QUA 1 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 02-212/TTG Ở PHÙ CÁT:
Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao
19:22', 20/2/ 2011 (GMT+7)

Đề án 02-212/TTg, về “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” được triển khai ở Phù Cát một năm qua đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chấp hành pháp luật; góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Đông đảo thanh niên huyện Phù Cát hưởng ứng cuộc vận động hiến máu nhân đạo. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Xác định việc triển khai thực hiện đề án có ý nghĩa quan trọng đối với các phong trào của Mặt trận, ngay từ đầu, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với UBND huyện và các cơ quan liên quan thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án 02- 212/TTg; xây dựng kế hoạch chi tiết, quy chế hoạt động và tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt chủ trương đến lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo Mặt trận các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động và thành lập 117 nhóm nòng cốt ở khu dân cư. Ban Điều hành huyện tổ chức mở 3 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho 742 thành viên Ban chỉ đạo xã, thị trấn và nhóm nòng cốt ở khu dân cư. Trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở, Ban Điều hành huyện đã tổ chức 2 đợt kiểm tra và phân công thành viên đứng chân địa bàn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện đề án ở cơ sở, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót.

Qua khảo sát cho thấy, các tầng lớp nhân dân rất đồng tình hưởng ứng việc triển khai đề án, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ngày càng cao, các bộ luật được người dân đặc biệt quan tâm là: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự… Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo xã, thị trấn đã nghiên cứu, chọn lọc tài liệu, xây dựng nội dung, chương trình kế hoạch chi tiết để phổ biến, giáo dục pháp luật ở cộng đồng dân cư sát hợp với nhu cầu từng địa bàn; phân công thành viên Ban chỉ đạo và nhóm nòng cốt đứng chân địa bàn, gồm những người có uy tín, năng lực, trình độ chuyên môn để trực tiếp tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả các bộ luật theo nhu cầu thực tế của từng địa phương. Tổ chức 224 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, có 29.184 lượt người tham dự.

Hình thức, phương pháp tuyên truyền được lồng ghép linh động, sáng tạo, có tác dụng thiết thực, hữu ích trong việc giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi, vi phạm pháp luật. Nội dung tuyên truyền chủ yếu bám vào văn bản của cấp trên; đồng thời, lồng ghép những dẫn chứng cụ thể tình hình thực tế tại địa phương và quan tâm đến việc giải đáp ý kiến thắc mắc của công dân. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền chung ở các điểm, các tổ chức đoàn thể còn lồng ghép vào các hoạt động của mình. Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật An toàn giao thông đường bộ… Hội Phụ nữ lồng ghép tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và các bộ luật khác phù hợp với yêu cầu nguyện vọng của hội viên, có nơi thông qua hình thức “hái hoa dân chủ” hoặc biên soạn tiểu phẩm thông qua diễn đàn văn nghệ quần chúng để thu hút người tham gia.

Ngoài ra, các xã tuyến biển phối hợp với Biên phòng 316 tổ chức tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia và các bộ luật khác liên quan đến an ninh tuyến biển; được nhân dân quan tâm, đồng tình hưởng ứng, vận động gia đình và cộng đồng chấp hành pháp luật, góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Qua tổ chức tuyên truyền, vận động có 38.051/40.456 hộ đăng ký gia đình không vi phạm pháp luật, đạt tỉ lệ 94,05%.

Qua một năm triển khai thực hiện cho thấy, tình hình trật tự xã hội ổn định hơn so với trước. Các hành vi vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự, vi phạm hành chính về an ninh trật tự một số xã so với năm 2009 giảm đáng kể; các tệ nạn xã hội như: mại dâm, cờ bạc, tiêm chích ma tuý không xảy ra trên địa bàn huyện. Các băng nhóm cướp giật được nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng truy bắt, xử lý kịp thời. Năm 2010, có 317 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, giảm 139 vụ so với năm 2009. Các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở khu dân cư cũng đã giảm. Trong năm, đã hòa giải thành 313/317 vụ (đạt 98,70%), có 99% số thôn, khu phố không xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp; có 82/117 khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

Việc triển khai thực hiện Đề án 02-212/TTg đã tạo sự thay đổi cơ bản về nhận thức của nhân dân trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

  • Hoài Trung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
41 xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em  (20/02/2011)
Nhiều thôn tổ chức Tết trâu, bò  (20/02/2011)
Tăng cường các hoạt động giám sát năm 2011  (20/02/2011)
Cần dẹp những “điểm đen” ô nhiễm  (19/02/2011)
Nghĩ sau ngày hội thơ…  (19/02/2011)
Tổ chức Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2011  (19/02/2011)
Phát động thi đua chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam  (19/02/2011)
Không sử dụng thuốc điều trị sốt rét chứa hoạt chất Artemisinin   (18/02/2011)
Vận động trên 7,1 tỉ đồng đóng góp vào Quỹ Khuyến học   (18/02/2011)
Báo cáo kết quả thực hiện kê khai, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập  (18/02/2011)
Xây dựng thêm 40 mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo  (18/02/2011)
Lại thiếu lao động sau Tết   (18/02/2011)
Hiệu quả thiết thực  (18/02/2011)
Khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị   (18/02/2011)
Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc  (18/02/2011)