Đổi thay ở Bok Tới
19:49', 1/3/ 2011 (GMT+7)

Đến xã Bok Tới (Hoài Ân) vào những ngày đầu năm, ngắm nhìn những công trình đang xây dựng, mới thấy sự đổi thay, sức vươn lên của một vùng đất từng được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (năm 2005).

 

Trung tâm Văn hóa cộng đồng xã Bok Tới mới được xây dựng tại Cụm công trình trung tâm Gò Dũng.

 

* Đường mới

Chúng tôi vượt gần 30 km đường bằng xe máy, từ trung tâm huyện Hoài Ân đến xã Bok Tới nằm ở độ cao khoảng 500 m so với mặt nước biển. Toàn xã hiện có 381 hộ dân với trên 1.800 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Bana. Điều làm chúng tôi ngỡ ngàng nhất là con đường từ Gò Dũng nối với các làng T4, T5 đã được đổ bê tông phẳng lì. 5 năm trước, muốn đến xã phải đi qua nhiều đoạn dốc dựng đứng; một bên là núi cao, bên vực thẳm. Ngồi trên xe không dám nhìn lại sau lưng. Vào ngày mưa gió, phải đi bộ mất 10 giờ mới đến nơi. Nay, từ trung tâm huyện, xe máy chạy theo con đường mới chỉ mất hơn 40 phút đã đến xã.

Khu dân cư mới T5, ven chân núi, thấp thoáng những ngôi nhà lợp bằng ngói đỏ tươi, bên cạnh là những ngôi nhà sàn mới được dựng lại. Gần trưa, cả thôn vắng lặng như tờ, một tiếng hú cũng vang vọng khắp thôn. Bok Đinh Văn De vui vẻ nói: “Mùa này bà con lên nương rẫy hết, lũ trẻ thì đi học, chỉ có người già ở nhà lo cơm nước”. Giữa trưa, mọi người trong thôn mới lục đục kéo nhau về. Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Á, hồ hởi nói: “Bao nhiêu năm ước mơ, nay nhờ sự hỗ trợ trên 11 tỉ đồng của Nhà nước, con đường dài 4,6 km về đến từng thôn mới mở được. Nhớ lại những năm trước đây, nuôi được con heo, thu hoạch được ký bắp, ký đậu... đều phải gùi bằng vai, vất vả cực nhọc vô cùng. Chỉ quá một năm có đường về thôn, 80% số hộ dân đã mua được xe máy, 100% số hộ đã được sử dụng điện lưới quốc gia, trẻ em đến trường cũng thuận tiện hơn”.

Những năm qua, phát huy thế mạnh đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn rừng; lại được sự hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống của ngành nông nghiệp địa phương, đồng bào ở đây đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Năm qua, cả thôn đã trồng thêm được hơn 32 ha rừng keo, bạch đàn..., nâng tổng số diện tích trồng rừng của xã lên trên 2.300 ha. Điều quan trọng hơn là đồng bào đã không còn ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chăm chỉ làm ăn và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Năm qua, toàn xã có trên 20 hộ có thu nhập 50-60 triệu đồng từ rẫy keo, rẫy chuối, mì cao sản. Nhiều hộ giàu lên nhờ chăn nuôi và trồng chuối, trồng keo như hộ anh Đinh Văn Nghé ở thôn T1, thu được mỗi năm 100 triệu đồng.

 

Học sinh xã Bok Tới đã được học trong những lớp học mới khang trang.

 

* Đời sống nhân dân được nâng cao

Nhờ biết phát huy thế mạnh của địa phương nên KT-XH của xã vùng cao Bok Tới ngày càng phát triển. Và đó là điều kiện để xã đầu tư nhiều hơn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa- xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.

Được sự quan tâm của Nhà nước, Bok Tới vừa xây dựng Cụm công trình trung tâm Gò Dũng, với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng; gồm, công trình đường, san ủi mặt bằng Khu dãn dân (4,2ha) cùng các hạng mục khác như đường nội bộ, công trình nước sạch, nhà văn hóa, hệ thống điện chiếu sáng, khu nhà làm việc của UBND xã…  

Trong câu chuyện với chúng tôi, bên ché rượu cần, ông Đinh Văn Á mừng rỡ khoe: Cả xã đã có 80% số hộ dân có nhà xây kiên cố, 95% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, hầu hết các hộ dân đều có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; 100% trẻ em đi học theo đúng độ tuổi, 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Trong những ngày Tết, địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian tạo không khí vui vẻ trong cộng đồng. UBND xã cũng đã tổ chức gặp mặt 11 sinh viên đang học tập tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Hệ thống trường học ở đây đã được xây dựng khang trang, trải đều ở 5 thôn; trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chất lượng giáo dục được cải thiện tích cực. Thầy giáo Đinh Văn Ái, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bok Tới, cho biết: “Nếu như trước đây, người dân Bok Tới chưa quan tâm đến chuyện học hành của con em mình, thì nay bà con đã chăm lo cả đến việc tổ chức đưa đón con em đến trường; từ đó tỉ lệ học sinh bỏ học giảm dần, nhiều học sinh vươn lên học tập xuất sắc”.

Cùng với việc chú trọng nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Bana ở Bok Tới đang được phát huy; phong trào xây dựng đời sống văn hóa được người dân nhiệt tình hưởng ứng, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được bài trừ; người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh...

  • Công Hiếu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bồng Sơn: Phấn đấu lên thị xã  (01/03/2011)
Ra quân huấn luyện năm 2011  (01/03/2011)
Triển khai công tác Thông tin- truyền thông năm 2011  (01/03/2011)
Trường tăng tốc, học sinh “lơ mơ” chọn ngành   (28/02/2011)
Một cô giáo “đa năng”, yêu nghề   (28/02/2011)
Khuyến học ở Hoài Nhơn   (28/02/2011)
Triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2011  (28/02/2011)
Phong trào khuyến học phát huy hiệu quả   (28/02/2011)
Thành lập 2 khoa mới  (28/02/2011)
Một công ty tư nhân góp hàng trăm triệu đồng cho khuyến học   (28/02/2011)
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về người ứng cử đại biểu HĐND huyện  (28/02/2011)
“Cõng” luật lên non  (27/02/2011)
Ấm áp nghĩa tình  (27/02/2011)
Khám sàng lọc hơn 400 trẻ em khuyết tật cơ quan vận động  (27/02/2011)
Tổ chức bồi dưỡng Chính trị viên phó BCH quân sự cấp xã  (27/02/2011)