Mỗi ngày dành một nắm gạo cho “Hũ gạo tình thương”, bỏ ống “Heo đất nghĩa tình”, treo ảnh Bác và 5 điều Bác dạy, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Gia đình thân thiện với môi trường”, câu lạc bộ “Phụ nữ đoàn kết”, “Thu gom rác thải”… Những việc làm này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đã được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thực hiện qua 4 năm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
|
Thí sinh tham gia Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức. Ảnh: Hoa Khá
|
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Cuộc vận động triển khai trong hệ thống hội đã thực sự lan tỏa và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo sức lan tỏa lớn. Trên cơ sở các nội dung, chủ đề hàng năm, các cấp hội đã chú trọng việc định hướng cụ thể hóa cho cán bộ, hội viên lựa chọn hình thức làm theo; trong đó, mô hình thực hành tiết kiệm được cán bộ, hội viên hưởng ứng tích cực và mang lại kết quả rõ nét nhất, được chính quyền địa phương đánh giá cao”.
Có thể đơn cử như phong trào xây dựng “Hũ gạo tình thương” được duy trì tại xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), đã phát triển từ đồng bằng đến miền núi với việc bớt một nắm gạo mỗi bữa ăn, tiết kiệm để hỗ trợ phụ nữ khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.127 hũ gạo tình thương, giúp đỡ hàng trăm phụ nữ nghèo, khó khăn ổn định cuộc sống. Điển hình của phong trào này là huyện Phù Cát, sau 2 năm triển khai đã tặng được 20 sổ tiết kiệm (trị giá 2 triệu đồng/sổ) cho phụ nữ nghèo, đơn thân, tàn tật.
Mô hình hiệu quả, dễ nhân rộng, từ già đến trẻ ai cũng có thể làm được là mô hình “Heo đất nghĩa tình”. Thông qua con heo đất tiết kiệm, người lớn gương mẫu, trẻ em noi theo và từ số tiền tiết kiệm đã giúp đỡ nhiều chị em nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Việc tiết kiệm trong chi tiêu, ma chay, cưới hỏi, tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày… đã làm dấy lên phong trào người người tiết kiệm, nhà nhà tiết kiệm. Từ mô hình này, Hội LHPN thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) đã dấn thêm một bước khi đưa ra sáng kiến vận động chị em tiết kiệm giúp một số học sinh nghèo học giỏi, thi đậu đại học có tiền nộp học phí.
Sinh thời, Bác Hồ có những việc làm thật giản dị song có ý nghĩa, tác dụng thiết thực. Noi theo tấm gương đạo đức của Bác, chị em đã thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện để từng bước tự hoàn thiện bản thân, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Phụ nữ Bình Định đã có những cách làm hay, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình hưởng ứng.
Sở dĩ những mô hình “làm theo” gương Bác do Hội LHPN tỉnh tổ chức được chị em hưởng ứng nhiệt tình và hiệu quả, bởi được triển khai phù hợp với vai trò, công việc, đặc điểm tâm lý của nữ giới. Từ mô hình gia đình treo 5 điều Bác Hồ dạy ở góc học tập cho con em được làm điểm tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm ngàn hộ gia đình hưởng ứng. Dù không thể đánh giá những tác động mà phong trào mang lại bằng các số liệu cụ thể, nhưng đây là việc làm thể hiện lòng kính trọng, ghi nhớ công ơn Bác; đồng thời, cũng là cách để các bậc phụ huynh nêu cao trách nhiệm giáo dục ý thức tự rèn luyện, phấn đấu cho con trẻ ngay từ trong gia đình.
Phụ nữ là người gắn bó, chăm lo cho gia đình. Việc xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Gia đình thân thiện với môi trường, hay các câu lạc bộ “Phụ nữ đoàn kết”, “Thu gom rác thải”… đã phát huy tinh thần gắn kết cộng đồng. Với phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác, nhiều phụ nữ đã chọn cho mình một bộ môn thể thao thích hợp để luyện tập hàng ngày. Phong trào ngày càng phát triển, từ thành thị, đến nông thôn và miền núi, với nhiều hình thức, bộ môn phong phú như: đi bộ, cầu lông, thể dục buổi sáng, thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền. Đây là một trong những chất xúc tác hình thành 61 câu lạc bộ dưỡng sinh, hơn 50 đội bóng chuyền nữ, 12 đội bóng đá nữ, 17 câu lạc bộ cầu lông, nhiều gia đình được công nhận gia đình thể thao…
Theo bà Hiền, lúc đầu triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều chị em băn khoăn rằng những việc làm của Bác thật vĩ đại, phụ nữ ở nông thôn quanh năm đầu tắt mặt tối ngoài đồng ruộng thì học làm sao được? Tuy nhiên, thông qua hình thức xây dựng các mô hình nói trên, đến nay mọi người lại có nhận thức khác. Những việc làm của Bác rất gần gũi với cuộc sống đời thường, ai cũng có thể học tập và làm theo được.
|