Mùa đót ở Vân Canh
22:17', 25/2/ 2011 (GMT+7)

Ra Giêng, tiết trời ấm lên cũng là lúc đót trổ bông. Người dân sống dọc tuyến đường Phước An - Phước Thành (Tuy Phước) - Vân Canh kéo nhau đi bẻ đót. Những bông đót giúp bà con có thêm thu nhập sau những ngày Tết ăn tiêu “quá tay”.

Năm nào cũng vậy, cứ vào độ trung tuần tháng Giêng, người ta lại kéo nhau đi bẻ đót. Mấy năm nay, đót được giá, mỗi cân đót tươi giá tương đương một cân lúa. Bởi thế, đến mùa, dẫu có phải leo đèo, lội suối hay len lỏi xuống các thung sâu, nhiều người vẫn chịu khó đi tìm đót.

Họ phải thức dậy từ tờ mờ sáng, lên các sườn núi bẻ đót chất thành đống rồi mới tách lấy bông. Nhiều người mang theo cơm nắm, lặn lội vào những vạt rừng xa kiếm đót qua ngày. Đót phơi được nắng thì đẹp. Gặp đợt mưa dầm, đót lấy về không phơi được, ra màu không sáng, giá bán chỉ còn một nửa. Vì thế, chỉ những hôm trời nắng người đi bẻ đót mới đông.

 

Thời tiết ngày đầu xuân nắng nhiều, mưa ít, các tiểu thương tranh thủ mua đót để phơi khô.

 

Đót tốt thường mọc thành từng bụi ở những rẻo cao. Công đoạn bứt đót khá vất vả. Chị Quách Thị Mai (ở xã Canh Vinh) kể: “Đi bẻ đót vào những ngày nắng gắt, mồ hôi túa ra như tắm, tay chân ai cũng bị lá đót cứa xước chằng chịt. Đã thế, khi bẻ những bông đót già, bụi trên bông đót bám đầy người, ngứa ngáy rất khó chịu”.

Dọc đường về thôn Canh Phước (xã Canh Hòa), tôi gặp một nhóm khoảng 10 người, đa phần là phụ nữ ở làng Canh Lãnh, đang trên đường về nhà sau một ngày bẻ đót. Từ nhà, họ đi bộ chừng 2 giờ thì đến núi Ghè, rồi 3 giờ nữa thì đến Suối Rú. Từ đây, mọi người chia nhau ra các hướng để tìm đót. Khi mặt trời sắp lặn, họ hẹn nhau ở con suối Cau để cùng về. Nếu phải đi xa không kịp trở về trong ngày, họ phải ngủ đêm ở rừng.

Chị Trần Thị Thanh (ở xã Canh Hòa) kể: “Sau Tết, vãn việc đồng áng, cả làng mình đi bẻ đót. Năm nay, trời lạnh, đót chết nhiều nên không “trúng” bằng những năm trước. Rảo rạc chân trên núi nhưng ngày nào nhiều lắm cũng chỉ kiếm được chừng trăm ngàn đồng. Cả vụ đót, nếu làm siêng năng cũng kiếm được chừng 2 triệu đồng. Do vậy, phải tranh thủ từng ngày, chứ qua mùa đót là phải đi nơi khác làm mướn”.

Vào mùa đót, khắp các nẻo đường ở thị trấn Vân Canh, đi đâu cũng thấy cảnh phơi đót. Ở xã Canh Hòa có hàng chục người đến tận bìa rừng để thu mua đót. Chị Nguy - người chuyên thu mua đót- cho biết: “Mùa đót rất ngắn, chỉ từ sau Tết đến khoảng giữa tháng 2 là hết. Đót mới nhú bông, hái ngay là được giá nhất; chứ để bông xòe thì cọng dễ gãy, khi sang tay bị mất giá, thậm chí chẳng ai mua. Cứ ba cân đót tươi thì được một cân đót khô. Giá đót tươi vụ này đang ở mức 4.000-5.000 đồng/kg. Bán trực tiếp cho các cơ sở làm chổi, giá có cao hơn”.

  • Hoàng Minh Huệ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rao nhiều, tuyển được chẳng bao nhiêu   (25/02/2011)
Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh khóa XI  (25/02/2011)
Gặp mặt các thế hệ thầy thuốc  (25/02/2011)
Khuyến mãi 500 mặt hàng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3   (25/02/2011)
Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT   (25/02/2011)
Năm 2011, phấn đấu tạo việc làm mới cho 25.000 người  (24/02/2011)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm Sở Y tế và BVĐK tỉnh  (24/02/2011)
Tăng cường phòng ngừa, dập dịch bệnh LMLM ở gia súc  (24/02/2011)
Thách thức về tỉ lệ trẻ em thấp còi  (24/02/2011)
Phát hiện 1.759 trường hợp vi phạm  (24/02/2011)
Điều chỉnh cơ cấu giải và mức thưởng Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Định  (24/02/2011)
Cần mở rộng chính sách thu hút và đào tạo cán bộ y tế  (24/02/2011)
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính   (23/02/2011)
Tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án 02-212/TTg  (23/02/2011)
Thông qua quy chế, chương trình làm việc toàn khóa và năm 2011  (23/02/2011)