Công tác thu gom rác thải sinh hoạt trong nội thành TP Quy Nhơn những năm qua đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, ở một số phường ngoại thành, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn diễn ra, tạo nên một số “điểm đen” mà nguyên nhân là ý thức người dân còn kém cùng với sự thiếu tích cực của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ môi trường.
|
Điểm tập kết rác của Công ty TNHH môi trường đô thị Quy Nhơn trên đường Hùng Vương bị biến thành bãi rác công cộng, làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
|
* Những “điểm đen” ô nhiễm
Những năm gần đây, các phường ngoại thành Quy Nhơn như Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu... đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận người dân về nếp sống văn minh đô thị, cụ thể ở đây là giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn chưa được nâng cao ngang tầm.
Theo một số công nhân Đội vệ sinh môi trường số 4 thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, hiện khu vực 3, phường Nhơn Bình được xem là tâm điểm của tình trạng xả rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dọc bờ sông Hà Thanh, đoạn phía trên cầu Đôi, từ bờ tràn 1 đến bờ tràn 3, người dân sống ở khu vực này vẫn vô tư xả rác xuống sông và đầm Thị Nại. Như tại bờ tràn 1, rác sinh hoạt tấp thành đống ở đầu bờ tràn, lấp kín một số cửa tràn. Ở cổng chào vào khu vực 3, một đống rác to tướng ngay bờ ruộng cũng được hình thành từ lâu; bởi là nơi vứt rác chung của cả xóm.
Ngoài ra, phường Nhơn Bình còn có một số “điểm đen” khác về ô nhiễm môi trường ở các khu vực 1, 4, 7, 8, 9. Dù tuyến đường Đào Tấn luôn có xe rác của Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn đi thu gom hàng ngày, nhưng trên cầu chợ Dinh luôn có một đống rác do người dân mang ra đổ. Ngoài việc làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, việc làm thiếu ý thức này còn gây khó khăn cho công nhân vệ sinh, bởi xe rác không thể đậu đỗ trên cầu để bốc rác.
Phường Trần Quang Diệu cũng có khá nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường cần được giải quyết, như hai điểm thu gom rác ngay trên đường Hùng Vương gần cổng chào vào khu vực 1 và tại KCN Phú Tài, thuộc khu vực 6. Đây là những điểm tập kết và trung chuyển rác từ xe đẩy sang ô tô của Công ty TNHH Môi trường đô thị. Tuy nhiên, người dân ở xung quanh khu vực này vẫn cứ đem rác, thậm chí cả xác súc vật chết bỏ ở đây. Chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân đội vệ sinh môi trường số 4, đang dọn rác ở khu vực 1 bức xúc: “Ở khu vực này, chúng tôi đều đẩy xe đi thu gom rác tận nhà dân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ mang rác đến đây chất thành đống lớn, khiến chúng tôi mỗi ngày phải dọn đến 2 lần”. Hậu quả là ngoài việc gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, những đống rác này còn làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông.
Trong khi đó, tại khu vực 4 của phường lại xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi trong khu dân cư, bởi ở đây chưa triển khai việc thu gom rác theo quy định. Một số hộ dân mang rác ra chợ gần đó (thuộc địa bàn khu vực 5) đổ bừa, khiến người dân sống ở khu vực 5 bức xúc.
Theo ông Nguyễn Liên, Phó chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu, thì: “Chính quyền địa phương khuyến khích các khu vực 1, 4, 6 phát hiện kịp thời và báo cáo những trường hợp đổ rác bừa bãi để phường xử phạt hành chính; đồng thời, luôn nhắc nhở khu vực trưởng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ở khu vực 4, có trở ngại là dân chủ yếu làm nông nghiệp, trước nay chưa có thói quen đổ rác theo quy định nên không đăng ký đổ rác, dù phường đã có triển khai”.
Tương tự, ở phường Bùi Thị Xuân, người dân ở các khu vực 4, 7 cũng chưa thực hiện việc đổ rác theo nếp sống văn minh đô thị.
|
Rác thải sinh hoạt tấp thành đống ở đầu bờ tràn và lấp kín một số cửa bờ tràn 1 thuộc khu vực 3, phường Nhơn Bình.
|
* Chính quyền địa phương cần nhập cuộc
Theo ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, hiện tỉ lệ rác thải sinh hoạt ở các phường ngoại thành Quy Nhơn do Công ty thu gom đạt khoảng 80%. Với những địa bàn Công ty chưa triển khai việc thu gom rác như kể trên, chưa nghe chính quyền địa phương phản ánh. Ông Danh cho biết thêm, quy trình tiến hành việc thu gom rác ở khu dân cư là: Công ty sẽ khảo sát địa bàn và thông báo với chính quyền địa phương để địa phương thông báo cho người dân mang rác ra đổ.
Được biết, ở một địa bàn vốn từng rất khó khăn trong việc vận động người dân nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường như tổ 15, khu vực 2 phường Nhơn Bình, nay đã thật sự thay đổi, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. Từ năm 2009 đến nay, người dân ở đây đã nghiêm túc chấp hành đổ rác đúng nơi quy định, đồng thời đóng phí đầy đủ. Cách làm ở đây là khu vực tổ chức họp dân, triển khai chủ trương, sau khi người dân đăng ký thì Công ty cho xe thu gom rác, cán bộ khu vực giúp Công ty thu phí vệ sinh trong 2 tháng đầu, sau khi thu ổn định thì chuyển giao lại cho nhân viên công ty.
Hay tại khu vực 8, 9 phường Nhơn Bình, nhờ được Dự án vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn hỗ trợ triển khai sáng kiến thu gom rác thải, hiện môi trường ở đây đã được cải thiện đáng kể. Theo bà Đoàn Thị Kim Khánh, Chủ tịch Hội LHPN phường và là chủ sáng kiến, nếu duy trì mức thu phí vệ sinh 10.000 đồng/hộ/tháng và có sự hỗ trợ từ Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn trong việc giảm phí vận chuyển rác như hiện nay, thì sau khi dự án kết thúc, công tác vệ sinh môi trường ở đây vẫn sẽ được duy trì.
Như vậy, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở các khu dân cư, ngoài việc đơn vị chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, còn cho thấy vai trò quan trọng của chính quyền và các đoàn thể địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời kiểm tra, đôn đốc. Bởi thực tế cho thấy, có những địa bàn, xe thu gom rác của Công ty đã đi lấy rác nhưng không có ai đổ nên đành thôi.
|