Tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em thể cân nặng theo tuổi đến hết năm 2010 của tỉnh đã giảm còn 18,62%. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong thời gian tới là phải hạ thấp tỉ lệ trẻ em thấp còi (chiều cao theo tuổi).
|
Hiện nay, trẻ thấp còi là thách thức trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh ta. Ảnh: T.Hiền
|
* SDD trẻ em giảm còn 18,62%
Những năm qua, công tác phòng chống SDD trẻ em ở tỉnh ta tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Tỉ lệ SDD cân nặng theo tuổi của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 39,9% (năm 1999) xuống còn 18,62% (năm 2010). Đây là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực phòng chống SDD trẻ em của tỉnh.
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Để đạt được kết quả trên, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phòng chống SDD trong cộng đồng dân cư. Bắt đầu từ công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, từ đó giúp họ thực hành dinh dưỡng hợp lý.
Năm 2010, các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ” và “Tuần lễ Dinh dưỡng phát triển” tổ chức tại 9 điểm của huyện An Lão, Tuy Phước và TP Quy Nhơn, thu hút sự tham gia của gần 1.000 bà mẹ đang nuôi con nhỏ và phụ nữ có thai. Các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn kiến thức về chăm sóc bà mẹ có thai, nuôi trẻ… được lồng ghép thường xuyên và tích cực vào các hoạt động của các hội, đoàn thể.
Đơn cử, như Hội Làm vườn tổ chức 11 buổi tập huấn kiến thức dinh dưỡng phối hợp với triển khai làm kinh tế VAC tại hộ gia đình cho hơn 1.100 cán bộ chi hội, hội viên, phụ nữ đang nuôi con nhỏ. Các hộ gia đình cam kết phải có 1 ô dinh dưỡng và không có trẻ SDD. Kết quả, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã có 5.031 khu vườn, với 724 ha được cải tạo, sản xuất có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình.
Công tác tuyên truyền thông qua đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng thôn, bản được đẩy mạnh, tổ chức thăm hộ gia đình; đồng thời lồng ghép vào những buổi họp dân để tuyên truyền về phòng chống SDD. Cán bộ y tế còn hướng dẫn cụ thể cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con nhỏ cách chế biến thức ăn đầy đủ các nhóm, chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ; cách lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nhóm thực phẩm giàu năng lượng sẵn có ở địa phương để chế biến; thực hành dinh dưỡng, trình diễn bữa ăn dinh dưỡng, hội thi “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “tô màu bát bột”... đã thu hút đông đảo người dân.
Ngoài ra, các trạm y tế xã còn tổ chức cho trẻ uống vitamin A đều đặn mỗi năm 2 lần, phụ nữ từ 15-35 tuổi được uống viên sắt định kỳ để phòng chống thiếu máu, chăm sóc phụ nữ có thai, tẩy giun định kỳ cho học sinh...
* Thách thức trẻ em thấp còi
Hiện nay, tỉnh ta có hơn 107 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi. Đến hết năm 2010, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể thấp còi phản ánh qua công tác theo dõi tăng trưởng và đánh giá của Viện Dinh dưỡng là 26,54%. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành chức năng và toàn xã hội về tính bền vững và chất lượng DS của tỉnh ta trong tương lai. Bởi, nguyên nhân chính của tình trạng SDD vẫn cần có thời gian để đầu tư, khắc phục vì nó phụ thuộc vào các giải pháp nâng cao trình độ dân trí và tình hình phát triển KT-XH của địa phương.
Theo cơ quan quản lý, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng SDD ở trẻ em, chủ yếu vẫn là kinh tế của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình ở nông thôn, miền núi còn khó khăn. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng phương pháp nuôi dạy trẻ thiếu khoa học. Bên cạnh đó, chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em chưa đảm bảo, sự quan tâm của các cấp ủy, các ngành ở cơ sở chưa thật sự chu đáo...
Hậu quả của SDD ở trẻ em là rất lớn, các em bị thiệt thòi về khả năng phát triển trí não, thể lực, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe... ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số. Từ thực tế này, để công tác phòng chống SDD trẻ em mang lại hiệu quả cao hơn, cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, với các hội, đoàn thể xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép sâu rộng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong nhân dân…
|