển Quy Nhơn có vẻ đẹp thực sự lộng lẫy của một đô thị loại I.
Đi dạo trên những con đường nhộn nhịp người xe vào đêm 30 Tết, càng thấy rõ sự vươn mình mạnh mẽ hơn của Quy Nhơn vào mỗi dịp Xuân về.
Nhiều người dân Quy Nhơn năm nay chọn mua vạn thọ, hoa hồng về chơi trong những ngày Tết Tân Mão 2011.
Sự phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố trong năm qua được thể hiện sắc màu rực rỡ về đêm không còn là “độc quyền” của đường Nguyễn Tất Thành, mà lan tỏa ra nhiều con đường khác như đường Lê Duẩn, Xuân Diệu, Hoàng Quốc Việt nối dài… với hàng loạt quán xá, khách sạn trang hoàng đèn hoa rực rỡ đón Tết Tân Mão.
Đặc sắc chương trình Dạ hội đón giao thừa
21 giờ 30 phút đêm 30 tháng Chạp, chương trình Dạ hội giao thừa Mừng Đảng Mừng Xuân đón Tết Tân Mão 2011 đã bắt đầu tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Đến dự chương trình Dạ hội có các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh... cùng các đại biểu và đông đảo người dân háo hức đón xem.
Một tiết mục nghệ thuật múa rồng-múa lân tại Dạ hội. (Ảnh: VL)
Không khí phần khai hội đã diễn ra sôi động trong tiếng trống hội rộn rã, màn múa Lân Sư Rồng vui tươi với chủ đề “Xuân đã về” của CLB lân Kỳ Hoàn (TP Quy Nhơn).
Tiếng trống khai hội của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc được tiếp nối bởi âm thanh hào hùng của dàn trống chầu, khiến mọi người càng thêm náo nức chờ đợi những giờ phút chuyển giao năm cũ và năm mới.
Được lựa chọn biểu diễn ở phần khai hội, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã xây dựng tiết mục Việt Nam đất nước mùa Xuân đầy ý nghĩa, tôn vinh truyền thống hào hùng khi lần lượt tái hiện trên sân khấu những nhân vật lịch sử có công lao to lớn vun đắp “mùa xuân” vững bền cho dân tộc.
Khách nước ngoài đón giao thừa tại Quy Nhơn. (Ảnh: VL)
Chương trình nghệ thuật được chia làm 3 phần nội dung riêng biệt, với nhiều tiết mục đặc sắc, ý nghĩa.
Mở đầu chương trình là các tiết mục hát múa ca ngợi Đảng quang vinh - Bác Hồ vĩ đại như Dưới lá cờ Đảng vẻ vang, Đảng đã cho ta mùa xuân, Hoa sen Tháp Mười và Như hoa hướng dương, thể hiện sự phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân Bình Định đón mừng xuân mới, hòa cùng niềm vui cả nước Chào mừng 81 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2011) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thành công rực rỡ.
Phần Sắc xuân Bình Định đã dẫn dắt người xem đắm chìm trong bản sắc văn hóa truyền thống Bình Định đầy sức lôi cuốn. Chị Ngọc Hương, nhà ở đường Nguyễn Huệ - TP Quy Nhơn, nhận xét: “Năm nay là lần đầu tiên vợ chồng tôi dẫn các con đi xem Dạ hội giao thừa. Chương trình có nhiều tiết mục được dàn dựng hoành tráng, chúng tôi rất hào hứng với liên khúc hát múa Lý con mèo của Đoàn Ca Kịch Bài chòi Bình Định. Lý con mèo cócách dàn dựng dí dỏm, những câu vè, bài đồng dao, lời chúc năm mới tạo nhiều cảm xúc”.
Một số tiết mục văn nghệ Mừng Đảng mừng Xuân. (Ảnh: VL)
Màn trình diễn võ thuật truyền thống Tây Sơn hành binh thần tốc với 60 võ sinh tham gia biểu diễn các màn đồng diễn quyền, binh khí, đối luyện...khiến khán giả thích thú vỗ tay liên hồi. Quốc Hưng, một người dân Bình Định hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh, xúc động bày tỏ: “Tôi đã xem nhiều các tiết mục biểu diễn võ Bình Định ở các chương trình trong và ngoài tỉnh. Vậy mà mỗi một lần xem đều như lần đầu, thật khó lý giải sự lôi cuốn, xúc động, cảm kích xen niềm tự hào. Trong khoảnh khắc chuyển giao năm cũ Canh Dần sang năm mới Tân Mão cũng là năm tuổi của tôi, lòng lại thấy rưng rưng khi được về đứng trên quê hương, xem nghệ thuật cùng với đông đảo người dân để chờ đón giao thừa”.
Phần Tình khúc mùa xuân là những tiết mục hát múa, nhảy hiện đại đậm màu sắc xuân, với những ca khúc được nhiều người yêu thích như Xuân về trên quê hương, Một ngày mới, Bình Định yêu thương, Như khúc tình ca, Xuân yêu thương, Ngày Tết quê em. Các tiết mục được dàn dựng sôi động, trẻ trung, tạo sự tưng bừng, rộn rã cho đến tận những phút cuối.
Kết thúc chương trình Dạ hội giao thừa, tiếng trống chầu lại vang lên rộn rã. Trên trời cao, từng chùm pháo hoa đủ màu sắc thi nhau nở rộ. Thời khắc thiêng liêng của năm mới đã đến. Mọi người cùng háo hức hướng lên bầu trời quê hương để chào đón
năm mới Tân Mão với bao điều nguyện ước…
Huyện Tuy Phước thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, không khí đón Tết mọi nhà ở vùng “rốn lũ” thêm rộn ràng. Tuy vẫn còn bộn bề khó khăn do hậu quả mưa lũ của năm 2010 để lại, nhưng phải nói rằng từ sự trợ giúp kịp thời của Nhà nước, từ sự dang tay chia sẻ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm nên đời sống bà con vùng lũ đã vơi đi khó khăn, Tết này mọi nhà đều nồng ấm.
Anh Phượng vui mừng treo cờ Tổ quốc đón xuân mới. (Ảnh: XT)
Anh Đặng Văn Phượng (41 tuổi), ở thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng, có nhà sập trong đợt lũ tháng 11 năm ngoái, tâm sự : “Tui được Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng, cộng với ít tiền lâu nay hai vợ chồng dành dụm được và nhờ sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, gia đình hai bên mới xây được ngôi nhà mới cấp 4 rộng 50m2 vừa xong đúng ngày 27 tháng Chạp, gia đình còn được nhận gạo cứu trợ đỏ lửa, quà tết nữa, nên tết này gia đình quá vui ăn tết đủ đầy, tui rất cảm ơn Đảng, Nhà nước”.
Ở nơi thường xuyên bị thiệt hại lũ lụt như xã Phước Thắng, thì việc giúp đỡ kịp thời của Nhà nước và các cấp, các ngành hết sức quí giá.
Ông Nguyễn văn An, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hàng năm cứ đến mùa mưa bão Phước Thắng lại chìm trong biển nước, đợt lũ năm rồi địa phương có 28 nhà dân bị sập. Chúng tôi động viên bà con đều đã xây xong nhà mới kịp đón Tết. Ngoài ra, xã cũng nhận số hàng hóa cứu trợ nhân dân sau bão lụt, gạo đỏ lửa ngày tết, gồm: 49 tấn gạo, 2.882 suất hàng (bình quân 200 nghìn đồng/suất). Đặc biệt, hộ nghèo được cấp gạo, 200 nghìn đồng tiền quà tết nên bà con phấn khởi lắm”.
Một góc chợ hoa Tết Gò Bồi. (Ảnh: XT)
Không khí đón xuân, vui Tết khá tưng bừng ở chợ hoa xuân Gò Bồi, xã Phước Hòa, nhóm họp bên phía bắc cầu Gò Bồi dọc theo tỉnh lộ 640 và tỉnh lộ 636B. Chợ họp từ 28 Chạp cho đến giao thừa, các chậu hoa kiểng cúc, vạn thọ, hồng…khoe màu trong gió xuân, càng đến gần giao thừa chợ hoa nóng lên và giá hoa đều tăng từ 10 đến 20% so năm ngoái.
Anh Nguyễn văn Toàn, sinh viên năm thứ 2 đại học ngoại ngữ thành phố Hồ Chí Minh, về nghỉ tết tranh thủ phụ gia đình bán hoa, cho hay: “Chợ hoa xuân Gò Bồi chủ yếu là hoa của làng hoa Bình Lâm nơi tôi ở trồng. Tuy trồng hoa là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính, nhiều nhà vườn trúng mùa hoa Tết thu từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, bà con ăn Tết năm nay to hơn”.
Huyện Phù Cát, không khí chuẩn bị đón giao thừa tết Tân Mão, khá nhộn nhịp, trên khắp các nẻo đường từ thị trấn đến những miền quê hẻo lánh, dòng người đi lại xe máy hối hả…
Trung tâm huyện được trang trí khá lộng lẫy, hai bên đường cờ hoa rực rỡ. Chợ Phù Cát ngày 30 tết, lượng người mua kẻ bán tăng lên gấp bội, bởi thường ngày, họ bôn ba khắp nơi lo việc mưu sinh, Tết đến xuân về ai nấy đều đoàn tụ với gia đình vui tết.
Chợ hoa Tết Phù Cát. (Ảnh: HT)
Khu sinh hoạt văn hóa huyện, bên ao cá Bác Hồ, được bố trí chợ hoa tết, có đủ các loại hoa từ hoa mai, vạn thọ, hoa cúc, thược dược, hồng, quất, hoa đào… Mặc dù hoa năm nay giá có cao hơn năm trước khoảng 30%, nhiều nhất vẫn là hoa cúc và vạn thọ, đủ cỡ giá theo túi tiền của người mua, từ những chậu vạn thọ 5 -10 ngàn đồng, những chậu cúc 100 ngàn đến trên dưới 1 triệu đồng, những chậu mai năm bảy trăm ngàn đến hàng triệu đồng… Đã đến chiều tối song dòng người mua hoa khá đông đúc, và hầu như ai cũng muốn chọn cho mình một chậu hoa ưng ý, hợp với túi tiền để về chưng diện sắc xuân trong nhà.
Được biết tại đây trong những ngày vui tết đón xuân, sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu võ thuật, mừng Đảng mừng xuân, nên Huyện đã đầu tư kinh phí tu sửa khá khang trang sạch đẹp.
Có thể nói, mặc dù trong năm qua, thời tiết không thuận, mưa lũ kéo dài, gây ra nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước, cuộc sống của người dân đã được nhanh chóng ổn định, sản xuất được khôi phục. Đối với các hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do lũ lụt, hộ có khả năng bị thiếu đói giáp hạt được Huyện kịp thời tiếp nhận và cấp phát 363 tấn gạo, góp phần bảo đảm gia đình nào cũng có để vui Tết.
Nhân dân Hoài Nhơn đón Tết Tân Mão 2011 với nhiều niềm vui lớn. Các ngư dân với những chuyến “bò gù” cuối năm khẳm ghe, những vụ tôm thắng lợi… Thêm vào đó, thị trấn Bồng Sơn mở rộng đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, mở ra đường phát triển mới của mảnh đất Hoài Nhơn anh hùng.
Gặp Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Trương Công Tịnh vài ngày trước, ông vui mừng cho biết: Năm qua, kinh tế Hoài Nhơn có bước phát triển đáng kể, GDP tăng 12,1%; đời sống của người dân toàn huyện có những bước chuyển biến tích cực…
Một tiết mục trong chương trình văn nghệ Mừng Đảng mừng Xuân. ( Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG)
Tình hình kinh tế khởi sắc, người dân Hoài Nhơn có điều kiện sắm sửa tết nhất tinh tươm hơn. Những chợ hoa được tổ chức rải rác từ thị trấn Bồng Sơn đến thị trấn Tam Quan đều bày bán đầy đủ các loại hoa Tết. Năm nay, loại hoa “quý tộc” như lyly cũng được nhiều người chọn mua để chưng Tết, có người mua cả bình 3 cành dù giá chẳng mềm chút nào: 60 ngàn đồng/cành.
Cũng như mọi năm, các điểm vui xuân đón Tết được tổ chức khắp nơi. Ở phía Bắc huyện, các hội chợ xuân với các trò chơi lôtô, xe ngựa, biểu diễn ca nhạc… vẫn thu hút người dân dù trời chưa bớt rét.
Trong khi đó, ở thị trấn Bồng Sơn, các hoạt động văn hóa-văn nghệ càng náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân các khu vực lân cận. 20 giờ 40 phút, trước trụ sở UBND huyện, chương trình văn nghệ “Mừng Đảng mừng Xuân” được mở đầu với tiết mục biểu diễn võ thuật độc đáo của võ sinh các lò võ trên địa bàn huyện.
Những bài hát múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương Hoài Nhơn cùng tiết mục múa lân sôi động đã mang lại không khí náo nhiệt cho đêm Giao thừa.
Tại khu vực trung tâm thị trấn Bồng Sơn đông đảo người dân tập trung xem văn nghệ và bắn pháo hoa. Người dân ở các xã Hoài Tân, Hoài Hải, Hoài Xuân… đến xã Ân Mỹ, Ân Đức, thị trấn Tăng Bạt Hổ… (huyện Hoài Ân) cũng đổ về. Nhiều gia đình thuê hẳn taxi để đến Bồng Sơn xem pháo hoa.
Anh Nguyễn Văn Liên, 41 tuổi, ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức cùng nhóm bạn đi xe máy xuống Bồng Sơn coi pháo hoa, nhưng loay hoay mãi chẳng biết gửi xe ở đâu. “Lần đầu tiên tôi được đón giao thừa trong không khí đông vui như thế này”- anh Liên tâm sự.
Gần đến giờ bắn pháo hoa, mọi ngả đường xung quanh trụ sở Văn phòng Huyện ủy Hoài Nhơn đều chật kín người. Nơi tập trung đông người nhất là cầu Bồng Sơn, nơi có thể nhìn rõ nhất cảnh bắn pháo hoa.
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Hoài Nhơn. (Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG)
Đúng 23 giờ 15 phút, tiếng pháo hoa đầu tiên nổ trên bầu trời trong những tiếng ồ lên đầy ngạc nhiên, sung sướng. Màn pháo hoa rực rỡ kéo dài 15 phút đã thật sự làm thỏa lòng người dân giữa thời khắc giao thừa đang đến gần…
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh một mùa xuân mới lại về, đem theo niềm tin tưởng và sự đổi mới cho người dân trong huyện. Nhìn cảnh người dân tất bật với bao việc để đón xuân vui Tết trong không khí hối hả, rộn ràng, chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình, yên vui của những làng Bana nơi vùng cao này.
Người dân làng Kon Trú vui đón giao thừa tại nhà rông. (Ảnh: XD)
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, cuộc sống người Bana ở Vĩnh Thạnh đã thay đổi. Đồng bào Bana đã cấy lúa hai vụ, trồng ngô, đậu đỗ, sắn và nhiều loại rau màu. Tết này ngoài việc thăm hỏi động viên những gia đình neo đơn, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do huyện tổ chức thì những hộ thiếu đói không có gạo ăn trong Tết cũng được huyện hỗ trợ. Huyện đã phổ biến chủ trương đồng bào đón Tết vui xuân theo phương châm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm mà vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc mình, tránh kéo dài, lãng phí để ra tết mồng 8 bà con bắt tay vào lao động sản xuất, kịp vụ mùa mới.
Đón mừng xuân mới ở làng HàRi. (Ảnh: XD)
Tại các thôn làng, đồng bào Bana ăn tết đơn giản, không cầu kỳ tốn kém. Ngày tết của đồng bào Bana ngoài thịt lợn, thịt gà và rượu, thứ không thể thiếu là rượu cần. Tết ở vùng cao trừ một chút bánh kẹo còn mọi thứ đều do gia đình làm lấy.
Ngay từ buổi chiều 30, không khí Tết ở các làng đồng bào Bana đã rộn rã. Tại tất cả các làng đồng bào Bana, bà con tập trung về nhà rông để tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Mỗi nhà góp một ghè rượu cần để cùng chung vui đón Tết. Bok Kha, già làng Tà Điệt phấn khởi nói: “Tết nay vui lắm, năm nay bà con dân làng làm ăn cũng khá, thêm nữa nhà nào cũng nhận được quà Tết, gạo ăn do nhà nước hỗ trợ nên ai cũng phấn khởi”.
Cán bộ huyện Vĩnh Thạnh cùng đồng bào uống rượu cần vui đón Tết. (Ảnh: XD)
Tại làng vùng cao Kon Trú, xã Vĩnh Kim, lần đầu tiên bà con được đón một cái tết vui dưới ánh đèn điện khi công trình điện thắp sáng được nhà nước đầu tư lắp đặt và đưa vào sử dụng vào những ngày cận tết. Bá Thanh, thôn trưởng Kon Trú hào hứng nói: “Năm nay vì thêm niềm vui có điện nên bà con ăn Tết lớn hơn mọi năm, nhà nào cũng làm thêm rượu, thêm bánh để có cái tết tươm tất hơn. Đặc biệt là bà con được xem Chủ tịch nước chúc tết qua tivi tại nhà rông của làng”.
Xuân đã về vùng cao Vĩnh Thạnh theo nhịp vẫy của đôi tay trần của những cô gái Bana bên vòng xoang đón Tết đêm giao thừa. Cùng với sắc xuân tươi sáng của đất trời, tiếng cồng chiêng âm vang từ các bản làng như mời gọi người dân Vĩnh Thạnh đón một cái Tết ấm áp và yên bình.
Nhóm PV Ban VH-TT, Văn Trang và CTV: Xuân Thức- Xuân Dũng- Hoài Trung- Bảo Sương