MÔ HÌNH BÍ THƯ ĐỒNG THỜI LÀ CHỦ TỊCH XÃ Ở HOÀI NHƠN:
Nhiều ưu điểm nhưng không dễ nhân rộng
18:56', 6/3/ 2011 (GMT+7)

Giữa năm 2009 và đầu năm 2010, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Nhơn đã quyết định chọn hai xã Hoài Thanh Tây và Tam Quan Bắc thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2)  khóa X. Sau thời gian triển khai áp dụng mô hình, cả Hoài Thanh Tây và Tam Quan Bắc đều có những bước chuyển đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Nhưng để nhân rộng mô hình này là điều không dễ.

 

Hoài Thanh Tây là một trong số ít xã trong tỉnh có cả trường tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia.

 

* Quyền lực lớn, trách nhiệm nhiều

Kể từ ngày tiếp nhận hai “vai”, công việc của các bí thư đồng thời là chủ tịch tăng lên rất nhiều. Thay vì có điều kiện để chuyên sâu trên một lĩnh vực (hoặc công tác xây dựng Đảng hoặc công tác quản lý nhà nước) và có thời gian giúp đỡ gia đình, nay các bí thư đồng thời là chủ tịch xã phải thay đổi lịch làm việc và thói quen sinh hoạt của mình. Vào đầu giờ làm việc buổi sáng, phải giải quyết công việc thuộc lĩnh vực khối ủy ban, cuối giờ phải hội ý lãnh đạo bên đảng ủy; kỳ giao ban cuối tháng, buổi sáng phải chủ trì giao ban khối Nhà nước, buổi chiều chủ trì giao ban khối Đảng - Dân vận…

Ông Đào Duy Hội, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Vấn đề khó nhất là khi nào phải vào “vai” Bí thư Đảng ủy, khi nào nhập cuộc Chủ tịch UBND xã; cuộc họp nào phân cấp cho Phó Bí thư trực Đảng, cuộc họp nào giao Phó Chủ tịch UBND xã chủ trì, hội nghị nào bản thân phải trực tiếp dự và kết luận…”.

Tuy nhiên, ông Hội cho biết thêm: “Cái được lớn nhất sau khi nhất thể hóa là tôi được chủ động hơn trong các quyết định dựa trên cơ sở sự đồng thuận của tập thể. Nếu trước kia, với cương vị Chủ tịch UBND xã, tôi chỉ có trách nhiệm cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy, thì nay, tôi tranh thủ ý kiến của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy để đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ chung; sau đó, triển khai và tổ chức thực hiện. Như vậy, việc ban hành và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng ủy có phần thuận lợi hơn”.

* Nhiều ưu điểm

Mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch đã thể hiện nhiều ưu điểm. Việc tổ chức triển khai nghị quyết của cấp ủy nhanh hơn, hiệu quả hơn; đã khắc phục được tình trạng không thống nhất trong quan điểm chỉ đạo và điều hành giữa bí thư và chủ tịch, tạo sự đồng thuận giữa sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền; tạo sự tập trung, thống nhất cao trong nhận xét, đánh giá và đề bạt cán bộ...

Theo đánh giá của Huyện ủy Hoài Nhơn, Hoài Thanh Tây và Tam Quan Bắc vẫn giữ vững phong trào. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, an ninh - quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị được tiếp tục củng cố và kiện toàn. Năm 2010, cả hai xã được Ban Thường vụ Huyện ủy công nhận Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Kết quả đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý từng năm, các bí thư đồng thời là chủ tịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều đáng chú ý là qua công tác quản lý, điều hành, các mối quan hệ giữa khối Đảng và chính quyền được xác lập tương đối hài hòa; chưa thấy có biểu hiện buông lỏng sự lãnh đạo hoặc chuyên quyền, độc đoán.

Theo ông Phạm Thanh Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoài Nhơn, mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã sẽ mang lại hiệu quả cao nếu chọn được cán bộ đủ năng lực, trình độ, sức khỏe và uy tín; có sự tin tưởng, phân cấp cho cán bộ dưới quyền. Bên cạnh đó, bộ máy của hệ thống chính trị xã cũng phải được xây dựng đủ mạnh, có quy chế hoạt động rõ ràng, khoa học; công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của hệ thống chính trị và cá nhân cán bộ giữ vị trí kiêm nhiệm phải được tăng cường, đảm bảo giữ được hiệu quả hoạt động, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tuy nhiên, mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND nếu nhân rộng thì có thể sẽ gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết là vấn đề cán bộ, bởi trên thực tế, những cán bộ vừa có năng lực về công tác Đảng vừa có năng lực quản lý, điều hành về mặt Nhà nước không nhiều. Bên cạnh đó, việc nhất thể hóa hai chức danh còn vướng phải rào cản do tâm lý lo ngại, băn khoăn rằng khi tập trung quyền lực của hai chức danh vào một người sẽ dẫn đến tình trạng dễ lạm quyền, độc đoán, gia trưởng; rồi việc bố trí, sắp xếp cán bộ chuyên trách…

  • Phạm Dân

(Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hoài Nhơn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vài suy nghĩ trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp  (06/03/2011)
Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ  (06/03/2011)
Thời trang… than trời!  (05/03/2011)
Tình thương cho những “mảnh đời ngơ ngác”  (05/03/2011)
Việc nhỏ, ý nghĩa lớn  (05/03/2011)
Đầu tư khoảng 26 tỉ đồng xây 72 phòng học  (05/03/2011)
Xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng đạt chuẩn quốc gia  (05/03/2011)
Công đoàn ở một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài  (04/03/2011)
“Chìa khóa” của sự gắn kết   (04/03/2011)
Cứu 8 ngư dân gặp nạn trên biển  (04/03/2011)
Bình Định được thí điểm thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp   (04/03/2011)
Kiện toàn BCĐ công tác bảo vệ bí mật nhà nước   (04/03/2011)
Triển khai phong trào thi đua yêu nước năm 2011  (04/03/2011)
Triển khai công tác dân vận năm 2011   (04/03/2011)
Giảm đáng kể trẻ lang thang, trẻ bị xâm hại tình dục  (04/03/2011)