Trong ngành giáo dục, có những nữ giáo viên rơi vào những hoàn cảnh gia đình éo le. Nhưng họ đã vượt lên nỗi đau, tiếp tục đứng vững trên bục giảng. Họ không chỉ đem đến kiến thức mà còn trao truyền cho HS tinh thần vượt khó trước những nghịch cảnh…
Đã hơn 3 tháng kể từ khi chồng qua đời trong đợt lũ cuối năm 2010, cô Dương Thị Nhứt (SN 1979), giáo viên Trường tiểu học Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân vẫn không khỏi bàng hoàng. Vợ chồng họ lấy nhau mới hơn 6 năm, sinh liên tiếp hai con. Năm 2010, họ gom góp tiền mua được một lô đất ngay tại trung tâm xã để cất nhà, ra riêng. Nhà mới xuống móng, anh Phụng (chồng cô Nhứt) vừa xây tạm căn phòng phía trước làm nghề cắt tóc thì qua đời. Cô Nhứt suy sụp hẳn. Sau khi được Báo Thanh Niên hỗ trợ 30 triệu đồng, đồng nghiệp ở trường mỗi người góp một ít, họ hàng giúp ngày công, hàng xóm láng giềng cho mua nợ vật liệu xây dựng… hai bên gia đình đã xây nhà cho mẹ con cô. “Tôi lo nhất là món nợ vay ngân hàng 30 triệu đồng. Lương tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng, nuôi hai con nhỏ, không biết đến khi nào mới trả được nợ” - cô Nhứt nói. Lo thì lo vậy, nhưng trên lớp học, cô Nhứt vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi chăm chút cho HS…
|
Nhiều cô giáo đã vượt lên trên nỗi đau riêng của mình để hoàn thành tốt trọng trách của một nhà giáo.
- Trong ảnh: Cô giáo Đặng Thị Xuân Lan, Trường tiểu học số 2 thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) trong một tiết dạy. |
Cùng Trường tiểu học Ân Hảo Tây còn có cô giáo Phan Thị Liên Hương cũng đang gánh chịu nỗi đau không kém khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư từ 2 năm nay. Cô là bộ đội phục viên, học trung cấp Sư phạm rồi về công tác tại trường này từ năm 1988 đến nay. Năm 1993, cô Hương bị u nang buồng trứng khi sinh con đầu. Năm 2002, bệnh cô tái phát, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng; năm 2009, bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh phát hiện cô bị ung thư buồng trứng tái phát, ở giai đoạn 2.
“Năm ngoái, xạ trị mấy đợt, tóc tôi đã rụng gần hết, mệt mỏi vô cùng. Nằm ở bệnh viện với những bạn đồng cảnh ngộ tôi lại buồn, nhớ trường nhớ lớp, chỉ mong được về với học sinh…” - cô Hương kể lại. Sau Tết, bệnh tình có vẻ nặng hơn, người mỏi mệt, ăn uống không tiêu. Lẽ ra, cô phải đi tái khám từ trước Tết nhưng cứ nấn ná chờ đến đợt hẹn sau vì không đủ tiền. Chồng làm nông, thu nhập không ổn định, 2 con đi học, cô Hương là lao động chính của gia đình. Hai con gái của cô đang học lớp 9 và lớp 12, đều đang chuẩn bị những kỳ thi “vượt rào” quan trọng. Bởi vậy, cô Hương phải luôn cố gắng để giữ mình khỏi bị suy sụp, tiếp tục công tác tốt để gieo niềm tin và tinh thần lạc quan cho con cái và cả những HS mình đang dạy.
Cô Mai Thị Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhận xét: “Hai cô giáo mỗi người một hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ đều luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Nhà trường cũng luôn quan tâm động viên họ…”.
Lần đầu tiên tiếp xúc với cô Nguyễn Thị Đăng, giáo viên Trường THCS Quang Trung, TP Quy Nhơn, khó mà biết cô đang chung sống với bệnh ung thư tuyến giáp từ hơn 4 năm qua. Cô Đăng lạc quan, vui vẻ, lên lớp đúng giờ, nhiệt tình giảng dạy và tham gia các hoạt động do đơn vị tổ chức. “Bác sĩ vẫn dặn dò, liều thuốc tốt nhất đối với mọi bệnh nhân chính là tinh thần. Nếu luôn giữ mình lạc quan, vui vẻ thì bệnh tật lui dần; bằng không, bệnh đến nhanh hơn. Bởi vậy, tôi chọn cách sống lạc quan, còn sức còn dạy HS sinh…” - cô Đăng đã nói vậy.
Còn cô giáo Xuân Lan ở Trường tiểu học số 2 thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh thì luôn nở nụ cười hồn hậu dù chồng mắc bệnh nặng, cô trở thành lao động chính trong gia đình. Bao năm qua, cô Xuân Lan vẫn luôn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh dìu dắt các thế hệ HS nên người. Cái cách cô dạy học trò cứ rủ rỉ thân tình như mẹ nói với con; trò coi cô như người mẹ, người bạn. Bởi vậy, học trò cũ đã nói rằng, cô Lan đã nêu một tấm gương vượt qua khó khăn, tận tụy, hết lòng vì HS trong suốt quãng đời dạy học của mình…
|