Trường PTDTNT huyện Hoài Ân được thành lập từ năm học 2008-2009, trên cơ sở tách học sinh người dân tộc thiểu số của 3 xã vùng cao Đắk Mang, Bok Tới và Ân Sơn từ Trường PTTH Hoài Ân và Trường THCS bán trú Ân Nghĩa. Nhờ vậy, chuyện học của con em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện đã khởi sắc hơn…
* Vượt khó theo con chữ
Trường PTDTNT huyện Hoài Ân có 200 HS, chia thành 8 lớp thuộc 4 khối: 6, 7, 8 và 9. Trong đó, có 65 em được hưởng chế độ học bổng của HS nội trú (584 ngàn đồng/tháng x 12 tháng). Còn lại đều hưởng chế độ hỗ trợ của HS bán trú (140 ngàn đồng/tháng x 9 tháng). Ông Nguyễn Thành Tân, Hiệu trưởng trường, cho biết: Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và tổ quản lý nội trú là 35 người; trong đó, có 13/15 giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Do trình độ HS yếu nên trường chủ trương dạy vừa sức với học sinh, học 2 buổi/ngày. Để không phân biệt đối tượng HS nội trú và bán trú, trường duy trì chế độ ăn chung. Ngay năm học đầu tiên, Ban Giám hiệu đã họp bàn với các phụ huynh thống nhất mỗi tháng ngoài tiền hỗ trợ 140 ngàn đồng, gia đình của HS bán trú đóng thêm 130 ngàn đồng nữa; bình quân tiền ăn của HS 9.000 đồng/ngày”.
|
Có trường mới, phù hợp với điều kiện đặc thù của mình, chuyện học của học sinh dân tộc thiểu số huyện Hoài Ân đã khởi sắc hơn. |
Khu nội trú HS gồm 34 phòng, chia làm 3 dãy, có khu bếp nấu một chiều, phòng ăn. Nam, nữ ở riêng theo các khu. 23 phòng ở nội trú khép kín của HS (10 HS/phòng) trông khá khang trang. Ông Đinh Văn Tuya, Phó hiệu trưởng trường, phụ trách quản lý Khu nội trú HS, nhận xét: “HS đã quen với môi trường học nội trú, đi học chuyên cần hơn so với hai năm đầu…”.
Vào thăm ký túc xá nữ, tôi thấy một nhóm HS lớp 8A2 đang ngồi ôn bài, một vài em khác đang lau nhà. Em Đinh Thị Thủy, có vẻ dạn dĩ nhất so với các bạn ở cùng phòng, tâm sự: “Ngày mới xuống trường, em và các bạn đều nhớ nhà, khóc cả tuần. Nhưng giờ thì quen rồi, bọn em thích học ở đây. Tụi em phân công nhau dọn dẹp, hai bạn trực một ngày: lau nhà, sắp xếp dép gọn gàng”. Khu ký túc xá nam trông có vẻ luộm thuộm hơn. Đinh Văn Sử, HS lớp 6A2, thật thà cho biết, dẫu nhà trường quy định hàng tháng mới cho về nhà nhưng cứ hai tuần, em lại lén về nhà vào tối thứ 7, sáng thứ 2 anh trai chở xuống trường, kịp chào cờ đầu tuần. “Ba mẹ thấy cháu về không la, nói còn nhỏ thì cho về nhà 2 tuần một lần, nhưng sang năm thì không được như thế nữa. Cháu học còn hơi yếu, nhất là môn Vật lý và Tiếng Anh”- Sử nói hồn nhiên.
* HS bỏ học đã giảm
Năm học đầu tiên (2008-2009), do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, gia đình thường xuyên nộp tiền ăn chậm, nên có HS mặc cảm, tự ái bỏ học. Tỉ lệ HS bỏ học hai năm đầu ở mức 7,51% và 7,66%. Học kỳ I năm học 2010-2011, HS bỏ học giảm còn 2,91%; tỉ lệ HS khá chiếm 18%, trung bình: 56% (giảm 1,52%), yếu: 22,5% (giảm 5,82%). So với mặt bằng chung của huyện, tỉ lệ HS bỏ học của trường vẫn còn cao, nhưng đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ của thầy và trò so với trước.
Học kỳ I vừa qua, Đinh Thị Nơi, HS lớp 9A2, đứng đầu lớp về kết quả học tập (điểm trung bình đạt 7,1). Nơi có vẻ rụt rè, nhưng lại tự tin khi nói sẽ quyết tâm học nghề y, sau này về giúp bà con ở xã Đắk Mang quê mình. Nơi tâm sự: “Cha mẹ em làm nông, em gái mới học lớp 1. Tiền chế độ HS nội trú gần 600 ngàn đồng/tháng, em chỉ giữ để nộp tiền ăn, còn lại đều đưa về giúp gia đình. Lớp em có nhiều bạn buồn vì không có đủ tiền nộp tiền ăn…”. Đinh Thị Lai, HS lớp 9A2, Liên đội trưởng của trường, cho biết thêm, mỗi khi có bạn nghỉ học, thầy cô và các bạn đến nhà động viên đi học trở lại. Có bạn trở lại trường, nhưng cũng có bạn nghỉ học luôn, vì không đủ tiền nộp tiền ăn hoặc vì học yếu quá…
Theo ông Đinh Văn Tuya, hiện nay, khó nhất với HS bán trú chính là khoản tiền ăn đóng thêm 130 ngàn đồng/tháng để ăn chung với chế độ của HS nội trú. Không có tiền nộp, hoặc nộp chậm, xấu hổ với bạn bè nên nhiều HS nghỉ học. Mới đây, Đinh Thị Đi, HS lớp 9A2, nhà ở làng T6, xã Đắk Mang đã bỏ học một tháng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mẹ mất, cha già yếu không ai chăm sóc. Đích thân thầy hiệu phó đã lên nhà vận động Đi trở lại lớp học; nhưng mới đi học được 1 tuần, Đi lại phải xin phép nghỉ học vài hôm về nhà chăm sóc cha.
|