1. Vậy là Ngày thơ đã tổ chức ở Việt Nam được 9 lần. Ở tỉnh ta, Ngày thơ được tổ chức ngày càng quy mô hơn. Dù đây đó vẫn còn lời ra tiếng vào, nhưng phần đông đều thừa nhận, Ngày thơ đã mang thơ đến gần hơn với nhiều người. Điều đó càng có ý nghĩa khi giữa cuộc sống hiện đại, con người vội vàng với nhịp sống gấp gáp, khoảng thời gian ít ỏi dành cho giải trí cũng quanh quẩn với phim ảnh, ca nhạc, thơ ca ít nhiều mất đi chỗ đứng trong cuộc sống.
|
Những người trẻ “say” thơ trước lều thơ của mình. Ảnh: N.V.Trang
|
Ngày thơ được tổ chức quy mô hơn, nghĩa là cơ hội để bạn đọc, người thưởng thức đến với thơ cũng nhiều hơn. Thơ được viết, được khắc, được in trên cờ, trên giấy và cả trên những chiếc nón. Nghĩa là, bằng nhiều cách khác nhau, những người tổ chức muốn thơ hiển hiện sống động ngay trước mắt độc giả, chứ không lặng im nằm trên trang bản thảo hay tạp chí, tuyển thơ. Trong một không gian mở, người đến với thơ được tiếp cận với những câu thơ, bài thơ đã qua vòng tuyển chọn. Sự chọn lọc ấy đã mang đến cho người thưởng thức những “thực đơn” khá sang trọng.
Ngày thơ được tổ chức quy mô hơn, nghĩa là cơ hội được đến với bạn đọc của các nhà thơ (rộng hơn là người làm thơ) cũng nhiều hơn. Năm nay, thời gian dành cho Ngày thơ ở tỉnh ta gần như chiếm hết cả ngày rằm tháng Giêng. Từ những cây bút trẻ tuổi đời chưa tới đôi mươi đến các cây bút “già” ngoại thất thập, đều có dịp mang “đứa con tinh thần” của mình ra chia sẻ với mọi người.
2. Cô em gái tôi làm hướng dẫn viên du lịch cho những nhóm khách quen. Công việc không ổn định, nhưng được cái tự do, được thực hiện những sở thích. Một trong những sở thích ấy là thơ. Em không làm thơ, nhưng thích đọc thơ, thưởng thức thơ và muốn được chia sẻ sở thích ấy với mọi người. Vì thế, em mới đứng ra “bảo trợ” cho một câu lạc bộ thơ trẻ. Ban đầu, đó chỉ là một nhóm sinh viên yêu và sáng tác thơ văn. Giờ, đó là một câu lạc bộ khá quy mô, tập hợp những cây bút trẻ Bình Định đang học tập, làm việc ở nhiều nơi.
Ngày thơ năm nay, câu lạc bộ ấy cũng được cho phép dựng một lều thơ. Bên cạnh lều thơ của các câu lạc bộ thuộc lứa “đàn anh đàn chị”, lều thơ của các em vẫn thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có cả những phương tiện truyền thông. Có được điều ấy, không thể quên sự dìu dắt của một nhà thơ đi trước, một người có thời gian dài gắn bó với thơ trẻ. Và, cũng không thể không nhắc đến cô em gái tôi với vai trò “bà bầu” cho câu lạc bộ. Ngay từ những khâu chuẩn bị ban đầu đến lúc lều thơ hình thành đều có dấu tay em. Không chỉ giữ đầu mối liên kết các thành viên, em còn chăm lo những chuyện “bếp núc” nhỏ nhặt nhất.
Tại lều thơ do mình góp sức dựng nên hôm ấy, không có câu thơ nào của cô em gái tôi. Nhưng có hề gì, tôi vẫn thấy em rạng rỡ cùng những thành viên khác khi giới thiệu về hoạt động và những tác phẩm thơ của câu lạc bộ mình…
3. Người tổ chức, người tham gia, người đến xem hội thơ ít nhiều đều thấy thơ vẫn hiện hữu giữa cuộc đời. Người ta đến với thơ, để thấy cuộc sống đôi khi vẫn cần một chút lãng mạn, một chút tĩnh tâm, sâu lắng…
|