Con đường ngoằn ngoèo, lắm đèo dốc dẫn chúng tôi vào thôn Truông Gia Vấn - một thôn xa, biệt lập trong rừng của xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (người địa phương quen gọi tắt là xã Vấn, Gia Vấn). Rất lâu rồi, Truông Gia Vấn không có khách. Không chỉ trẻ con mà cả nhiều người lớn cũng mỉm cười đón chúng tôi với tất cả sự lạ lẫm, tò mò.
Truông Gia Vấn vốn là một xóm nhỏ, chỉ thành thôn sau khi Nhà nước triển khai dự án giãn dân xây dựng khu kinh tế mới ở đây. Đất đai rộng rãi, màu mỡ, cây cối xanh tươi nhưng sản xuất nông nghiệp ở Gia Vấn khó khăn vì sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Vào mùa mưa, thôn thường bị phong tỏa, chia cắt do ngập lụt, đường đèo sạt lở nhiều, dân không thể ra khỏi thôn, mà nếu không bị chia cắt thì việc đi lại cũng rất nguy hiểm. Không chỉ nghèo khó về vật chất, Gia Vấn còn thiếu thốn rất nhiều về tinh thần.
Toàn thôn có 59 hộ với 232 nhân khẩu, nhưng trong làng hiện chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Phần lớn thanh niên, trai tráng trong làng đều đi làm ăn xa. Có quá ít người nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cuộc sống của nhân dân rất khó thực hiện.
Chưa có điện nên suốt một ngày ở Truông Gia Vấn tôi không nghe thấy tiếng loa, tiếng đài, tiếng tivi vốn rất bình thường ở khu dân cư cách đó chỉ gần một giờ đi xe máy. Cả thôn im lặng trong tiếng gió rừng u u. Cho đến giờ mà trong thôn vẫn còn một số nhà tranh vách đất (ảnh). Tối đến, máy phát điện chạy dầu do huyện hỗ trợ từ 18 giờ đến 21 giờ, đến ngày mùa thì nới thêm một chút đến 22 giờ. Điện chủ yếu để thắp sáng, những hoạt động khác rất hạn chế, người dân cũng chỉ có thể nghe tin tức, xem chương trình thời sự trên tivi.
Truông Gia Vấn nghèo, lại có quá ít dân nên chuyện học thật khó khăn. Ở Gia Vấn “trẻ đi học mẫu giáo phải ở trọ” và chỉ những gia đình có người thân quen hay bên ngoài mới có thể cho con em ra huyện, xã để trọ học. Chị Đặng Thị Cơ, người dân trong thôn, cho hay: “Thôn giờ quá ít người, cũng muốn đẻ thêm nhưng đẻ con ra không cho nó cái chữ được, lớn lên nó dốt tội lắm; mà cho nó đi học thì không có trường lớp, gởi bên ngoài xã thì không có tiền. Chuyện học cho con còn lo chưa xong nên nhiều lúc, mấy chị em phụ nữ trong thôn muốn tổ chức sinh hoạt tập thể với nhau cho vui cũng không được. Chị em thỉnh thoảng lại ca hát chay với những nhạc cụ là nồi niêu trong nhà. Thế mà cũng vui lắm!”.
Từ khi dự án kinh tế mới triển khai đến giờ cũng đã mấy chục năm nhưng điện - đường - trường - trạm cho Gia Vấn vẫn chưa đâu vào đâu. Tôi dự định vào Truông Gia Vấn để tìm hiểu đời sống văn hóa nhưng khi chứng kiến cảnh nghèo “toàn tập” ở đây lại thấy chạnh lòng. Trong tên thôn có chữ “vấn” – có nghĩa là “hỏi”, xem ra thôn Truông Gia Vấn là một câu hỏi lớn không chỉ của xã Mỹ Hòa mà còn là của huyện Phù Mỹ.
|