Hai năm qua, hoạt động truyền thông thay đổi hành vi và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện (Voluntarily Counseling and Testing - VCT) lần đầu tiên được triển khai tại một số địa bàn của TP Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn và Vĩnh Thạnh, đã gây được những hiệu ứng tích cực trong dự phòng HIV/AIDS.
|
Chăm sóc SKSS và tư vấn dự phòng HIV/AIDS cho phụ nữ xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn). |
* Tư vấn xét nghiệm tự nguyện lưu động
Bình Định đang xếp thứ 53 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên dân số. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục phát triển, không chỉ khu trú trong quần thể dân cư có hành vi nguy cơ cao như: ma túy, mại dâm, mà đã xuất hiện cả trong quần thể dân cư như: ngư dân, phụ nữ mang thai…
Một trong những yếu tố tiềm tàng làm cho HIV/AIDS lây truyền nhanh trong cộng đồng là số dân di, biến động lớn. Bình Định nằm trong số đó, do có nhiều người từ nơi khác đến và ngư dân của tỉnh đi làm ăn theo chu kỳ ở nhiều nơi.
Dự án “Can thiệp dự phòng HIV/AIDS và giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) tại Bình Định thông qua hoạt động truyền thông thay đổi hành vi và VCT” được Quỹ Ford tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và Phát triển (COHED), triển khai thực hiện từ tháng 5.2009 đến tháng 12.2010. Dự án đã lồng ghép truyền thông thay đổi hành vi và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, dự phòng HIV/AIDS, tập trung vào nhóm thanh, thiếu niên 15-29 tuổi của TP Quy Nhơn; các xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) và Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn).
Kết quả, nhiều mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS đa dạng cho các đối tượng: ngư dân, người dân tộc thiểu số, sinh viên, công nhân và người có hành vi nguy cơ cao, đã ra đời. Đặc biệt, quy trình VCT, chăm sóc SKSS lưu động được Trung tâm COHED và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xây dựng thử nghiệm. Đây là mô hình mới, lần đầu tiên được áp dụng cho mọi đối tượng ở cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, khẳng định: “Sự kết hợp của dịch vụ VCT và chăm sóc SKSS lưu động vừa đảm bảo tính sẵn có của dịch vụ đối với người dân vùng khó khăn, vừa góp phần làm giảm sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm”.
|
Các hoạt động của Dự án đã thu hút nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP Quy Nhơn tham gia. |
* “Đòn bẩy” của truyền thông vận động
Ngoài việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, Dự án tập trung ưu tiên các hoạt động truyền thông cộng đồng, hướng tới thay đổi hành vi trong thanh niên, nhằm ngăn ngừa sự lây lan HIV trong nhóm đối tượng này thông qua việc cung cấp kiến thức về các nguy cơ lây nhiễm và các cách phòng chống HIV; trang bị kỹ năng sống về các vấn đề liên quan đến SKSS và phòng chống HIV/AIDS. Đây là một chiến dịch truyền thông đại chúng tại các địa phương Dự án triển khai, giúp thanh niên tiếp cận với các thông tin và kiến thức về các con đường lây nhiễm.
Với hơn 30 km bờ biển và sự phát triển của ngành đánh bắt hải sản, nhóm ngư dân đánh bắt xa bờ là một trong những quần thể có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao do điều kiện đặc thù của nghề nghiệp. Đến nay, Hoài Nhơn đã có 83 người nhiễm HIV/AIDS (đứng thứ hai sau TP Quy Nhơn). Đáng báo động là phần lớn số ca nhiễm từ năm 2005 đến nay nằm trong lứa tuổi từ 18-30 và đều nhiễm HIV thông qua quan hệ tình dục không an toàn; có 27/83 ca nhiễm là phụ nữ (chiếm tỉ lệ 32,5% và cao hơn bình quân chung của cả nước); đáng chú ý là trong đó có 10 phụ nữ mang thai và 2 trẻ em.
Bà Đỗ Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm COHED: Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của Trung tâm. Chúng tôi mong đợi thông qua hình thức sân khấu hóa truyền thông, đặc biệt là tổ nghệ thuật cộng đồng, để khơi dậy sự sáng tạo của người tham gia và bình thường hóa hoạt động xét nghiệm HIV tự nguyện.
Ông Mai Xuân Phương, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế: Trong bối cảnh chưa có vắc-xin dự phòng, chưa có phương thuốc điều trị AIDS hiệu quả, thì tuyên truyền, giáo dục về phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên là “vắc-xin” thay thế hữu hiệu nhất. |
Kỹ sư Nguyễn Tự Trọng, Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn, phân tích: “Thời gian gần đây, các ca nhiễm HIV/AIDS tại Hoài Nhơn đều liên quan đến các đối tượng di, biến động, làm ăn xa nhà. Trong 10 cặp vợ chồng có HIV, đã có 5 cặp vợ chồng là ngư dân. Vì thế, việc đa dạng về hình thức tuyên truyền, nội dung dễ hiểu và hấp dẫn là tiêu chí đầu tiên để thực hiện truyền thông cho đối tượng này, trong đó, hình thức thảo luận nhóm và tư vấn được xem là mũi nhọn và có hiệu quả nhất”.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền cũng cho biết, đến thời điểm kết thúc Dự án, đã có hàng ngàn thanh niên tại các địa bàn Dự án được tiếp cận, tư vấn, truyền thông về SKSS, thay đổi hành vi dự phòng HIV/AIDS, đặc biệt là 543 thanh niên trong nhóm có nguy cơ cao. Tại các buổi truyền thông, phần lớn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và thanh niên đều cho rằng, kiến thức và kỹ năng sống chưa đầy đủ đã khiến thanh, thiếu niên có quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS. Các hoạt động tư vấn, truyền thông đan xen, liên tục diễn ra đã cuốn hút và kéo thanh niên vào cuộc, tạo thành chuỗi liên kết do chính các em vừa là người thụ hưởng, vừa là người làm chủ.
|