Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, công tác giám sát bầu cử rất được coi trọng. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về một số vấn đề xung quanh công tác giám sát bầu cử đang được tổ chức MTTQ Việt Nam các cấp tập trung triển khai thực hiện.
* Xin bà cho biết các nội dung giám sát của cơ quan MTTQ Việt Nam đối với công tác bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp?
|
Cử tri biểu quyết tại Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác của người ứng cử ĐBQH khóa XIII tại Công ty CP Quốc Thắng. |
- Ngày 25.2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Thông tri số 14 về việc MTTQ Việt Nam giám sát bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Để thực hiện tốt Thông tri này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có công văn hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố chú trọng tham gia thực hiện công tác giám sát bầu cử. Chúng tôi đã nêu rõ 8 nội dung mà Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố cần giám sát. Đó là: hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử; việc giới thiệu người ứng cử và thủ tục hồ sơ ứng cử; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát việc lập danh sách cử tri và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách những người ứng cử, việc xóa tên người trong danh sách ứng cử; việc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử vận động bầu cử; việc vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền về bầu cử; trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử.
* Trong các nội dung đó, theo bà, nội dung nào được coi là trọng tâm?
- Mục đích chính của việc giám sát là để bảo đảm tính dân chủ của cuộc bầu cử. Vì thế, theo tôi, công tác giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử là nội dung rất quan trọng. Lâu nay, người ứng cử chủ yếu được đánh giá qua công việc ở các cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Trong khi đó, trước khi bỏ phiếu bầu, cử tri cần có cái nhìn đa chiều về người ứng cử, cả về cuộc sống cá nhân, gia đình và mối quan hệ cộng đồng nơi cư trú. Trong kế hoạch giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ trực tiếp giám sát một số hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
* Để đảm bảo tính dân chủ của cuộc bầu cử, điều quan trọng là MTTQ Việt Nam- cơ quan có trách nhiệm giám sát, phải thật sự lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân…
- Đúng vậy. Trong hướng dẫn giám sát công tác bầu cử cho Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các huyện, chúng tôi đã lưu ý trong các biện pháp giám sát, đặc biệt chú ý đến biện pháp lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân. Để có thể nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân, thông tin về người ứng cử được niêm yết cũng đảm bảo tính minh bạch, hướng đến đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về người ứng cử của cử tri.
Hơn thế, các hội nghị lấy ý kiến phải tạo không khí dân chủ để cử tri tự do phát biểu ý kiến, phản ánh. Ở phương diện khác, cử tri cũng cần cân nhắc khi nêu ý kiến nhận xét về người ứng cử phải có thái độ thật sự trung thực, khách quan. Ngoài ra, nội dung, phương thức tiếp xúc giữa người ứng cử và cử tri cũng cần đổi mới. Thay vì chỉ nghe cử tri góp ý, đề đạt nguyện vọng một chiều, trong những tình huống cụ thể, người ứng cử có thể cùng đối thoại với cử tri. Qua những cuộc đối thoại trực tiếp, cử tri có thể nhận biết được năng lực, bản lĩnh của người ứng cử, qua đó thêm tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Người ứng cử nhờ đó cũng thấy rõ sự kỳ vọng của cử tri đối với bản thân nên sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của ĐBQH và ĐB HĐND khi trúng cử.
* Xin cảm ơn bà.
|