Từ tháng 2 đến tháng 4.2011, Bình Định sẽ triển khai thí điểm kiểm soát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đây là việc làm cần thiết nhằm khống chế trước khi SXH bước vào mùa dịch.
Những năm gần đây, dịch bệnh SXH biến động rất phức tạp, khó kiểm soát và có xu hướng tăng cao hàng năm. Theo Viện Sốt rét- Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, số ca mắc SXH tăng gấp nhiều lần, nhiều tỉnh phải công bố dịch.
|
Phun hóa chất là một trong những giải pháp để kiểm soát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết. |
Tại Bình Định, năm 2010, đã có 2.190 ca SXH Dengue và 1.745 ca sốt Dengue, trong đó có 6 ca tử vong. Toàn tỉnh đã xuất hiện hơn 300 ổ dịch trung bình và nhỏ. Dự báo năm 2011, bệnh dịch SXH tiếp tục gia tăng trên diện rộng.
PGS-TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Quy Nhơn, cho biết: Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng tới sự phát triển SXH thành dịch là mật độ muỗi truyền bệnh Aedes aegypti tăng cao, mức độ miễn dịch của cộng đồng thấp; hiểu biết của người dân về bệnh còn hạn chế, ý thức phòng chống chưa cao; mật độ dân cư đông đúc nhất là vùng đô thị, các biện pháp phòng chống véc-tơ truyền bệnh đã thực hiện chưa đủ để ngăn chặn sự lan truyền bệnh SXH của muỗi.
Vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thời tiết lạnh, véc-tơ truyền bệnh SXH chậm phát triển, nên tình hình có phần tạm lắng xuống. Tuy nhiên, phân tích số liệu ở các địa phương cho thấy, trong những tháng đầu năm, nếu số ca mắc SXH cao thì trong năm đó tình hình dịch cũng tăng cao và diễn biến phức tạp. Như vậy, nếu tăng cường các biện pháp diệt muỗi SXH trong mùa Đông-Xuân (từ tháng 1 đến tháng 4) sẽ hạn chế được sự bùng nổ dịch vào thời điểm muỗi phát triển mạnh (từ tháng 5 đến tháng 11).
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã giao Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Quy Nhơn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm kiểm soát véc-tơ truyền bệnh SXH tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai.
Các hoạt động phòng chống SXH thí điểm sẽ được thực hiện tại 5% số phường/xã, với mục tiêu: giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH, xác định mật độ muỗi và ổ bọ gậy nguồn; phun hóa chất diệt muỗi; lựa chọn các phương thức tuyên truyền cho người dân tham gia tích cực phòng chống dịch, quyết liệt diệt bọ gậy/lăng quăng, so sánh hiệu quả của từng biện pháp nhằm đề xuất các giải pháp phòng chống kịp thời trong năm; đồng thời, nâng cao năng lực kiểm soát véc-tơ truyền bệnh cho đội ngũ cán bộ y tế…
|