QUA 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 3-212/TTG:
Đạt được những mục tiêu cơ bản
21:24', 13/2/ 2011 (GMT+7)

Thực hiện Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định đã tích cực thực hiện Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KNTC) cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2006-2010” và đạt được những mục tiêu cơ bản.

 

Lễ tổng kết 5 năm hoạt động của Đề án.

 

UBND tỉnh xây dựng 4 đề án để thực hiện; trong đó, đề án thứ 3 giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì; Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các sở, ban, ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện (sau đây gọi tắt là Đề án 3-212/QĐ-TTg). Mục tiêu của Đề án 3-212/TTg là: Tạo sự chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về KNTC của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật về KNTC, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Qua khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về KNTC cho thấy, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về KNTC nói riêng trong một bộ phận cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế. Chỉ có khoảng trên 20% số vụ khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính có nội dung đúng hoàn toàn. Thực hiện Đề án 3-212/QĐ-TTg, các huyện Tuy Phước, An Lão đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của địa phương. Ban chỉ đạo đã chọn 5 đơn vị, gồm: phường Đống Đa (Quy Nhơn); xã Phước Hòa (Tuy Phước); xã Mỹ An (Phù Mỹ); xã Canh Hiển (Vân Canh) và thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) làm điểm để triển khai thực hiện. Tiêu chí lựa chọn các đơn vị điểm được Ban chỉ đạo xác định, là những địa bàn có phát sinh tình hình KNTC phức tạp của công dân; có đủ các loại hình đơn vị xã, phường, thị trấn, miền núi, đồng bằng, địa bàn ven biển, nơi có các dự án phát triển hạ tầng, khu dân cư đang được triển khai. Các địa phương cũng đã chủ động nguồn kinh phí hoạt động.

Trong 5 năm, tỉnh đã chi cho Đề án 140 triệu đồng; trong đó, ngân sách các huyện, thành phố cấp trên 101 triệu đồng phục vụ tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền, in ấn tài liệu tuyên truyền. Qua đó, đã phổ biến, tuyên truyền sâu các quy định về trình tự thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc KNTC và giải quyết KNTC; trách nhiệm của HĐND, đại biểu HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể, ban Thanh tra nhân dân cấp xã trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; việc hòa giải, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện của công dân trong các lĩnh vực đất đai, dân sự, tư pháp…. Các tài liệu được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân và cán bộ cơ sở.

Đánh giá về quá trình thực hiện Đề án 3-212/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Tạng, Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết: Đề án đã đạt được những mục tiêu cơ bản. Tại nhiều xã, phường, thị trấn, nhất là những nơi Đề án 3-212/QĐ-TTg được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng nội dung, phương pháp, tình hình KNTC và kết quả giải quyết KNTC có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn bộc lộ những khiếm khuyết, như: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về KNTC chưa đa dạng, sinh động. Chủ yếu là tổ chức các lớp, hội nghị phổ biến, tuyên truyền trực tiếp và phát hành các tài liệu, ấn phẩm; chưa lồng ghép vào các hình thức sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Công tác tổ chức tiếp dân của UBND nhiều xã, phường, thị trấn chưa được duy trì thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có nơi còn làm hình thức. Cán bộ tiếp công dân ở một số nơi chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền, giải thích pháp luật, hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về KNTC.

Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo tổ chức 373 lớp, hội nghị phổ biến, tuyên truyền trực tiếp các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho gần 9.000 lượt cán bộ và trên 131.500 lượt người dân tại hơn 120/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong số gần 9.000 lượt cán bộ cấp xã tham gia các lớp tập huấn, có 619 cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; 3.393 cán bộ là lãnh đạo UBND, Tư pháp, Thanh tra nhân dân, báo cáo viên pháp luật và 4.986 lượt cán bộ Mặt trận, hội Nông dân và các đoàn thể quần chúng ở cấp xã. Ban chỉ đạo Đề án cũng đã biên soạn, phát hành 1.000 bản tài liệu “Hỏi - đáp pháp luật về KNTC”; 14.000 tờ gấp, 1.200 áp-pich tuyên truyền một số điểm cần biết về KNTC niêm yết tại các trụ sở làm việc, địa điểm tiếp công dân.

  • Công Lý
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tạo nhiều chuyển biến tích cực  (13/02/2011)
Phát động hiến máu tình nguyện  (13/02/2011)
Triển khai tại 3 xã mới  (13/02/2011)
Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh họp mặt đầu năm  (13/02/2011)
Tổ chức hiến máu tình nguyện đợt 1-năm 2011  (12/02/2011)
Đầu tư xây dựng 19 công trình văn hóa - thể thao   (12/02/2011)
Gặp mặt đồng hương Tam Quan tại TP Hồ Chí Minh  (12/02/2011)
Làng mới  (12/02/2011)
Thuê thợ sơn nhà  (12/02/2011)
Sôi nổi thi đua đầu năm  (12/02/2011)
Cứu một tàu cá bị nạn   (12/02/2011)
Sẽ trồng mới hơn 390 ha rừng ngập mặn  (12/02/2011)
Đã xây dựng Quỹ hội có số dư hơn 10 tỷ đồng  (11/02/2011)
Rút ngắn khoảng cách  (10/02/2011)
Làm mạnh từ cơ sở  (10/02/2011)