Những doanh nghiệp (DN) quan tâm thực hiện Quy chế dân chủ và tổ chức Hội nghị người lao động (NLĐ) đầy đủ thì mối quan hệ giữa DN với NLĐ trở nên hài hòa, ổn định, không xảy ra tranh chấp lao động…
* Chuyện hiếm...
Ngày 24.2, tại Hội nghị tập huấn công tác tổ chức Hội nghị NLĐ và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế tỉnh tổ chức, các đại biểu là chủ DN, trưởng phòng nhân sự, chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) đều có chung nhận xét: Nơi nào DN quan tâm thực hiện QCDC và tổ chức Hội nghị NLĐ đầy đủ thì mối quan hệ giữa DN với NLĐ trở nên hài hòa, ổn định, không xảy ra tranh chấp lao động; thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo trong DN, góp phần cùng DN tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm vật liệu, tăng năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập cho NLĐ.
|
DN thực hiện QCDC và tổ chức Hội nghị NLĐ đầy đủ sẽ tạo được sự gắn kết giữa DN với NLĐ. Ảnh: N.Phúc |
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều DN thực hiện QCDC và tổ chức Hội nghị NLĐ tại DN mình. Theo Công đoàn Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong năm 2010, tại các khu công nghiệp và Khu kinh tế Nhơn Hội mới có 23/108 CĐCS, DN tổ chức Hội nghị NLĐ, đạt tỉ lệ 21,29%. Số DN có tổ chức Hội nghị NLĐ đã triển khai tương đối đầy đủ các nội dung và thực hiện trình tự các bước theo hướng dẫn. Qua hội nghị, quyền làm chủ của NLĐ trong việc tham gia những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm và thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ đã được phát huy. Đây cũng là cơ hội để một số DN xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, nội dung, quy chế của DN để NLĐ tham gia đóng góp ý kiến. Một số DN đã tổ chức Hội nghị NLĐ đạt chất lượng và có tác động thiết thực là: Công ty cổ phần Bia Sài Gòn- Miền Trung, Công ty TNHH Đồ gỗ Viễn Thông, Công ty TNHH Trường Phát, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai…
* ... và những hạn chế
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh kiêm Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, công tác xây dựng QCDC chưa được các chủ DN và CĐCS chú trọng, đã ảnh hưởng đến việc phát huy dân chủ ở cơ sở. Từ chỗ các chủ DN không chịu xây dựng và ban hành QCDC tại DN mình nên sự tham gia của NLĐ còn lúng túng, việc kiểm tra, giám sát của CĐCS và NLĐ còn nhiều hạn chế.
Một số DN có tổ chức Hội nghị NLĐ nhưng chưa theo đúng các quy định, chưa thực hiện các thủ tục, trình tự đã hướng dẫn và còn nặng về hình thức, làm có tính chất đối phó. Vì vậy, nhận thức trách nhiệm về dân chủ và phát huy dân chủ trong DN chưa đầy đủ. Không ít chủ DN xem việc xây dựng, thực hiện QCDC và tổ chức Hội nghị NLĐ là trách nhiệm của công đoàn nên ít quan tâm. Có khi, các DN còn né tránh không báo cáo đầy đủ trước Hội nghị NLĐ những công việc phải công khai như kết quả thực hiện các nội dung đã ký kết trong thỏa ước lao động tập thể, xác lập và thực hiện phân phối các quỹ được trích từ lợi nhuận sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước như quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng…
Thời gian dành cho phát biểu thảo luận của NLĐ tham gia các nội dung hội nghị còn quá ít, nhất là phát biểu, trao đổi, kiến nghị những vấn đề liên quan đến đời sống, như điều kiện làm việc và thực hiện các chế độ chính sách về lao động.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết: Để việc xây dựng QCDC và tổ chức Hội nghị NLĐ được nhân rộng trong các DN, các cấp Công đoàn cùng các ngành liên quan cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quy chế cho từng DN. Phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN; đồng thời, hướng dẫn các CĐCS tham gia xây dựng các nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể trong DN và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ, nhất là các chính sách về lao động nữ…
|