Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, việc cử tri bỏ phiếu lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài tham gia vào bộ máy công quyền luôn là vấn đề nóng bỏng, thu hút nhiều người quan tâm. Lẽ dĩ nhiên, việc đưa ra khung tiêu chí để cử tri lựa chọn từ trước đến nay vẫn là: Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, chức vụ hiện tại… Một tiêu chí khác “ngầm hiểu” là cán bộ đó thuộc ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm) nào để cho việc đại biểu được bầu trúng sẽ trải đều trong bộ máy; cơ cấu đại biểu hợp lý, đảm bảo tính đại diện. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng chưa được giải quyết căn bản, hợp lý, nên vẫn còn những đại biểu chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động, tỉ lệ đại biểu của các cơ quan hành chính trong HĐND các cấp vẫn chiếm khá cao.
Một thực tế đặt ra là, qua các kỳ bầu cử đại biểu HĐND trước đây, cử tri đánh giá những ứng cử viên trong danh sách được bầu trúng đã giữ chức vụ, chức trách được phân công, nay tái ứng cử, cũng chỉ mang tính tương đối. Trong một nhiệm kỳ HĐND, đại biểu đó được phân công nhiệm vụ cụ thể, nhưng thời gian tại vị đã làm được những công việc gì mà cử tri gửi gắm vẫn là một dấu hỏi. Cử tri khi cầm lá phiếu trên tay để lựa chọn cũng rất mơ hồ khi không có thông tin cụ thể về việc những cán bộ nhiệm kỳ trước đã làm được những gì, thiếu sót những gì, nguyên nhân do đâu và đã khắc phục đến đâu, nay tái ứng cử liệu có đáp ứng nhiệm vụ không?
Một bất cập nữa là tình trạng đi bầu thay vẫn chưa được xử lý triệt để, nghiêm túc. Điều này thể hiện nhận thức của cử tri; tuy nhiên, một phần khác cũng do công tác tuyên truyền còn hạn chế.
Một vấn đề không kém phần quan trọng trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND sắp tới, là tính công khai. Những người được giới thiệu hay tự ứng cử nên công khai, minh bạch ngay từ đầu nhất là về bằng cấp và tài sản, không phải chờ có vấn đề gì hay ai kiện cáo thì mới bổ sung. Về vấn đề tài sản, một khi đã chấp nhận làm đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu phải chứng minh cho dân thấy mình là người trong sáng, minh bạch. Như vậy mới có cơ sở để người dân dễ dàng lựa chọn.
Được biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND tới đây sẽ được tổ chức cùng một thời điểm. Theo đó, có rất nhiều các công đoạn bầu cử được thực hiện theo tiến trình tương tự nhau, nên việc kết hợp các công đoạn khi tiến hành bầu cử chung trong một ngày là thuận lợi. Tuy nhiên, nếu những hạn chế, tồn tại ở trên được khắc phục, công tác bầu cử sẽ thành công tốt đẹp, đưa vào bộ máy những người thực sự đủ tâm, đủ tầm để thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
|