Tình thương cho những “mảnh đời ngơ ngác”
19:21', 5/3/ 2011 (GMT+7)

Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn là mái nhà chung của hàng trăm người tâm thần. Thương cảm với nỗi bất hạnh của những “mảnh đời ngơ ngác”, đã có nhiều nhà hảo tâm tổ chức những bữa cơm từ thiện, mang đến cho họ hơi ấm tình người…

 

Một bữa ăn trưa ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn.

 

* Thơm thảo những tấm lòng

Gần 3 năm qua, người dân và các tín đồ phật tử ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) thường xuyên quyên góp tiền và hàng hóa để tổ chức những bữa ăn chay cho các đối tượng người tâm thần đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Ngày thường là những suất cơm, tô bún chay; gần Tết thì có hàng trăm cây bánh tét, bánh chưng...

Đóng vai trò “cầu nối” cho hoạt động đầy tình nghĩa này là Tịnh xá Ngọc Sơn. Sư cô Tùng Liên, trụ trì của Tịnh xá Ngọc Sơn, cho biết: “Những người cùng đi lễ chùa đã tự vận động, cùng nhau quyên góp để làm việc thiện, người không có tiền, có quà thì góp công, góp củi… Người dân Bồng Sơn đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi cũng gửi tiền về đóng góp. Tịnh xá là nơi tiếp nhận các nguồn đóng góp và tổ chức nấu nướng”.

Dù phải vất vả với đủ nghề mưu sinh, hàng ngày, phải bán từng bó rau, chai mắm, nhưng mỗi khi được tin ở Tịnh xá chuẩn bị ra thăm những người bị bệnh tâm thần, bà Phạm Thị Công (51 tuổi, ở khối 5, thị trấn Bồng Sơn) lại sẵn sàng bỏ chợ. Bà đảm nhận mọi công việc, từ nấu nướng đến phân chia, gói ghém thật chu đáo từng suất ăn, phần quà. 

Trong khi đó, cơ sở xẻ gỗ gia công của gia đình anh Thành, chị Tận ở khối 4 lại xin góp củi cho việc nấu nướng. Anh Nguyễn Văn Lam, lái xe tải ở khối Liêm Bình, thì tự nguyện gắn bó với việc làm từ thiện bằng cách nhận vận chuyển miễn phí hàng hóa, thức ăn ra Trung tâm. “Mình làm ăn cả đời chứ đâu phải ngày một, ngày hai mà không bớt được chút thời gian để làm điều thiện. Ai có được cuộc sống đủ đầy thì cũng phải biết sẻ chia với những số phận bất hạnh”- anh Lam tâm sự.

Và còn nhiều, rất nhiều cá nhân, gia đình, đơn vị vẫn thường xuyên tham gia vào việc tổ chức các bữa ăn từ thiện cho người tâm thần, như gia đình chị Tường Vân, nhà xe Dũng Thủy, nhà thuốc Mai Thảo, quán cơm Hạnh... Nhiệt huyết nhất phải kể đến chị Nguyễn Thị Nga, ở xã Hoài Đức. Nhiều khi, đến đợt nấu cơm từ thiện mà “đứt kinh phí”, chị Nga sẵn sàng chi ra một khoản tiền không nhỏ để mua sắm và chuẩn bị đầy đủ lương thực, quà bánh, đúng hẹn ra thăm bệnh nhân…

Khi tìm hiểu công việc mang ý nghĩa hết sức nhân văn này, chúng tôi gặp rất nhiều lời khước từ khá tế nhị, bởi những người làm việc thiện đều không muốn nói nhiều về công việc lặng thầm của họ…

 

Chung tay tổ chức nấu ăn cho người tâm thần.

 

* Mang tình người đến những “mảnh đời ngơ ngác”

Những năm gần đây, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà hảo tâm. Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính của Trung tâm, cho biết: “Các nhà hảo tâm tìm đến với Trung tâm với tấm chân tình; nhiều người không cần ghi danh vào sổ từ thiện của Trung tâm. Thế nhưng, những người làm công tác quản lý ở đây vẫn mãi ghi nhớ những tấm lòng thơm thảo, nhất là những người thường xuyên nấu ăn miễn phí cho người bệnh tâm thần”.

Trong những “địa chỉ đỏ” thường xuyên tổ chức những bữa ăn nghĩa tình cho những người bệnh đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm, điều thú vị là mỗi nhà hảo tâm có thực đơn riêng. Nếu quán cơm Hạnh là những suất cơm mặn với đầy đủ chất dinh dưỡng, thì nhà thuốc Mai Thảo và Tịnh xá Ngọc Sơn là những bữa cơm chay, bún chay lạ miệng; còn gia đình thầy Tư là những tô bún giò nóng hổi... Mỗi bữa ăn cho người tâm thần đều trên 400 suất, mỗi suất thấp nhất cũng trị giá hơn 10 ngàn đồng. Ngoài suất ăn chính còn bánh kẹo, trái cây, nước ngọt… Nhiều người còn tặng thêm muỗng, khay ăn cơm để thuận tiện hơn cho người bệnh.

Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn hiện đang nuôi dưỡng 491 người tâm thần. Hôm tôi đến, còn gần 80 người được gia đình đón về ăn Tết chưa lên lại Trung tâm. Đó là những người may mắn còn nhận được sự quan tâm của gia đình, người thân. Tại Trung tâm, số người được thăm nuôi mỗi tháng một lần là rất ít. Có gần 100 người bị gia đình bỏ rơi hoàn toàn, quanh năm không có người thăm nuôi, nên họ rất cần hơi ấm tình người.

Y sĩ Trần Hoàng Ngưu, Trưởng phòng Y tế của Trung tâm, cho rằng: “Các đối tượng được tập trung nuôi dưỡng ở Trung tâm có nhiều dạng. Có người do gia đình gửi, nhưng cũng có người lang thang bị tập trung, có người ở các tỉnh khác. Thiếu thốn sự chăm sóc, đùm bọc của gia đình, nên họ rất cần sự quan tâm của cộng đồng. Vì vậy, những bữa ăn từ thiện, ngoài giá trị vật chất, còn mang ý nghĩa rất lớn về tinh thần. Không chỉ chăm lo bữa ăn cho người tâm thần một cách vô tư, nhiều người còn động viên, khuyên nhủ bệnh nhân thực hiện tốt hướng dẫn của người chăm sóc, giúp họ hồi phục nhanh hơn để sớm hòa nhập cộng đồng. Về mặt điều trị, rõ ràng, ảnh hưởng của hoạt động nhân đạo này là rất tốt”.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Việc nhỏ, ý nghĩa lớn  (05/03/2011)
Đầu tư khoảng 26 tỉ đồng xây 72 phòng học  (05/03/2011)
Xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng đạt chuẩn quốc gia  (05/03/2011)
Công đoàn ở một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài  (04/03/2011)
“Chìa khóa” của sự gắn kết   (04/03/2011)
Cứu 8 ngư dân gặp nạn trên biển  (04/03/2011)
Bình Định được thí điểm thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp   (04/03/2011)
Kiện toàn BCĐ công tác bảo vệ bí mật nhà nước   (04/03/2011)
Triển khai phong trào thi đua yêu nước năm 2011  (04/03/2011)
Triển khai công tác dân vận năm 2011   (04/03/2011)
Giảm đáng kể trẻ lang thang, trẻ bị xâm hại tình dục  (04/03/2011)
Đã được vào ở Ký túc xá  (04/03/2011)
Sẽ được giải quyết theo hướng có lợi cho giáo viên  (04/03/2011)
35 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2011  (03/03/2011)
Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Truyền thống Bộ đội biên phòng  (03/03/2011)