“Cõng” luật lên non
21:21', 27/2/ 2011 (GMT+7)

Vượt hơn 130 km, các trợ giúp viên (TGV), cộng tác viên (CTV) pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã về những vùng khó khăn nhất của xã An Quang, An Trung (huyện An Lão) để mang “cái luật” đến với đồng bào nơi đây.

 

Đồng bào dân tộc Hre, Bana ở An Lão đang được các TGV, CTV tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

 

* Nhật ký trợ giúp pháp lý

18 giờ 30 phút ngày 21.2, đoàn cán bộ của Trung tâm TGPL có mặt tại thị trấn An Lão (huyện An Lão); ăn vội bữa cơm tối, đoàn tiếp tục hành trình về thôn 2, 3 và 4 của xã An Quang. Một tiếng sau, khi tới địa phận xã An Quang, đoàn chia thành 2 nhóm (1 nhóm ở thôn 2, nhóm còn lại tiếp tục tới thôn 3, 4). Tại mỗi điểm trợ giúp, đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số đã có mặt từ sớm để được nghe các TGV, CTV pháp lý tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai; Luật Phòng chống bạo lực gia đình…

Ngoài ra, các CTV, TGV còn trực tiếp tư vấn, giải đáp nhiều vướng mắc, thắc mắc liên quan tới cuộc sống hàng ngày của bà con. Với “phương pháp tuyên truyền đặc trưng” (những nội dung nào khó hiểu, đoàn nhờ trưởng thôn “phiên dịch” lại bằng ngôn ngữ của đồng bào), đoàn cán bộ TGPL đã trang bị “số vốn” kha khá về pháp luật để bà con vận dụng vào cuộc sống; tránh những hành vi vi phạm không đáng có. Đúng 22 giờ, đoàn “thu quân”, trở về thị trấn An Lão.

Hơn 6 giờ sáng ngày 22.2, các thành viên của đoàn trợ giúp đã trong tư thế sẵn sàng, tiếp tục hành trình đến với người dân xã An Trung. Giống như tối 21.2, hôm nay đoàn cũng phải “chia đôi” để thực hiện nhiệm vụ “cõng” luật đến với người dân vùng cao. Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, giải thích: Do khoảng cách giữa các thôn khá xa, phương tiện đi lại của đồng bào còn hạn chế, nên trung tâm phải đến từng thôn để tuyên truyền chứ không thể tập trung tại một nơi nhất định. Như vậy, bà con mới có mặt đông đủ để lắng nghe các TGV, CTV pháp lý phổ biến pháp luật; giúp bà con nắm bắt được những nội dung cơ bản một số đạo luật gắn bó thiết thực với họ trong cuộc sống.

Cũng với phương pháp tuyên truyền “đặc trưng” nói trên, các TGV, CTV đã giải thích cặn kẽ, tường tận một cách cụ thể, bám sát thực tế những nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…; những thủ tục trong việc làm giấy khai sinh, các loại giấy tờ để được hưởng chế độ người có công; sự cần thiết của việc hòa giải khi giữa bà con có mâu thuẫn, xích mích với nhau trong cuộc sống…

Sau 2 ngày đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão, các TGV, CTV của Trung tâm TGPL lại tiếp tục hành trình mang luật đến với người dân tại những địa phương vùng sâu, vùng xa khác.

* Cần trợ giúp pháp lý lưu động nhiều hơn

Trong 2 ngày “sống chung” với đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu của huyện An Lão, các thành viên của đoàn TGPL đã cảm nhận được phần nào những khó khăn, thiếu thốn của bà con. Từ rất nhiều thắc mắc được nêu lên, đoàn TGPL lưu động mới thấy được, bà con còn rất ít hiểu biết pháp luật.

Bà Thái Kim Dung, Phó chủ tịch UBND xã An Quang, cho biết: Toàn xã có 314 hộ với 1.186 nhân khẩu; 99% trong số đó là người dân tộc H’re, Bana. Trình độ dân trí của người dân còn thấp nên việc tiếp thu kiến thức, cũng như công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách gặp không ít khó khăn. Để tuyên truyền, vận động có hiệu quả, xã thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền mọi lúc mọi nơi và quan trọng nhất là cụ thể hóa các văn bản pháp luật… Theo bà Dung: “Tuy hiện nay nhận thức của người dân đã được nâng lên một bước, nhưng việc Trung tâm TGPL tổ chức trợ giúp lưu động như thế này là hết sức cần thiết. Qua đây, các cán bộ chuyên môn của trung tâm sẽ trang bị những kiến thức cần thiết để bà con nâng cao hiểu biết, vận dụng có hiệu quả vào cuộc sống hàng ngày”.

Theo ông Phạm Minh Vương, chuyên viên pháp lý tại Chi nhánh số IV - Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (đóng trên địa bàn huyện An Lão): Chi nhánh thành lập vào đầu tháng 10.2010, ban đầu, do ít người biết nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Sau hơn 1 năm, đến nay Chi nhánh đã có những chuyển biến tích cực, khi lượng người tìm đến nhờ trợ giúp pháp lý ngày một tăng lên. Thời gian tới, Chi nhánh sẽ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trợ giúp, hỗ trợ, tư vấn cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Huỳnh Văn Chưa, cho biết: Bên cạnh các hoạt động TGPL thường xuyên của Trung tâm, Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo.

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ấm áp nghĩa tình  (27/02/2011)
Khám sàng lọc hơn 400 trẻ em khuyết tật cơ quan vận động  (27/02/2011)
Tổ chức bồi dưỡng Chính trị viên phó BCH quân sự cấp xã  (27/02/2011)
Còn 33 nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP  (27/02/2011)
Phần thưởng lớn nhất là được dân tin   (26/02/2011)
Thầy thuốc và y đức   (26/02/2011)
Tăng cường chỉ đạo và quản lý công tác bán đấu giá tài sản   (26/02/2011)
Tình người xa quê  (26/02/2011)
Mùa đót ở Vân Canh   (25/02/2011)
Rao nhiều, tuyển được chẳng bao nhiêu   (25/02/2011)
Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh khóa XI  (25/02/2011)
Gặp mặt các thế hệ thầy thuốc  (25/02/2011)
Khuyến mãi 500 mặt hàng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3   (25/02/2011)
Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT   (25/02/2011)
Năm 2011, phấn đấu tạo việc làm mới cho 25.000 người  (24/02/2011)