Chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS-KHHGĐ) là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần tích cực trong công tác ổn định quy mô dân số, nâng cao vai trò CSSKSS cho phụ nữ vùng khó khăn, vùng đông dân và vùng có mức sinh cao.
|
Các đợt chiến dịch trong năm 2011 sẽ ưu tiên cho 30 xã đặc biệt khó khăn và đông dân, có mức sinh cao.
- Trong ảnh: Triển khai chiến dịch tại xã bán đảo Nhơn Hải, TP Quy Nhơn.
|
* Truyền thông và cung cấp dịch vụ
Mỗi năm tỉnh ta tổ chức 2 đợt chiến dịch lồng ghép truyền thông và cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Các đợt chiến dịch đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác CSSKSS-KHHGĐ. Kết quả của chiến dịch đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành chỉ tiêu các biện pháp tránh thai và nâng cao nhận thức của người dân về CSSKSS-KHHGĐ. Năm 2010, Bình Định đã tổ chức 2 đợt chiến dịch tại 90 xã, phường của 11 huyện, thành phố. Kết quả, đã cung cấp các biện pháp tránh thai lâm sàng cho 9.292 lượt người, góp phần thực hiện 10,3% chỉ tiêu kế hoạch biện pháp tránh thai cả năm. Nhưng quan trọng là chiến dịch đã tạo cơ hội để người dân “vùng lõm” được tiếp cận các dịch vụ CSSKSS.
Kinh nghiệm cho thấy, để các đợt chiến dịch đạt hiệu quả, công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai chiến dịch cần được thực hiện chặt chẽ. Cấp tỉnh chuẩn bị các nguồn lực phục vụ chiến dịch như con người, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, phương tiện truyền thông và thực hiện giám sát hoạt động triển khai chiến dịch tại cơ sở. Cấp huyện chỉ đạo xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch, chỉ đạo công tác khảo sát, thu nhập thông tin số liệu, lập danh sách đối tượng cần tuyên truyền, vận động theo các gói dịch vụ. Trên cơ sở kết quả khảo sát, ngành Y tế xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Hoạt động truyền thông được tổ chức nhịp nhàng từ tỉnh xuống huyện. Việc triển khai chiến dịch được thực hiện đồng bộ, người dân các cơ sở, đặc biệt là phụ nữ được tư vấn, truyền thông các biện pháp KHHGĐ, đồng thời được tư vấn và CSSKSS.
* Nâng chất lượng dân số
Nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. Thời gian qua, ngành Y tế đã rất quan tâm triển khai nhiều biện pháp, đầu tư kinh phí, mở rộng xã hội hóa dịch vụ CSSKSS, do đó, công tác này đã đáp ứng khá kịp thời nhu cầu của xã hội.
Theo kết quả phân bổ chỉ tiêu và kinh phí của Trung ương, từ nay đến cuối năm 2011, Bình Định sẽ tổ chức 2 đợt chiến dịch tại 30 xã của 8 huyện; nghĩa là bị cắt giảm hơn một nửa địa bàn thực hiện các đợt chiến dịch tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS. Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Bình Định bị cắt giảm số xã triển khai chiến dịch vì đến cuối năm 2010, dù chưa đạt mức sinh thay thế, nhưng tỉ suất sinh thô của tỉnh được xếp vào nhóm thấp là 16,2%o.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, phân tích: Hiện nay, nhiều tỉnh đã đạt mức sinh thay thế nên ngân sách nhà nước sẽ chuyển sang đầu tư cho các mô hình, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, như: tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh. Xu hướng chương trình dân số sẽ đưa các hoạt động này đi vào thường xuyên nên việc tổ chức các đợt chiến dịch chỉ ưu tiên cho các xã vùng đặc biệt khó khăn và các xã đông dân có mức sinh cao.
Như vậy, trong năm 2011, ngành Y tế sẽ tổ chức hai đợt chiến dịch cho 17 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn và 13 xã đông dân, có mức sinh cao thuộc TP Quy Nhơn và các huyện: An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão.
Ngày 9.3, Sở Y tế đã có kế hoạch triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ năm 2011. Theo đó, chiến dịch sẽ tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 kết thúc trước ngày 30.4 và đợt 2 kết thúc trước ngày 30.9. Tại các xã, chiến dịch được tổ chức 7-8 ngày, gồm các hoạt động chính: tuyên truyền tư vấn, vận động đối tượng, cung cấp các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ.
Mục tiêu cụ thể của chiến dịch sẽ đảm bảo các chỉ tiêu của các gói dịch vụ KHHGĐ: triệt sản đạt 60%, dụng cụ tử cung đạt 75%, thuốc tiêm và thuốc cấy tránh thai đạt 60%. Chi cục DS-KHHGĐ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông; xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu, vật tư, thiết bị và dụng cụ y tế cho chiến dịch.
T.H |
|