Từ mong ước đầu năm ở cửa thiền
20:23', 6/2/ 2011 (GMT+7)

Trong những ngày đầu năm, người Việt thường có tục lễ chùa cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống. Phong tục ấy như thêm một nét chấm phá tô điểm vào bức tranh xuân vốn nhiều gam màu lễ hội tươi mới. Trước cầu bình yên sau nữa là hướng con người vào nẻo thiện lương – có thể nói ngay về tập tục này như thế…

 

Trong tâm thức của người Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, cầu mong mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh cho tâm hồn được tĩnh tại sau một năm làm ăn vất vả, bỏ lại phía sau bọn bề những lo toan, ưu phiền.

Tết đến xuân về, dù có náo  nức đến đâu nhiều người vẫn dành sáng mùng Một lên chùa thắp nhang, cầu bình an, may mắn và hạnh phúc cho gia đình, người thân. Năm nay dù khí trời se lạnh, nhưng liên tục từ giao thừa đến sáng mùng Một, khuôn viên các ngôi chùa ở Quy Nhơn như chùa Long Khánh (đường Trần Cao Vân), chùa Lộc Uyển (đường Nguyễn Thái Học)... đều đông người đến lễ Phật.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, ở phường Đống Đa đến lễ tại chùa Lộc Uyển chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đưa các con đi lễ chùa vào dịp đầu năm. Tôi đi chùa là để cầu mong cho cả gia đình được mạnh khỏe, bình an vô sự, làm ăn hanh thông. Nhưng quan trọng hơn là muốn thấy tâm hồn mình được bình yên ngay từ ngày đầu năm”. Cũng như chị Vân, nhiều người rất quý khoảnh khắc tĩnh lặng đầu tiên của một năm - lúc mà người ta thực hiện động tác tự soi rọi nhìn thấu chính mình, tự răn mình theo điều thiện. Hòa với tiếng chuông ngân, mùi khói nhang trong không khí linh thiêng và cả sắc màu rực rỡ của đèn, hoa, đứng trước tượng Phật Bà Quán Thế Âm dường như mỗi người đều thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Chị Ngô Thị Mỹ Linh, phường Nguyễn Văn cừ chia sẻ rằng “Nhà tôi mấy đứa nhỏ mỗi đứa làm ở một nơi nên chỉ có những ngày Tết cả gia đình mới được quây quần bên nhau và cùng đi chùa. Đây vừa như như một động tác vật chất để gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, vừa là một cách nhắc nhở con cháu trong nhà biết sống sao cho lương thiện”.

Nếu chú ý bạn sẽ thấy không phải ai đến chùa lễ Phật cũng là tín đồ Phật giáo. Và nhà chùa không vì thế mà lại khép cửa với những người này. Cửa chùa luôn rộng mở. Trong nền văn hóa Việt Nam, đức bao dung và khả năng tiếp nhận những điều khác với mình, khác với thói quen, truyền thống của người Việt rất mạnh. Chính vì điều này mà các yếu tố ngoại lai thường dễ dàng tìm được chỗ đứng trong nền văn hóa, trong cuộc sống và dần dần trở thành một phần máu thịt của văn hóa Việt. Có thể nhìn thấy đặc điểm này từ phong tục lễ chùa đầu năm.

Đạo Phật ở Việt Nam không giống như ở các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia... Khi tiếp nhận Phật giáo, tổ tiên ta đã khéo léo đưa vào đó một số yếu tố của tín ngưỡng dân gian như tục thờ Mẫu, thờ cúng tổ tiên, trang thờ Phật đứng cùng và đứng cạnh trang thờ ông bà… Không chỉ có thế, chùa - vỏ hình thức của cơ sở thờ tự cũng mang đường nét của kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Vì thế, những mong ước mà người ta gieo trước Đức Phật không phải chỉ là những tín điều tôn giáo. Và phần lớn trong đời sống hiện đại, không gian tâm linh đã trở thành môi trường tốt để người ta bắt đầu thực hành sống tốt bắt đầu từ việc khép mình vào những quy tắc lương thiện. Những người không phải là tín đồ Phật giáo vẫn tìm được chỗ đứng của mình trong không gian hành lễ trước chư Phật là bởi đặc điểm văn hóa Việt Nam kể trên.

Khi một người thành tâm lễ Phật trong thời khắc quan trọng của một năm, những ước nguyện, khẩn cầu cho gia đình, con cháu được sum vầy, đất nước được an vui, thái bình, người người no ấm… tức là người ấy đang gieo một điều thiện và hướng chính bản thân mình đi theo điều thiện ấy như tìm đến một cái đích tốt đẹp trong cuộc sống. Thế nên, lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ quan niệm về tâm linh, không chỉ là nghi thức của tín đồ Phật giáo là từ rất lâu đã trở thành một giá trị văn hóa của dân tộc ta.

  • HOÀNG MINH HUỆ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đón giao thừa với những người quét rác  (03/02/2011)
Khắp nơi vui đón giao thừa   (03/02/2011)
CA tỉnh tham dự cầu truyền hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc Tết lực lượng CAND  (02/02/2011)
Phó Chủ tịch Hồ Quốc Dũng chúc Tết các đơn vị trực đêm giao thừa   (02/02/2011)
Thao thức cùng hoa Tết   (02/02/2011)
Tăng cường công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán   (02/02/2011)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm, chúc Tết các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết  (02/02/2011)
Quy Nhơn ngày giáp Tết  (01/02/2011)
Hoài Ân rộn ràng đón Tết   (01/02/2011)
Trở lại O2  (01/02/2011)
Tặng quà Tết cho người nghèo  (01/02/2011)
Khu Đông tươi sắc nắng vui   (31/01/2011)
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt chúc Tết các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh  (31/01/2011)
Thăm và chúc tết Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn  (30/01/2011)
Đưa vào sử dụng công trình điện thắp sáng làng Kon Trú  (30/01/2011)