Huyện Vĩnh Thạnh có gần 29% dân số là đồng bào người dân tộc thiểu số, trong đó tỉ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, đập thủy lợi, đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, khuyến ngư, tạo điều kiện cho đồng bào ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
|
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn cách trồng đậu cho đồng bào xã Vĩnh Kim. Ảnh: Xuân Dũng
|
* Đời sống đổi thay
Già làng Nguyễn Văn Thư ở làng Kon Tơlok, xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Những năm qua, đồng bào chúng tôi được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất nhiều. Theo sự hướng dẫn của cán bộ, bà con động viên nhau làm ăn, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Đến giờ, làng đã có đường giao thông, công trình nước sạch. Bà con trong làng đều làm được nhà cửa khang trang, con em đều được đi học”.
Còn ông Đinh Khê ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp cũng không giấu nổi niềm vui khi nói về những chuyển biến trong đời sống của bà con mình: “Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, dân làng Hà Ri chúng tôi hôm nay đã đạt mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/năm. Tuy chưa thể bằng bà con người Kinh nhưng là kết quả rất đáng mừng”.
Hiện ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đều có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp nên công tác khuyến nông đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xem là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho đồng bào đã đem lại hiệu quả thiết thực. Quan tâm bảo tồn làng nghề, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng đã tổ chức các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, đan lát để giúp đồng bào người Bana, H’rê có thu nhập phù hợp với tập quán sản xuất. Nói về những thay đổi ở xã tái định cư Vĩnh Thuận, ông Đinh Văn Sao, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Tuy mới thành lập từ năm 2006, còn rất nhiều khó khăn nhưng nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi... ở Vĩnh Thuận đã đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển ở địa phương”.
Những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo nâng cao trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Các điểm trường được xây dựng ở tất cả các làng, đáp ứng nhu cầu học tập cho trẻ trong độ tuổi đến trường; các chế độ chính sách với con em đồng bào dân tộc thiểu số như: cấp phát vở, hỗ trợ tiền ăn uống, sinh hoạt được huyện triển khai thực hiện đầy đủ. Toàn huyện đã thực hiện tốt công tác huy động trẻ người dân tộc thiểu số đến trường, vận động số trẻ bỏ học, lưu ban ra học các lớp hòa nhập và bổ túc văn hóa các cấp. Công tác đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc cũng được quan tâm, đã có 72 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
* Xóa đói giảm nghèo hiệu quả
Về các chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh, ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong các năm qua, với nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã xây dựng được nhiều công trình quan trọng, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, điện, nước, góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”.
Kinh tế ổn định đã tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được phát động rộng rãi và được đồng bào hưởng ứng tích cực, văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa một số bệnh cũng được thực hiện tốt. Đồng bào dân tộc thiểu số được khám và điều trị bệnh theo mạng lưới trạm xá xã và bệnh viện đa khoa huyện. Ở tất cả các làng đều có cộng tác viên y tế. 100% số đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, huyện đã thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ nghèo ở các xã thuộc vùng tái định canh, định cư giảm mỗi năm 4-5%, đến nay không còn hộ đói kinh niên, cơ bản xóa được nhà tạm. Tỉ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 97%, tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%, hầu hết địa bàn dân cư có đường giao thông thuận lợi. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được thay đổi cả về chất lẫn lượng, mặt bằng dân trí được nâng cao rõ rệt. Những kết quả trên đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển toàn diện.
|