QUA 5 NĂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO Ở TÂY SƠN:
Chuyển biến tích cực
18:48', 8/2/ 2011 (GMT+7)

Trong những năm qua (2006-2010), công tác giảm nghèo ở huyện Tây Sơn có những chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả khá, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện mỗi năm trên 2%; đến cuối năm 2009 còn 10,03%.

 

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Bình Tân. Ảnh: N.Sương

 

1. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo, 5 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tạo điều kiện cho gần 8.000 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền trên 100 tỉ đồng. Về chính sách cho học sinh, sinh viên con hộ nghèo, hộ gia đình gặp khó khăn vay vốn ưu đãi, cũng đã có gần 5.000 lượt học sinh, sinh viên của huyện được vay trên 61 tỉ đồng. Ngoài ra, mỗi năm huyện còn miễn, giảm học phí cho 3.000- 3.500 học sinh là con hộ nghèo, hộ chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền trên 250 triệu đồng; đào tạo nghề miễn phí cho 500 lao động nghèo, đặc biệt đã giới thiệu xuất khẩu lao động mỗi năm từ 10-15 lao động, qua đó giúp nhiều hộ nghèo ổn định kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cải thiện đời sống cho nhân dân các xã, thôn đặc biệt khó khăn, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cũng đã giúp cho nhiều hộ nghèo trong huyện có điều kiện cải thiện cuộc sống. Các chương trình, dự án, trong đó chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm theo Quyết định 120 của Chính phủ đạt kết quả tốt, qua đó đã giải ngân 67 dự án vay với số tiền 7,55 tỉ đồng, giúp tạo việc làm mới cho 1.500 lao động là hộ nghèo, hộ khó khăn.

Các dự án phát triển lâm nghiệp như: WB3, KFW6, Dự án 661 cũng góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân. Đến nay, Dự án WB3 đã giao trên 1.000 ha đất trồng rừng cho 788 hộ với tổng kinh phí trên 9,5 tỉ đồng. Dự án KFW6 giao 2.149 ha đất rừng cho 1.365 hộ với tổng kinh phí trên 6,6 tỉ đồng. Dự án 661 khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích trên 4.000 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên 5.000 ha, trồng mới và chăm sóc trên 700 ha rừng.

Huyện Tây Sơn đã tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 1 xã và 4 thôn đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế ở các xã Bình Tân, Vĩnh An, Tây Xuân, Tây Giang, Tây Thuận và Tây Phú.

2. Không chỉ được hỗ trợ về mặt kinh tế, người nghèo còn được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Hàng năm, huyện Tây Sơn cấp từ 12.000 – 13.000 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo và hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ Bảo hiểm y tế cho 2.450 người cận nghèo với số tiền gần 300 triệu đồng. Công tác mua, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo hàng năm đều được thực hiện chu đáo, kịp thời và đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trong việc khám, chữa bệnh.

Bằng nhiều nguồn vốn của tỉnh, huyện, các tổ chức cá nhân và đóng góp của cán bộ, nhân dân, huyện đã triển khai xây dựng nhà ở cho 589 hộ nghèo với tổng kinh phí 10,21 tỉ đồng. Các chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số cũng đã giúp nhiều hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh An và Bình Tân, Bình Tường và một số địa phương khác trong huyện có đất sản xuất cây lúa nước, làm rẫy, có đất trồng rừng và nước sạch.

 

Nông dân xã miền núi Vĩnh An (Tây Sơn) trồng dưa hấu. Ảnh: V.L

 

3. Tuy vậy, công tác giảm nghèo của huyện Tây Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các chính sách, chế độ của Nhà nước liên quan đến công tác giảm nghèo, vì thế vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí tự lực vươn lên, nên kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỉ lệ tái nghèo hàng năm còn khá cao.

Với quy định chuẩn nghèo mới, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Tây Sơn hiện đã tăng lên xấp xỉ 20%. Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trong những năm tới, ông Lâm Văn Lành, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn, cho biết: “Huyện sẽ tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chiến lược an sinh xã hội. Các cấp chính quyền và đoàn thể vận động, khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; đồng thời tập trung triển khai các biện pháp có liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, ưu tiên các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người nghèo như hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, hỗ trợ đào tạo nhân lực. Việc tạo điều kiện tốt để hộ nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở, điện - nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý sẽ giúp đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững”.

  • Ngọc Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hơn 2.200 ca cấp cứu trong dịp Tết  (08/02/2011)
Kỷ niệm 46 năm Chiến thắng Đồi 10   (08/02/2011)
Kỷ niệm 46 năm Chiến thắng Đồi 10   (08/02/2011)
Kỷ niệm 46 năm Chiến thắng Đồi 10   (08/02/2011)
Vui Xuân cùng lễ hội  (07/02/2011)
Xác định bệnh, tật của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học  (08/02/2011)
Đã vận chuyển 15 ngàn lượt hành khách đi lại sau Tết  (07/02/2011)
TỔ CHỨC GẶP MẶT SINH VIÊN ĐẦU NĂM  (07/02/2011)
Kỷ niệm 46 năm chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu  (07/02/2011)
Kỷ niệm 222 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (07/02/2011)
Từ mong ước đầu năm ở cửa thiền  (06/02/2011)
Đón giao thừa với những người quét rác  (03/02/2011)
Khắp nơi vui đón giao thừa   (03/02/2011)
CA tỉnh tham dự cầu truyền hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc Tết lực lượng CAND  (02/02/2011)
Phó Chủ tịch Hồ Quốc Dũng chúc Tết các đơn vị trực đêm giao thừa   (02/02/2011)