Khoảng cách trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) giữa các khu vực miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị, đang dần thu hẹp nhờ những nỗ lực không ngừng của ngành Y tế và chính quyền địa phương.
|
Hiện nay, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong CSSKSS đã có nhiều thay đổi.
|
* Thay đổi nhận thức
Huyện miền núi Vân Canh có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2010, công tác CSSKSS của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước đây, chuyện phụ nữ người dân tộc thiểu số đi khám thai định kỳ và công khai là chuyện lạ. Bởi lẽ theo phong tục, phụ nữ phải hết sức kín đáo trong chuyện này. Nhưng nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi, ban đầu chỉ là việc khám thai định kỳ, sau đó là đến bệnh viện, trạm y tế để khám, theo dõi thai nhi thường xuyên và sinh con. Kết quả, tỉ lệ bà mẹ sinh tại cơ sở y tế đạt 76,77%; chưa có trường hợp nào bị tai biến sản khoa và thai tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho rằng, đây là một bước tiến đáng kể trong nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi trước đây, phần lớn chị em chỉ đẻ tại nhà, dễ xảy ra tai biến.
Nhờ những chuyển biến từ các địa bàn miền núi, nông thôn, đến nay, các chỉ số chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh của toàn tỉnh đạt khá cao, cụ thể: khám theo dõi và quản lý thai đạt 100%; tỉ lệ bà mẹ sinh tại cơ sở y tế đạt 97,61%; tỉ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được thăm khám sau đẻ là 99,85%... Tỉ lệ tử vong mẹ ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong những năm gần đây cũng đã giảm.
Các hoạt động triển khai dịch vụ KHHGĐ, khám và điều trị phụ khoa, dự phòng chẩn đoán sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung… đạt nhiều kết quả khả quan. Đáng nói là các chỉ số trong phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, như tình trạng trẻ suy dinh dưỡng theo cân nặng, chiều cao theo tuổi được cải thiện. Điều tra đánh giá của Viện Pasteur Nha Trang tại 6 xã Canh Hòa, Canh Vinh (huyện Vân Canh); Cát Tiến, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và Phước Nghĩa, Phước Lộc (huyện Tuy Phước) cho thấy: nhận thức và hành vi chăm sóc dinh dưỡng của phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nâng lên đáng kể.
|
Phụ nữ mang thai ở vùng núi cao Canh Liên (huyện Vân Canh) đến trạm y tế xã để được cán bộ y tế tư vấn chăm sóc thai sản và cấp viên sắt.
|
* Để miền núi, nông thôn “gần” hơn nữa
Có được kết quả như trên là do sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương. Công tác tuyên truyền vận động được đẩy mạnh, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Mạng lưới cán bộ phục vụ công tác CSSKSS của tỉnh được củng cố và hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 1.122 cán bộ làm việc trong hệ thống CSSKSS. Riêng tại xã có 159 cán bộ chuyên trách là nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi; tại thôn bản có 1.670 cộng tác viên dinh dưỡng. Ở các địa bàn miền núi, ngành Y tế cũng đã rất quan tâm triển khai các loại hình đào tạo “cô đỡ” thôn bản, nhằm giảm nguy cơ tai biến sản khoa, tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Đến nay, Bình Định có 50 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số, tập trung ở các huyện: Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão.
Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng công tác CSSKSS vẫn chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Các chỉ số chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tuy đã được cải thiện hàng năm, nhiều chỉ số vượt chỉ tiêu của Trung ương, nhưng các chỉ số về nữ hộ sinh xã, bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế và được cán bộ y tế chăm sóc chưa đảm bảo và suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở các huyện miền núi vẫn còn cao.
Toàn tỉnh hiện còn 3 trạm y tế chưa có nữ hộ sinh, hoặc y sĩ sản nhi là An Toàn (huyện An Lão), Ân Đức và Ân Sơn (huyện Hoài Ân). Khả năng tiếp cận chương trình của một số ít cộng tác viên ở các huyện miền núi, vùng sâu hạn chế. Trong khi đó, do điều kiện đi lại khó khăn, kiến thức người dân còn hạn chế kèm theo thói quen nuôi con truyền thống… nên việc triển khai chương trình ở các địa bàn này tồn tại nhiều bất cập…
Vì vậy, để rút ngắn khoảng cách trong công tác CSSKSS giữa các vùng miền, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động cần phải giải quyết một cách đồng bộ các hạn chế nói trên.
|