Theo Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), trong năm 2011, việc dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) sẽ được ưu tiên cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở LĐ-TB&XH, bình quân mỗi năm có hàng ngàn người dân ở nông thôn đến tuổi lao động và cũng chừng ấy số LĐNT bị thu hồi đất cần chuyển đổi nghề. Dù các hộ bị thu hồi đất đều được nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, nhưng cái khó của họ là không biết làm gì khi không còn đất sản xuất.
|
LĐNT đang học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm Thanh niên. Ảnh: N.Phúc |
Để giải quyết tình trạng này, trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai chương trình đào tạo nghề cho LĐNT. Theo đó, Sở làm “đầu mối”, phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Tùy theo nhu cầu học của từng nhóm đối tượng mà mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Việc dạy nghề cho LĐNT được thực hiện dưới nhiều hình thức như dạy nghề chính quy tại cơ sở dạy nghề, dạy nghề lưu động (tại xã, thôn), dạy nghề tại doanh nghiệp, dạy nghề gắn với xuất khẩu lao động... Chính nhờ đào tạo nghề lưu động cùng với chính sách ưu đãi, mỗi năm số LĐNT đăng ký học nghề ở các địa phương này tăng lên. Từ khi triển khai chương trình dạy nghề lưu động, theo ghi nhận của nhiều địa phương, tình trạng LĐNT ly hương đã giảm đáng kể và nhiều người đã có nghề nghiệp ổn định, phát triển kinh tế trên chính địa phương của mình.
Kế hoạch trong năm 2011, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt đề án 1956) đã phân cho tỉnh hơn 19,2 tỉ đồng để đào tạo nghề LĐNT. Trong đó, 13 tỉ đồng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; 5,6 tỉ đồng hỗ trợ dạy nghề cho 2.572 LĐNT; 530 triệu đồng đào tạo cán bộ công chức xã.
Việc dạy nghề cho LĐNT được ưu tiên hỗ trợ cho các huyện: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn và các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới. Các nghề cũng được mở rộng và thêm nhiều nghề mới phù hợp với LĐNT, như: may công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, chọn và nhân giống… Đối tượng học nghề thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ có thu nhập bằng 150% hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất. Ngoài học nghề miễn phí, người học còn được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày và hỗ trợ tiền đi lại 50.000 đồng/khóa học.
Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Tổng cục Dạy nghề triển khai thí điểm dạy nghề cho LĐNT tại xã Bình Thành (Tây Sơn), với 51 lao động học may công nghiệp, thú y. Đối với lao động học nghề may, sau khi ra nghề được các doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay; còn lao động học phòng và trị bệnh gia súc, gia cầm sau khi ra nghề được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi.
Thời gian đến, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục thí điểm thêm 3 mô hình: nuôi gà thả vườn tại xã Tây Giang (Tây Sơn), nuôi cá nước ngọt và dệt chiếu cói tại Tam Quan (Hoài Nhơn), nhằm tạo việc làm và hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho LĐNT.
Theo ông Lê Văn Nghinh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), mục tiêu dạy nghề cho LĐNT năm nay là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, xây dựng nông thôn mới.
|